Bé 3 tuổi hay phải vào viện mùa lạnh, hóa ra do cách cho con ăn mẹ nào cũng mắc

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 22/12/2021 14:25 PM (GMT+7)

Việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ vô cùng quan trọng, nhất là trong mùa lạnh. Phụ huynh nếu lơ là hoặc chăm sóc dinh dưỡng không hợp lý, trẻ rất dễ đổ bệnh.

Con ốm vặt, rối loạn tiêu hóa vì mẹ chiều cho ăn theo sở thích

Mùa đông với đặc điểm thời tiết lạnh và khô dễ khiến trẻ mắc một số bệnh theo mùa như cúm, viêm đường hô hấp… Để phòng bệnh, việc bổ sung dinh dưỡng đúng cách cho trẻ nhằm nâng cao sức đề kháng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, có một thực tế là mùa đông trẻ thường lười ăn hơn, nếu bố mẹ không chú ý trẻ rất dễ thiếu chất, dẫn đến hay ốm vặt.

Chị Thanh Thủy (30 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) vừa phải đưa cô con gái 3 tuổi đi khám vì bé hay kêu đau bụng, khó đi ngoài do táo bón, và thường xuyên ốm vặt (sổ mũi, ho húng hắng, ăn kém…).

Chị Thủy cho biết từ đầu mùa đông đến nay, con chị ăn kém hơn hẳn, bản thân chị cũng thừa nhận mình chiều và cho con ăn theo sở thích. Theo đó, do ảnh hưởng dịch bệnh, cháu không đi nhà trẻ nên ở nhà ăn đồ ngọt nhiều. Đến bữa cơm ăn rất ít và không ăn rau, không uống nước rau. Hàng ngày, cháu uống khoảng 3 cốc sữa tươi.

Trẻ thường rất lười ăn rau, nhất là trong mùa đông, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa và sức đề kháng của trẻ. (Ảnh minh hoạ)

Trẻ thường rất lười ăn rau, nhất là trong mùa đông, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa và sức đề kháng của trẻ. (Ảnh minh hoạ)

Qua thăm khám, con chị Thủy được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa và viêm mũi họng. Tuy tình trạng không quá nghiêm trọng, nhưng điều căn bản là phụ huynh cần phải chăm sóc dinh dưỡng tốt hơn, giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, chống chọi tốt với bệnh tật. Đặc biệt, cần bổ sung rau xanh trong khẩu phần ăn của trẻ để có vitamin, khoáng chất, giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thuý Hồng, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng (Giảng viên Bộ môn Nhi, trường Đại học Y Hà Nội, kiêm Phó trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp, trẻ nhỏ hay bị sổ mũi, cảm lạnh. Chính vì vậy, ngoài việc giữ ấm cho trẻ, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng vô cùng quan trọng để tăng sức đề kháng và phòng ngừa các bệnh lý đường hô hấp và tiêu hoá cho trẻ.

Theo tiến sĩ Thúy Hồng, trong mùa đông trẻ phải tiêu hao năng lượng nhiều hơn để giữ ấm cho cơ thể. Do đó, nhu cầu bổ sung năng lượng của trẻ cũng cao hơn mức bình thường. Việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ sẽ phụ thuộc vào từng độ tuổi khác nhau.

“Với trẻ dưới 6 tháng tuổi cần phải được bú sữa mẹ hoàn toàn vì sữa mẹ chứa các loại kháng thể tự nhiên giúp bé chống lại bệnh tật trong giai đoạn đầu đời. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, ngoài bú sữa mẹ thì bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm rất quan trọng. Đặc biệt, bổ sung đầy đủ, cân đối các nhóm chất”, bác sĩ Hồng cho hay.

Bổ sung đúng thời điểm và đủ nhu cầu

Theo tiến sĩ Thúy Hồng, khi trẻ được 6 tháng tuổi là thời điểm phù hợp nhất để bắt đầu ăn bổ sung, lấp đầy khoảng trống năng lượng cũng như các chất dinh dưỡng mà sữa mẹ không cung cấp đủ kể từ giai đoạn sau 6 tháng tuổi.

“Một điều các mẹ cần chú ý là cho trẻ ăn bổ sung đúng thời điểm (khi trẻ được tròn 6 tháng tuổi). Nếu cho trẻ ăn sớm quá sẽ nguy hiểm bởi vì trẻ sẽ bú ít đi, mẹ sẽ tiết ít sữa và khó khăn hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của trẻ. Trong thực tế, khi trẻ nhận được ít các yếu tố miễn dịch từ sữa mẹ, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng. Hơn nữa, thức ăn mới thường ít chất dinh dưỡng hơn sữa mẹ.

Ngược lại, nếu cho trẻ ăn muộn hơn, trẻ sẽ không nhận đủ được các chất dinh dưỡng để bù đắp sự thiếu hụt này. Dẫn đến trẻ chậm lớn hoặc ngừng tăng cân, nguy cơ suy dinh dưỡng và thiếu vi chất”, bác sĩ Hồng chia sẻ.

Theo hướng dẫn của bác sĩ Hồng, khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, các mẹ cần cho trẻ ăn ít một, tăng dần để trẻ quen với thức ăn mới. Tăng dần số bữa ăn bổ sung phù hợp theo lứa tuổi của trẻ. Các thực phẩm cần được nghiền nhỏ trong giai đoạn đầu, sau đó tăng dần độ thô để kích thích mọc răng.

Nhu cầu ăn uống của con phụ thuộc vào từng lứa tuổi.

Nhu cầu ăn uống của con phụ thuộc vào từng lứa tuổi.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ, ngoài việc cho trẻ bú mẹ, mẹ cần cho trẻ ăn đủ số bữa cùng số lượng thích hợp của mỗi bữa:

- Trẻ 6 tháng tuổi, cần ăn 1 bữa bột lỏng rồi đặc dần, số lượng tăng dần (để đạt 200ml);

- Trẻ 7 - 8 tháng, cần ăn 2 bữa bột đặc (200ml/bữa);

- Trẻ 9 - 11 tháng, ăn 3 bữa bột đặc (200ml/bữa);

- Trẻ 12 - 24 tháng, trẻ ăn 3 bữa cháo đặc (250 - 300ml/bữa);

- Trẻ trên 2 tuổi, ăn cơm cùng gia đình và có thêm các bữa phụ.

4 nhóm chất song hành cần bổ sung đầy đủ và cân đối cho trẻ

Quá trình chăm sóc con, nhất là trong mùa đông các mẹ cần lưu ý đảm bảo chế độ dinh dưỡng của trẻ đầy đủ 4 nhóm thực phẩm cơ bản (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất) để cung cấp đủ năng lượng và tăng sức đề kháng cho trẻ.  

Cụ thể tư vấn về việc sử dụng các nhóm chất cho trẻ trong mùa đông của tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hồng:

- Nhóm tinh bột: Là nguồn cung cấp năng lượng chính trong các bữa ăn. Vào mùa đông, cơ thể bé cần lượng tinh bột nhiều hơn. Do đó, chế độ ăn chứa nhiều tinh bột trong mùa đông rất cần thiết cho trẻ.

Ngoài việc bổ sung tinh bột từ bột, cháo, cơm, mỳ,... mẹ có thể cho bé ăn thêm tinh bột trong bí đỏ, khoai tây,... Đây là những loại thực phẩm chứa đường đa giúp no lâu hơn, lại cung cấp nhiều năng lượng hơn. Tùy theo sở thích của trẻ mà mẹ có những cách chế biến và bổ sung tinh bột cho con dưới nhiều hình thức khác nhau, hấp dẫn trẻ ăn nhiều hơn.

- Nhóm đạm: Cung cấp protein cho cơ thể, bao gồm các loại thực phẩm: thịt, cá, trứng, sữa... là các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, trẻ dễ hấp thu. Có thể thấy những thực phẩm giàu protein có thể kích thích sản sinh nhiệt tốt hơn các thực phẩm khác.

Chúng giúp cơ thể tăng nhiệt tốt hơn so với những thực phẩm chứa tinh bột hoặc chứa chất béo, vì thế chúng có khả năng giữ ấm tốt hơn. Thực tế, ngoài lựa chọn các thực phẩm chứa protein nguồn gốc động vật, các mẹ nên phối hợp các protein có nguồn gốc thực vật như các loại đậu đỗ (đậu nành, đậu xanh, đậu trắng…) để trẻ nhận được nguồn dinh dưỡng cân đối nhất.

Bổ sung đầy đủ, cân đối các nhóm chất cho trẻ rất quan trọng, nhất là trong mùa đông.

Bổ sung đầy đủ, cân đối các nhóm chất cho trẻ rất quan trọng, nhất là trong mùa đông.

- Nhóm thực phẩm giàu chất béo: Lipid là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể và hỗ trợ tăng khả năng giữ ấm cơ thể cho trẻ. Ngoài vai trò cung cấp các acid béo, tham gia vào quá trình xây dựng cơ thể phải kể đến vai trò quan trọng của lipid đó là tăng cường khả năng hấp thụ các vitamin tan trong dầu: A, D, E, K và tích trữ chúng.

Vì vậy, với chế độ ăn không hợp lý (bữa ăn bổ sung thiếu dầu/mỡ) là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị thiếu các vitamin tan trong dầu (A, D) gây ra các triệu chứng: da khô, tóc thưa, rụng nhiều sau gáy, chảy nước mắt và hay dụi mắt.

Theo khuyến cáo, các mẹ nên sử dụng phối hợp cả dầu thực vật và mỡ động vật để trẻ được phát triển toàn diện nhất. Dầu thực vật chứa nhiều acid béo không no cần cho sự phát triển hệ thần kinh của trẻ nhỏ.

- Nhóm vitamin và khoáng chất: Các vitamin, đặc biệt các vitamin nhóm B, C, E, D,... có vai trò quan trọng giúp tăng cường hấp thu và chuyển hoá các chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, các dưỡng chất này có vai trò rất lớn trong việc cải thiện khả năng thích ứng của cơ thể trẻ nhỏ khi tiết trời trở lạnh, tăng cường miễn dịch cho cơ thể trẻ.

Bởi thế, mùa đông các mẹ cần cho trẻ ăn rau củ quả hàng ngày vừa để bổ sung cho con các vitamin vừa hỗ trợ tăng sức đề kháng. Các loại thực phẩm chứa nhiều các vitamin và khoáng chất này bao gồm: sữa, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc, trái cây tươi, các loại rau xanh, các loại đậu,...

Loại nhân sâm trắng ăn cùng món này giúp ngừa lão hóa, bớt cảm lạnh, khỏe suốt mùa đông
Chúng ta thường nghe câu "Đông ăn củ cải, hạ ăn gừng", điều này cho thấy ăn củ cải rất tốt cho sức khỏe trong mùa đông lạnh giá.

Thực phẩm phòng bệnh

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư vấn sức khỏe trẻ em