Bé gái suýt tử vong dù mắc bệnh thông thường, bác sĩ nhắc 3 dấu hiệu mẹ cần nhớ, nhất là với trẻ bụ bẫm

DIỆU THUẦN - Ngày 24/08/2024 20:37 PM (GMT+7)

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa đơn giản, thường gặp ở trẻ nhưng nếu phát hiện trễ, trẻ sẽ gặp biến chứng nguy hiểm.

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Nếu được phát hiện kịp thời, thủ thuật bơm hơi tháo lồng là một phương pháp nhẹ nhàng, đơn giản để giải quyết tình trạng của bệnh nhân. Ngược lại, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, lồng ruột có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như hoại tử ruột, nhiễm trùng huyết, thậm chí dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Thạch cho biết, trong khoảng 8 tháng đầu năm nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị khoảng hơn 500 trường hợp trẻ bị lồng ruột. Hầu hết các ca được tháo lồng bằng hơi và đều ghi nhận thành công. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt phải phẫu thuật tháo lồng, trong đó có trường hợp của bé gái Kim Xuyến (10 tháng tuổi) khá nguy kịch, nguy cơ hoại tử ruột.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bé Xuyến. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bé Xuyến. Ảnh: BVCC.

Trước đó, bệnh nhi được điều trị ở bệnh viện tuyến dưới với chẩn đoán rối loạn tiêu hóa trong 2 ngày, kèm theo các triệu chứng đau bụng từng cơn và nôn ói nhiều. Tuy nhiên, tình trạng của bé không thuyên giảm, diễn tiến ngày càng nặng hơn và bắt đầu đi tiêu ra máu nên gia đình đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 2. 

Từ kết quả siêu âm bụng, các bác sĩ nhanh chóng phát hiện bé Xuyến bị lồng ruột với nguy cơ hoại tử ruột và được phẫu thuật cấp cứu ngay trong đêm. Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ ghi nhận tình trạng khối lồng ruột rất lớn, kéo dài từ ruột non đến toàn bộ khung đại tràng. “Đáng tiếc một phần ruột non và đại tràng của bé đã bị hoại tử và không thể giữ lại. Chúng tôi phải tiến hành cắt bỏ nửa khung đại tràng cùng một phần ruột non và khâu nối ruột non với phần đại tràng còn lại”, bác sĩ Nguyễn Hiền, khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ.

Bác sĩ Hiền cho biết, sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhi dần ổn định, hiện đang được tiếp tục theo dõi sức khỏe. 

Từ trường hợp của bé Xuyến, bác sĩ Thạch khuyến cáo đến các cha mẹ có con ở lứa tuổi nhũ nhi, đặc biệt ở các trẻ bụ bẫm, có các triệu chứng đau bụng từng cơn kèm nôn ói, nhất là có đi tiêu ra máu, những trường hợp này rất nghi ngờ lồng ruột cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa ngay lập tức để được thăm khám. “Phụ huynh không nên chủ quan tự suy diễn rối loạn tiêu hóa thông thường và điều trị tại nhà. Lồng ruột ở trẻ nếu được phát hiện sớm, có thể điều trị mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu để muộn, nguy cơ hoại tử ruột và biến chứng rất cao”, bác sĩ Thạch khuyến cáo.

*Tên người bệnh đã thay đổi.

Thường xuyên làm bạn với iPad, chứng kiến bố mẹ cãi nhau, bé gái mắc căn bệnh tâm lý chữa 7 năm chưa khỏi
Sau 7 năm điều trị rối loạn gắn bó, tình trạng bé Yến Phương có cải thiện, học tốt một số môn, nhưng vẫn khó tập trung, khó kiểm soát cảm xúc và rất...

Các bệnh ở trẻ em

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh ở trẻ em