Cảnh giác với bệnh lý viêm họng, viêm thanh quản

Ngày 11/05/2018 08:03 AM (GMT+7)

Viêm họng, viêm thanh quản, viêm xoang… là những bệnh lý rất dễ gặp trong mùa nắng nóng do nhiều nguyên nhân từ khách quan đến chủ quan mà mỗi người cần biết để chủ động phòng tránh và sống khỏe trong giai đoạn này.

Bệnh viêm họng, viêm thanh quản

Trong mùa nắng nóng, viêm họng, viêm thanh quản thường xảy ra khi có sự thay đổi nhiệt độ vùng họng, thanh quản, do thói quen ăn uống (nóng-lạnh đột ngột) khiến niêm mạc họng chưa đủ thời gian làm ấm như chức năng vốn có, đồng thời làm thay đổi môi trường sống của một số loại vi khuẩn cơ hội trong họng, thanh quản và nhanh chóng gây bệnh; do nhiễm các virut hoặc vi khuẩn gây bệnh mùa hè như virut cúm A và B; do vi khuẩn (vi khuẩn thường gặp là phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu ß tan huyết nhóm A (khoảng 20%), liên cầu, phế cầu, Friedlander, Pfeiffer)...

Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi có thể dễ dàng gây các bệnh trên bao gồm tiếp xúc với các yếu tố vật lý, hoá học độc hại (làm việc trong môi trường bụi bẩn...), thói quen chưa hợp lý trong sinh hoạt (uống rượu, bia, nước giải khát lạnh rồi đi hát karaoke...).

Cảnh giác với bệnh lý viêm họng, viêm thanh quản - 1

Những bệnh viêm họng thường gặp khi trời nắng nóng

Viêm họng do vi khuẩn: Các vi khuẩn thường gặp gây bệnh viêm họng trong mùa nắng nóng là những vi khuẩn đã liệt kê ở trên.

Viêm họng do nấm: Có nguyên nhân từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, thói quen sử dụng điều hòa ngày càng phổ biến. Nếu điều hòa không được vệ sinh thường xuyên thì đây sẽ là một yếu tố thuận lợi làm cho nấm phát triển và phát tán vào không khí trong nhà, khi niêm mạc họng suy yếu nấm sẽ gây ra viêm họng hoặc viêm thanh quản.

Viêm họng do hội chứng trào ngược: Loại viêm họng do trào ngược cũng hay gặp trong mùa hè do tần suất sử dụng bia lạnh tăng đột ngột, đây là một loại thực phẩm rất hay kích ứng thực quản dạ dày. Sau khi uống bia lạnh, người bệnh cảm thấy khô cổ, đầy bụng kèm theo ợ nóng, ợ chua và họng bắt đầu viêm, nếu dịch dạ dày tràn qua sụn phễu vào thanh quản sẽ gây sặc rồi khàn tiếng.

Cảnh giác với bệnh lý viêm họng, viêm thanh quản - 2

Uống nước lạnh dẫn đến chênh lệch nhiệt độ vùng họng dễ bị viêm họng.

Viêm họng do dị ứng: Mùa hè có nhiều yếu tố làm cho những người có cơ địa dị ứng như các loại phấn hoa có trong mùa hè (hoa sữa, hoa mộc, hoa sói...), thức ăn lạnh như các loại kem, các loại loại nước giải khát... Niêm mạc họng và thanh quản bị kích thích, phù nề gây ngứa họng, rát họng và ho cơn đồng thời dị ứng cũng lan nhanh xuống thanh quản gây khàn tiếng, ho, thậm chí khó thở thanh quản (phù Quinke thanh quản).

Nhận diện viêm họng, viêm thanh quản

Khi bị viêm họng, người bệnh có cảm giác ớn lạnh, gai rét kèm theo đau mỏi người (virus). Hội chứng nhiễm trùng: Sốt, môi khô, lưỡi bẩn (vi khuẩn). Cảm giác khô họng, rát họng, đau họng, nuốt đau nhói lên tai, ho khan trong giai đoạn đầu sau đó ho có đờm.

Với bệnh viêm thanh quản, người bệnh có thể khàn tiếng xuất hiện đột ngột ngay sau khi ăn thực phẩm lạnh, tắm nước lạnh, hứng một luồng khí lạnh của điều hòa vào vùng đầu mặt cổ hoặc sau một đợt viêm mũi họng có chảy dịch mũi sau xuống cổ. Khàn tiếng có thể kèm ho, đau họng, khó thở thanh quản (khó thở thì thở vào, khó thở chậm và có tiếng rít thì thở vào). Nói đau tức vùng giữa cổ và nói chóng mệt.

Điều trị viêm họng cấp và viêm thanh quản cấp

Sử dụng thuốc toàn thân: Bao gồm thuốc kháng sinh, kháng viêm, thông dụng nhất là nhóm beta lactam, trường hợp có tiền sử dị ứng với nhóm kháng sinh này có thể thay thế bằng nhóm macrolid, tất nhiên phải có sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa; hạ sốt, giảm đau; điều trị triệu chứng giảm phù nề, chống dị ứng; corticoid liều cao ngắn ngày được coi là có hiệu quả tốt.

Điều trị tại chỗ: Bằng các biện pháp khí dung họng – thanh quản với hỗn hợp dung dịch thuốc kháng sinh, chống viêm, chống phù nề; giữ ấm, chườm nóng vùng cổ; hạn chế nói trong 3 - 5 ngày; các thuốc súc họng có thành phần là chất kiềm nhẹ NaHCO3, muối sinh lý...

Cảnh giác với bệnh lý viêm họng, viêm thanh quản - 3

Vi khuẩn tan huyết nhóm A, thủ phạm gây viêm họng.

Chú ý: Nếu viêm thanh quản cấp xảy ra ở trẻ dưới một tuổi thì cần rất cẩn trọng bởi niêm mạc thanh quản trẻ em rất dễ phù nề đặc biệt là vùng dưới niêm mạc nên hay gặp khó thở thanh quản nặng, nhất là viêm thanh quản đi kèm với phù nề ở vùng hạ thanh môn gây khó thở dữ dội. Trường hợp này cần được điều trị tại cơ sở tai mũi họng có khả năng phải mở khí quản.

Viêm xoang mùa nắng không nên xem nhẹ

Mùa hè là mùa có nhiệt độ cao nhất trong năm và độ ẩm ở Việt Nam thường cao trên 80% làm cho không khí oi bức. Thói quen ăn uống đồ lạnh, uống nước đá lạnh, ngồi trong phòng điều hòa lạnh là điều kiện thuận lợi để bệnh viêm mũi xoang xuất hiện và có nguy cơ nặng hơn.

Bên cạnh đó, đi bơi - một thói quen mùa nóng gây ảnh hưởng đến viêm mũi xoang nếu không biết phòng tránh, đặc biệt bơi ở bể bơi công cộng, có nguy cơ chứa nhiều hóa chất, vi khuẩn... hay bơi ở ao hồ, sông suối, nguồn nước không đảm bảo, đôi khi bị ô nhiễm đều tác động kích thích lên niêm mạc mũi xoang gây viêm mũi xoang hoặc những người dị ứng với các thành phần có trong nước sẽ làm cho tình trạng dị ứng của mũi xoang tái diễn trở lại.

Ngoài ra, khói bụi, ô nhiễm môi trường cùng mưa nắng thất thường và dịch bệnh đường hô hấp như virus cúm các chủng, viêm amidan cấp do vi khuẩn... làm giảm sức đề kháng của hệ thống bảo vệ đường hô hấp, vì thế nếu không điều trị đúng và kịp thời sẽ rất dễ thành viêm mũi xoang.

Người bệnh thường có biểu hiện sau một đợt sốt, hắt hơi, chảy nước mũi trong một tuần lại sốt cao trở lại kèm theo đau nhức vùng mặt kèm chảy dịch mũi xanh, thị lực có thể giảm. Đây là biểu hiện của viêm mũi xoang cấp và việc điều trị đúng chuyên khoa tai mũi họng là rất cần thiết, vì bệnh không tự khỏi được có thể diễn biến theo chiều hướng xấu như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa.

Chủ động phòng tránh bệnh mũi họng

Tuân thủ tối đa quy định về bảo hộ lao động khi làm việc ở trong môi trường ô nhiễm. Nếu công việc cần thiết thì nên tránh những nơi ô nhiễm, khói bụi. Nên uống nước nhiều, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vitamin tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bổ sung lượng muối khoáng cần thiết khi làm việc trong môi trường nắng nóng như công nhân làm đường... bằng dung dịch oserol.

Bạn hãy lưu ý khi ra đường cần đeo khẩu trang bảo vệ mũi và đường hô hấp, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để tránh bụi cũng như các tác nhân dị ứng khác mà cơ thể có thể bị tác động, nhất là những người có cơ địa dị ứng.

Hạn chế sử dụng đồ uống, giải khát quá lạnh. Đối với người thường xuyên ngồi phòng điều hòa, tránh bật nhiệt độ thấp dưới 26 độ C. Nếu bắt buộc phải mở điều hòa lạnh, cần giữ ấm đường hô hấp bằng cách mang theo chiếc khăn mỏng. Điều hòa cũng cần được vệ sinh định kỳ để tránh tích tụ bụi, vi khuẩn, nấm mốc. Khi đi bơi, nên chọn bơi ở những nơi vệ sinh sạch sẽ, tránh nguồn nước bị ô nhiễm.

Những người có tiền sử viêm mũi xoang dị ứng, cần tuân thủ điều trị đủ liệu trình theo chỉ định của bác sĩ. Không nên dùng thuốc tùy tiện như uống, xịt thuốc một vài ngày thấy giảm thì ngưng... Kết hợp vừa sử dụng thuốc, vừa tuân thủ thói quen sinh hoạt mới là biện pháp tốt nhất để chữa khỏi bệnh.

Cách ngâm chanh đào mật ong trị ho, viêm họng, thanh lọc cơ thể
Khi kết hợp 2 vị thuốc quý, phổ biến này lại với nhau, bạn sẽ có một bài thuốc trị ho, viêm họng và thanh lọc cơ thể tuyệt vời, hiệu nghiệm nhất.
Theo PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh viêm họng