Gừng sấy khô chứa hợp chất có tác dụng chống oxy hóa, chống ung thư hiệu quả gấp 10.000 lần thuốc hóa trị Taxol.
Gừng là một trong những loại gia vị lành mạnh nhất và vô cùng quen thuộc với người Việt. Nó không chỉ được dùng làm gia vị trong nấu nướng mà còn được dùng làm thuốc để trị một số bệnh mùa đông.
Đừng coi thường củ gừng, trông tuy nhỏ bé nhưng lại có công dụng rất tốt, đặc biệt các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra đặc tính ngừa ung thư cực mạnh của gừng.
Gừng khô chứa chất chống ung thư mạnh hơn cả thuốc
Tạp chí Sinh lý học, Sinh lý bệnh học và Dược học quốc tế từng đăng tải nghiên cứu cho thấy gừng có thể giúp ngăn ngừa nhiều bệnh khác nhau. Gừng chứa chất chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa và chống ung thư.
Gừng sấy khô sản sinh ra hợp chất 6-shogaol có tác dụng chống ung thư mạnh mẽ. (Ảnh minh họa)
Các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng khi gừng tươi được sấy khô sẽ sản sinh ra hợp chất mà gừng tươi không có, một trong số đó là hợp chất 6-shogaol. Tạp chí Khoa học Dinh dưỡng và Khoa học Thực phẩm phát hiện nồng độ cao nhất 6-shogaol được tạo ra khi gừng sấy khô ở 80 độ C.
Điều đặc biệt là hợp chất này có tác dụng chống ung thư mạnh mẽ. Một nghiên cứu của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Mỹ cho thấy chất 6-shagaol từ gừng khô ức chế sự phát triển của tế bào ung thư tiền liệt tuyến.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Dược học Anh cho thấy chất 6-shogaol có thể ức chế sự lây lan của khối ung thư vú. Ngoài ra thành phần này còn ức chế sự phát triển của các cục u vú. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn phát hiện chất 6-shogaol chỉ tiêu diệt những tế bào ung thư và không làm hại tới các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Việc này an toàn hơn so với những phương pháp điều trị ung thư truyền thống vốn không có tính chọn lọc.
Cuối cùng, nếu so sánh với thuốc điều trị ung thư Taxol, 6-shogaol vượt trội hơn hẳn về khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư và khối u. Ngay cả khi tăng liều lượng Taxol, 6-shogaol cũng được chứng minh là có hiệu quả cao hơn 10.000 lần so với loại thuốc điều trị ung thư này trong việc loại bỏ các tế bào gốc ung thư, ngăn chặn khối u mới hình thành, phát triển và bảo toàn các tế bào khỏe mạnh.
Một nghiên cứu khác kéo dài 28 ngày trên những cá nhân có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cho thấy sử dụng 2 gam chiết xuất gừng mỗi ngày làm giảm đáng kể các phân tử truyền tín hiệu gây viêm trong ruột kết. Tuy nhiên, một nghiên cứu tiếp theo ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đại trực tràng đã không cho kết quả tương tự.
Đây là những nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm và còn nhỏ lẻ, cần có thêm nhiều nghiên cứu lớn hơn trên người để hiểu rõ tác dụng ngừa ung thư của gừng. Dù vậy những kết quả trên cũng cho thấy những tiềm năng của gừng trong việc hỗ trợ điều trị ung thư.
Gừng - "thần dược" của mùa đông
Có câu nói “Mùa đông ăn củ cải, mùa hè ăn gừng” nhưng gừng không chỉ thích hợp ăn vào mùa hè, dùng gừng vào mùa đông cũng rất có lợi.
Người có thể chất lạnh thường sợ lạnh, tay chân lạnh, sau khi ăn đồ lạnh dễ tiêu chảy, ăn gừng có thể làm ấm cơ thể, chống lạnh tránh gây tổn thương tỳ vị, dạ dày, tránh khó tiêu. Nếu bị cảm mạo, hãy uống một bát canh, cháo gừng nóng... các triệu chứng bệnh sẽ được cải thiện.
Bên cạnh đó, gừng có thể làm giảm nôn mửa. Đối với những người bị say tàu xe, say sóng, dùng một vài lát gừng trên đường đi hoặc uống một ít nước gừng có thể cải thiện các triệu chứng của họ. Khi bữa ăn không có mùi thơm hoặc giảm cảm giác ngon miệng, ăn một ít gừng có thể cải thiện cảm giác chán ăn và tăng thèm ăn. Nếu ăn cá, tôm, gia cầm bị ngộ độc hoặc lỡ ăn phải sắn, nấm dại... thì có thể dùng gừng để giải độc.
Làm thế nào để sử dụng gừng trong mùa đông?
- Gừng tươi băm nhuyễn, đường đen. Mỗi thứ vừa đủ, hãm với nước sôi để uống, phòng trị cảm mạo, phong hàn.
- Uống trà đen với gừng có tác dụng điều hòa dạ dày, ruột. Phương pháp pha trà đen gừng: Lấy 1-3 gam trà đen và 3 lát gừng tươi, cho vào tách trà và pha với nước sôi, đậy nắp trong 3 đến 5 phút và uống 1-2 lần trong ngày. Cũng có thể dùng 15 gam gừng tươi giã nát, lấy nước cốt hòa vào nước trà đen.
- Đối với những người bị viêm loét dạ dày, nước gừng có thể bảo vệ dạ dày. Đổ 2-3 thìa nước gừng vào nửa hộp sữa đun sôi, để ấm và uống khi bụng đói vào buổi sáng. Sữa và nước gừng có thể tạo thành một lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị viêm loét ngăn cản sự bào mòn của axit dịch vị.
- Đối với người tỳ vị hư nhược, phân lỏng cũng nên nấu cháo gừng. Lấy 50 gam gạo tẻ, rửa sạch, cho nước vào nấu thành cháo, khi chín thêm 10 gam gừng lát, nấu cho đến khi gạo chín nhừ và ăn khi còn nóng.
Gừng ngâm giấm tốt cho quá trình tiêu hóa. (Ảnh minh họa)
- Gừng ngâm giấm giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Gừng có vị cay độc đáo, có tác dụng kích thích vị giác, tăng cường sinh lực cho lá lách, giúp ăn ngon miệng, trong khi giấm có tác dụng khai vị, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm khó tiêu. Cách làm: Cắt gừng tươi thành từng lát mỏng, cho vào lọ rỗng, sạch. Sau đó, đổ giấm gạo vào (giấm gạo phải ngập dưới lát gừng). Thêm một lượng nhỏ đường và muối bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh sau khi vặn chặt nắp, 3 ngày sau có thể ăn được. Mỗi sáng lấy ra 2 - 4 lát gừng, có thể ăn với cháo kê.
- Ngâm chân với gừng để giải cảm. Những người tay chân hay bị lạnh, dễ sợ lạnh, thường bị tiêu chảy, khó tiêu có thể ngâm chân với gừng. Lúc này có thể dùng gừng thái sợi, đun trên lửa lớn, cho nước vào ngâm chân. Lưu ý nhiệt độ phải phù hợp, nhiệt độ nước từ 40 ℃~45 ℃, thời gian ngâm chân không quá nửa tiếng.
Thận trọng khi sử dụng gừng
Gừng thối sẽ tạo ra một chất rất độc là safrole, có thể gây thoái hóa và hoại tử tế bào gan, thậm chí gây ung thư gan, ung thư thực quản. Nhớ quan sát kỹ trước khi ăn gừng.
Không nên ăn quá nhiều gừng vì có thể xảy ra hiện tượng chảy máu cam do dùng gừng quá liều. Nghiên cứu hiện đại cho rằng không nên ăn quá nhiều gừng một lúc để không hấp thụ một lượng lớn gingerol, sẽ kích thích thận và gây khô miệng, đau họng, táo bón và các triệu chứng “khó chịu” khác.
Gừng thích hợp với những người bị lạnh bụng, tức là những bệnh nhân thường xuyên bị tiêu chảy, chân tay lạnh, sợ lạnh và ưa ấm. Những người âm hư, hỏa vượng không nên ăn nhiều gừng nếu thường bị khô miệng, khô mắt, khô mũi, da khô, buồn bực, cáu gắt, ăn ngủ kém. Hoặc những người bị nóng trong, đau bụng, nôn mửa, trĩ chảy máu, mụn nhọt sưng tấy, lở loét… thì không nên ăn gừng.