Việc cho trẻ sử dụng xe tròn tập đi của nhiều gia đình sẽ không giúp trẻ biết đi nhanh hơn, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn nguy hiểm.
Bé 10 tháng đứt lưỡi vì xe tròn tập đi
Bác sĩ Trần Văn Đồng (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, mới đây Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc tiếp nhận một trường hợp bé 10 tháng tuổi bị lật và ngã khi đi xe tròn tập đi, hậu quả bị đứt gần rời 1/3 đầu lưỡi. Khi vào viện cấp cứu, bé được Ths.BS Dương Hà Liên (khoa Chấn thương chỉnh hình) khâu cấp cứu, sau 24 giờ vết thương của cháu bé đã ổn định.
Bác sĩ Đồng cho rằng, đây không phải là lần đầu có trẻ bị tai nạn khi người lớn cho sử dụng xe tròn tập đi. Nhiều trẻ khi bị ngã hoặc va chạm tưởng như rất nhẹ nhàng nhưng có thể gây ra chấn thương nghiêm trọng.
Hình ảnh cháu bé bị đứt lưỡi phải đưa đi cấp cứu vì tai nạn xe tròn tập đi. Ảnh: BS Hà Liên.
Theo bác sĩ Đồng, biết đi là một trong những mốc phát triển quan trọng của trẻ mà bất kỳ cha mẹ nào cũng mong muốn con biết thật sớm. Thậm chí, nhiều cha mẹ còn áp dụng mẹo để đạt được kỳ vọng cho con biết đi sớm, trong đó có việc cho ngồi trong xe tròn tập đi. Tuy nhiên, chiếc xe này có thật sự giúp trẻ sớm biết đi như kỳ vọng của cha mẹ?
Xe tập đi có giúp trẻ biết đi sớm hơn không?
Bác sĩ Đồng cho biết, các nghiên cứu cho thấy xe tập đi không mang lại lợi ích gì giúp bé tập đi sớm hơn. Khi ở trong xe tập đi, trẻ sử dụng các cơ ở phía sau của chân và đi kiễng chân trong khi tập đứng, đi, trườn bò cần sử dụng nhiều nhóm cơ hơn.
Nếu trẻ được đặt vào xe tập đi, bé sẽ không có cơ hội học cách bò, tự ngồi, tự đứng... Trong khi đây là một bước quan trọng để trẻ tập đi. Xe tập đi có thể trì hoãn kỹ năng ngồi, bò hoặc đi độc lập của trẻ. Cần nhiều nghiên cứu để khẳng định xe tập đi có thể làm chậm sự phát triển tâm thần, tuy vậy lợi ích giúp trẻ đi sớm hơn là không hề có.
Xe tập đi có giúp trẻ học giữ được thăng bằng
Vị trí của em bé trong xe tập đi khiến em bé hay nghiêng về phía trước so với hông. Ngoài ra, bé không phải tự giữ thăng bằng trong xe tập đi. Cho dù em bé nhón người sang một bên hay hướng về phía trước, xe tập đi sẽ đỡ em bé khỏi bị ngã, sự "bao bọc" quá lớn này sẽ khiến trẻ không học được điều gì.
Xe tập đi không giúp trẻ biết đi nhanh hơn. (Ảnh minh họa)
Xe tập đi có mang đến sự an toàn cho trẻ
Theo bác sĩ Đồng, khi đặt trẻ vào xe và luôn để mắt đến trẻ tưởng chừng an toàn, nhưng thực tế đó là sự an toàn giả. Một thống kê tại Mỹ từ năm 1990 đến 2014 cho thấy, hơn 230.000 trẻ em dưới 15 tháng tuổi đã được điều trị tại các khoa cấp cứu của Mỹ vì chấn thương liên quan đến xe tập đi, phần lớn là do ngã cầu thang, chấn thương đầu cổ, đôi khi cũng rất nghiêm trọng. Từ đó có thể thấy, xe tập đi không thật sự an toàn cho trẻ.
Trong trường hợp nhà không có cầu thang, bậc thang, trẻ vẫn có thể bị vướng ngón tay vào xe hoặc bị thương do chính các đồ gắn với xe, trẻ dễ tự kéo đồ vật trên cao xuống hoặc với được những đồ nguy hiểm ở vị trí xa và cao hơn như vật sắc nhọn, cốc nước nóng ...
Các mẹ cần cân nhắc khi sử dụng xe tập đi cho trẻ.
Cân nhắc sử dụng xe tập đi vì sự an toàn của trẻ
Bác sĩ Đồng cho biết phần lớn các chấn thương lại xảy ra khi cha mẹ vẫn đang quan sát bé, xe có bánh, trẻ có thể di chuyển đến 1m mỗi giây, cha mẹ chỉ đơn giản là không đủ nhanh để theo bé hoặc thời điểm đó đang lơ là quan sát.
Do vậy kể cả ở khoảng rộng, xe vẫn chưa chắc an toàn ngay cả khi người lớn ở cạnh, bé có thể đi quá nhanh và ngã khỏi xe hoặc lao xuống vị trí nguy hiểm.
Theo vị bác sĩ này, ở Canada việc sản xuất và sử dụng xe tập đi đã bị cấm từ 2004, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo không nên sử dụng “xe tập đi” cho bé chỉ vì mục đích dạy trẻ biết đi!
Việc phát triển là tự nhiên của trẻ, được chơi với cha mẹ sẽ giúp ích trẻ rất nhiều cho trẻ phát triển hết tiềm năng. Với sự cổ vũ nồng nhiệt và vui vẻ, chơi hai tay đối diện dắt trẻ tiến lùi, giúp trẻ đi men tường hay thanh song, đẩy đồ vật....hay tự đứng vững có thể giúp ích cho trẻ sớm cứng cáp, biết đi.