Một bé gái 6 tuổi đến từ Trung Quốc đã bị liệt ở chân sau khi gặp chấn thương ở lớp học khiêu vũ
Theo China Press, bé gái tên Yu đi học khiêu vũ từ 2 năm trước. Ngày 6/10, mẹ bé gái nhận được thông báo con gái gặp tai nạn phải nhập viện. Khi tới nơi, người mẹ thấy con đang nằm trên giường bệnh, phần thân dưới không thể cử động.
Bác sĩ chẩn đoán Yu mắc bệnh paraplegia - một dạng tổn thương tủy sống gây tê liệt chân và thân dưới, thường gây ra bởi chấn thương cột sống hoặc mắc bệnh. Người mẹ bối rối và tự hỏi làm thế nào con gái mình đột nhiên bị thương và tê liệt, vì vậy cô yêu cầu được xem camera ở lớp học khiêu vũ của con.
Cô bé Yu bị liệt hai chân sau khi tham gia lớp học khiêu vũ.
Trong đoạn video do camera ghi lại, ban đầu người mẹ thấy Yu đang thực hiện một bài tập liên quan đến chuyển động của hông. Tại thời điểm này, Yu đã vô tình tự làm mình bị thương, nhưng nghĩ rằng điều đó không nghiêm trọng nên cô bé đã không nói với giáo viên của mình về điều đó.
Sau đó, Yu tiếp tục nằm xuống để giáo viên thực hiện giãn cơ bằng cách ép chân vào sát tai của cô bé. Khi đứng dậy, dáng đi của Yu có biểu hiện khác thường. Người mẹ tin rằng hành động kéo cơ này của giáo viên đã làm Yu bị thương trầm trọng hơn.
Sau khi Yu được giáo viên giãn cơ bằng cách ép chân sát tai, cô bé bắt đầu đi khác thường.
Sau đó, Yu tiếp tục tập cùng với các bạn khác nhưng cô bé di chuyển rất khó khăn, một chân dường như không thể nào điều khiển được. Lúc này, hai giáo viên đã tiến tới và bế Yu lên nhưng cô bé không thể đứng nổi nên đã được gửi tới bệnh viện.
Một trong những giáo viên của lớp khiêu vũ nói đó chỉ là một bài học bình thường và cho rằng Yu đã bị thương trước khi cô bé bị mất kiểm soát đôi chân trong lớp. Mẹ của Yu nói rằng các giáo viên ban đầu vẫn còn có thái độ tử tế khi con gái cô bị thương nhưng khi biết được kết quả chấn đoán của Yu, họ lập tức rời đi và không thể liên lạc lại được.
Cô bé không thể di chuyển được chân.
Chấn thương tủy sống là gì?
Tủy sống nằm trong ống sống và là một phần của hệ thống thần kinh trung ương. Nó truyền thông tin giữa não và cơ thể. Nếu tổn thương xảy ra sẽ dấn tới kết nôi bị gián đoạn và thường không thể phục hồi.
Mức độ tổn thương được chia thành 2 loại:
Paraplegia: Tổn thương ở vùng ngực hoặc tê liệt cả hai chân. Điều này cũng được gọi là tê liệt cấp độ thấp. Các chi trên vẫn hoạt động; trong hầu hết các trường hợp, các cơ hô hấp không hoặc chỉ bị ảnh hưởng nhẹ.
Liệt tứ chi: Cả chân, tay và cơ cánh tay đều bị tê liệt, tổn thương nằm ở vùng cột sống cổ. Điều này cũng được gọi là tê liệt cấp độ cao. Bệnh nhân bị ảnh hưởng cũng phải được thông khí nhân tạo nếu tủy sống bị gián đoạn ở cấp độ của đốt sống cổ thứ tư trở lên.
Nguyên nhân gây chấn thương tủy sống
Nguyên nhân bao gồm chấn động đột ngột vào xương sống làm gãy hoặc đè ép lên các đốt sống. Các nguyên nhân chấn thương tủy sống khác có thể là do bị thương (bị tai nạn, té ngã,…).
Ngoài các lực tác động lên cột sống, các bệnh về tủy sống hoặc các cấu trúc xung quanh có thể gián tiếp dẫn đến bệnh. Những nguyên nhân không do chấn thương bao gồm viêm khớp, ung thư, các bệnh lý về mạch máu, viêm, nhiễm trùng và thoái hoá đĩa đệm cột sống. Người già bị yếu cột sống (do loãng xương) có thể bị chấn thương tủy sống từ những cú ngã nhẹ.
Paraplegia cũng có thể là bẩm sinh, như trong trường hợp tật nứt đốt sống, xuất phát từ dị tật của hệ thần kinh trong giai đoạn phôi thai.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc chấn thương tuỷ sống?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ chấn thương tuỷ sống, bao gồm:
Giới tính. Chấn thương tuỷ sống ảnh hưởng đa phần ở nam. Trên thực tế, nữ chỉ chiếm khoảng 20% trường hợp chấn thương tuỷ sống.
Độ tuổi. Những người ở độ tuổi từ 16 tới 30 hoặc trên 65 tuổi có nguy cơ cao bị chấn thương tủy sống.
Tham gia vào các hoạt động có nguy cơ chấn thương. Lặn ở vùng nước quá nông hoặc chơi thể thao mà không mang dụng cụ bảo hộ hoặc các dụng cụ này không phù hợp có thể dẫn tới chấn thương tuỷ sống.
Tiền sử bệnh. Bạn đã từng có bệnh lý xương hoặc khớp khác.