Sau nhiều đêm thấy con khát nước và đi vệ sinh nhiều lần, mẹ lo lắng đưa đi khám thì được chẩn đoán con bị mắc bệnh chưa thể chữa khỏi hoàn toàn.
Nhiều ngày qua, chị Hoàng Thị Nguyệt Ánh (42 tuổi, quê Nam Định) phải gác lại mọi công việc để đưa con là cháu Trịnh Thanh Bình (13 tuổi) đến khoa Đái tháo đường (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) để điều trị. Theo chia sẻ của chị Ánh, con trai chị từ nhỏ được chăm sóc trong điều kiện rất tốt, vì thế khi bác sĩ thông báo cháu mắc tiểu đường type 1 chị vô cùng bàng hoàng.
“Tôi cứ nghĩ cháu bị gầy còm, sút cân là do suy dinh dưỡng và hệ tiêu hóa có vấn đề. Tuy nhiên, đi khám ở nhiều nơi tất cả chỉ số đều bình thường, vì thế khi được thông báo cháu mắc tiểu đường tôi rất bất ngờ. Lâu nay tôi nghĩ tiểu đường chỉ người già mới mắc, không ngờ con trai tôi lại mắc khi tuổi còn quá nhỏ”, chị Ánh chia sẻ.
Người mẹ này cũng cho biết, gia đình chị từ bố mẹ đến ông bà đều không ai mắc bệnh tiểu đường, trong quá trình ăn uống con chị cũng không sử dụng đồ ăn nhanh, nước uống có ga vì thế chị cũng không biết vì sao con mắc bệnh.
TS Toàn đang tiến hành thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh tiểu đường.
“Thời gian gần đây dù không hoạt động thể lực nhiều nhưng con tôi rất hay khát nước và uống nhiều. Đặc biệt đêm cháu đi tiểu rất nhiều và cơ thể mệt mỏi, sút cân nhanh chóng. Năm nay cháu học lớp 7 mà mới được 30kg, đưa đi khám nhiều nơi bác sĩ nghi bị tiểu đường và đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương kiểm tra chuyên sâu thì đúng là như vậy”, chị Ánh kể lại.
TS.BS Lê Quang Toàn, trưởng khoa Đái tháo đường (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, khi đưa vào viện qua kiểm tra thì phát hiện cháu Bình mắc bệnh đái tháo đường type 1 và được chỉ định điều trị nội trú. Hiện cháu đang được tiêm insulin để điều trị và tình trạng cũng đang cải thiện dần. “Tiểu đường type 1 vẫn chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn, bệnh nhân sẽ phải kiểm tra và theo dõi cả đời để bệnh không tiến triển nặng và xảy ra biến chứng”, TS Toàn chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, trường hợp bệnh nhân trên có những dấu hiệu rất điển hình của bệnh đái tháo đường type 1. Đó là khát nước, tiểu nhiều vào ban đêm, sút cân, mệt mỏi... “Với những gia đình có trẻ nhỏ nếu thấy có những dấu hiệu trên cần phải đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời”, BS Toàn nói.
Theo TS Toàn khi trẻ khát nước, sụt cân, tiểu nhiều lần hãy nghĩ đến bệnh tiểu đường.
Còn đối với đái tháo đường type 2, dấu hiệu ban đầu rất đa dạng, thậm chí có trường hợp ban đầu không hề có triệu chứng gì vì lúc đầu đường máu tăng lên một cách từ từ, không cao đột biến.
Nhưng cũng có những trẻ có biểu hiện giống như đái tháo đường type 1 đó là khát nước, sụt cân, tiểu đêm nhiều... tuy nhiên những trẻ này thường gặp ở những trẻ thừa cân béo phì. Vì vậy, bác sĩ Toàn khuyến cáo, đối với những trẻ thừa cân, béo phì cần phải đưa đi khám sức khỏe, kiểm tra đường huyết ngay cả không có triệu chứng gì.
“Đặc biệt với những trẻ thừa cân béo phì mà có một số yếu tố như gia đình đình có bố mẹ, anh chị em ruột... từng mắc đái tháo đường thì có nguy cơ cao hơn trẻ bình thường.
Ngoài ra, nếu người mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ thì con cũng có nguy cơ cao hơn trẻ bình thường. Trẻ có dấu hiệu kháng insulin, với biểu hiện da ở vùng bẹn, vùng nách dầy bì lên, trẻ gái có biểu hiện buồng trứng đa nang, rối loạn kinh nguyệt thì cần đưa đi khám.
Tốt nhất là nên khám sàng lọc cho trẻ từ 10 tuổi trở lên, đặc biệt là trẻ trong tuổi dậy thì thì nên sàng lọc bằng các xét nghiệm máu để có thể phát hiện sớm được đái tháo đường”, TS Lê Quang Toàn khuyên.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi