Củ cải trắng có vị hơi cay, đắng nên nhiều người không thích ăn. Tuy nhiên đây là loại củ cực tốt cho sức khỏe, được ví như “nhân sâm mùa đông”.
Củ cải trắng đã quá quen thuộc đối với người Việt. Loại củ này có thể chế biến thành nhiều món ăn từ luộc, muối chua, kho cá, kho thịt… Ngoài ra, củ cải trắng còn là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe, nhất là trong mùa đông.
Đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình) cho biết, củ cải trắng có tên gọi khác là la bạc, la phục và được ví tốt như nhân sâm trong mùa đông, vì có nhiều tác dụng đối với sức khỏe.
Trong đông y, củ cải có vị ngọt, hơi cay, đắng, tính bình. Củ cải trắng có tác dụng dụng bổ gan mật, lợi tiểu, tiêu thũng, thoáng phổi và lưu thông hô hấp, chữa các chứng bệnh phổi, ngộ độc, chữa tiêu chảy mãn tính, mất ngủ.
Lương y Minh cũng cho biết các nghiên cứu hiện đại chỉ ra rằng củ cải trắng có chứa glucoraphanin (một loại glucozid). Đây là một hoạt chất có tác dụng thúc đẩy và duy trì các phản ứng chống oxy hóa, giúp cơ thể đào thải độc tố.
Củ cải có thể làm được nhiều món ăn từ kho, luộc, muối chua...
Về giá trị dinh dưỡng, củ cải trắng chứa nhiều vitamin K, vitamin C, vitamin A, vitamin E… “Với những dinh dưỡng như trên, củ cải trắng không chỉ là món ăn mà còn là bài thuốc để dưỡng gan, thải độc… Ví dụ, củ cải trắng có tác dụng lợi tiểu, giúp làm sạch thận và tăng năng suất lọc thận bằng cách kích thích loại bỏ các chất độc qua đường tiểu”, lương y Hồng Minh cho hay.
Trong thời tiết lạnh của mùa đông, ăn củ cải còn giúp làm giảm ho, phòng cảm lạnh. Lương y Hồng Minh cho biết củ cải có thể giúp chống sung huyết, hình thành các chất nhầy trong cổ họng. Ngoài ra, củ cải cũng giúp tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng dẫn đến cảm lạnh và ho.
Với lượng vitamin và chất xơ dồi dào, củ cải còn rất tốt cho hệ tiêu hóa, phòng táo bón. “Củ cải có hàm lượng chất xơ cao, giúp làm sạch các thức ăn, cặn bã bị mắc kẹt trong ruột già, tống ra ngoài... Ngoài ra, củ cải giúp tăng cường sự tiết dịch tiêu hóa và mật làm cho hệ thống tiêu hóa hoạt động hiệu quả”, vị lương y này cho hay.
Một số bài thuốc có thể tham khảo từ củ cải trắng:
- Chữa táo bón, miệng khô đắng: Dùng củ cải tươi xào với tỏi ăn trong bữa cơm. Ngày ăn 2 lần, ăn trong 3-5 ngày.
Củ cải có thể kết hợp làm được nhiều bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt.
- Hỗ trợ điều trị viêm phế quản mạn ở người cao tuổi: Củ cải trắng 250g, đường phèn, mật ong vừa đủ, một bát con nước. Đem tất cả đi sắc đến khi còn nửa bát con nước, ăn củ cải và uống nước. Mỗi ngày dùng 2 lần vào buổi sáng và tối. Dùng 7-10 ngày là một liệu trình.
- Chữa ho nhiều, người mệt mỏi, suy nhược: Củ cải trắng 1kg, lê 1kg, gừng tươi 250g, sữa tươi 250g, mật ong 250g. Lê gọt vỏ, bỏ hạt, giã nhỏ; củ cải, gừng tươi rửa sạch, giã nhỏ. Cho từng thứ vào vải xô vắt lấy nước cốt để riêng.
Đổ nước củ cải, lê vào nồi đun sôi, sau đó bớt lửa đun cho đến khi đặc dính thì cho nước gừng, sữa, mật ong vào khuấy đều, đun sôi lại. Khi nguội thì cho vào lọ đậy kín dùng dần, mỗi lần uống 10-15ml, pha với nước ấm nóng uống, ngày uống 2 lần.
- Chữa viêm phế quản mạn tính, ho nhiều đờm: Hạt cải củ 12g, hạnh nhân 12g, cam thảo sống 8g. Sắc lấy nước uống.
- Đái tháo đường: Củ cải 200g, gạo tẻ 50g và một ít nếp đem nấu cháo. Dùng lúc cháo còn nóng, ngày ăn 2 lần.
Tin liên quan
Một chiếc bình giữ nhiệt an toàn không chỉ cần khả năng bảo vệ thực phẩm nguyên vẹn mà còn phải sạch sẽ về cấu trúc. Những dấu hiệu hỏng hóc...
Tin bài cùng chủ đề Lương y Bùi Hồng Minh
Nhiều người chỉ biết đến mướp là món ăn thanh mát, giải nhiệt mùa hè mà không hề hay biết, loại quả này có thể hỗ trợ chị em trong rất nhiều vấn đề tế nhị.