Bệnh dạ dày gây ra rất nhiều bất tiện và khó chịu trong cuộc sống. Để bệnh tình giảm bớt, bạn có thể tham khảo những món ăn tốt nhất cho bệnh dạ dày dưới đây.
Bệnh đau dạ dày là gì?
Đau dạ dày là tình trạng dạ dày bị tổn thương mà chủ yếu do viêm loét. Người bị đau dạ dày thường xuyên cảm thấy đau âm ỉ, khó chịu trong bụng. Ăn quá nó hoặc quá đói đều có thể gây ra cơn đau dạ dày. Ngoài ra, những người làm việc quá sức, tâm trạng căng thẳng, tinh thần không tốt hoặc thức quá khuya cũng có thể gây ra đau dạ dày. Do đó, đau dạ dày ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày.
Triệu chứng đau dạ dày:
- Xuất hiện cảm giác cồn cào hoặc đau rát ở phía bụng trên, hay còn gọi là vùng thượng vị. Điều này thường xuất hiện khi quá no hoặc quá đói hoặc ăn thực phẩm quá chua.
- Buồn nôn và nôn.
- Ợ chua, ợ hơi, ợ nóng hoặc chướng bụng.
- Chán ăn, đắng miệng, mất vị giác, cơ thể suy nhược.
- Chảy máu tiêu hóa: Nôn ra máu tươi hoặc máu đen, trong phân có máu.
- Đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn uống.
Nguyên nhân gây đau dạ dày:
- Sự tấn công của vi khuẩn HP: Khuẩn HP là nguyên nhân chính gây ra cơn đau dạ dày. Vi khuẩn này lấy chất dinh dưỡng ở thành dạ dày, tấn công và tạo nên những ổ viêm loét trên thành dạ dày, thậm chí là chảy máu dạ dày.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Việc ăn uống thất thường, không đúng giờ sinh học, bỏ bữa, ăn nhiều đồ cay nóng, uống nhiều bia rượu... đều gây tổn thương dạ dày, gây nên cơn đau dạ dày.
- Hút thuốc: Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp mà còn gây tổn thương dạ dày vì chất nicotin trong thuốc lá gây rối loạn hoạt động bài tiết axit HCl và pepsin trong dạ dày.
- Thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi: Trạng thái tâm lý không ổn định, bị stress kéo dài cũng ảnh hưởng đến hoạt động co bóp và điều tiết dịch vị trong dạ dày, gây viêm loét dạ dày.
- Vấn đề về tuyến giáp: Tuyến giáp là cơ quan có nhiệm vụ điều chỉnh các hoạt động của dạ dày. Nếu tuyến giáp xảy ra vấn đề thì có nhiều khả năng dạ dày sẽ chịu ảnh hưởng.
Đau dạ dày nên ăn gì?
Dưới đây là những thực phẩm tốt cho dạ dày, giúp dịu cơn đau và khiến dạ dày nhanh hồi phục tổn thương hơn:
1. Gừng: Giảm buồn nôn và nôn mửa
Buồn nôn và nôn mửa là những triệu chứng thường gặp khi đau dạ dày. Trong khi đó, gừng là một loại gia vị tự nhiên thường được sử dụng như một phương thuốc dân gian để điều trị chứng buồn nôn và nôn.
Bạn có thể sử dụng gừng ở nhiều phương thức khác nhau như ăn sống, nấu chín, uống trà hoặc chất bổ sung có chứa gừng, đều có tác dụng hiệu quả cho dạ dày.
Gừng được coi là an toàn với hầu hết mọi người nhưng một số trường hợp có thể xảy ra tình trạng ợ nóng, đau bụng và tiêu chảy nếu dùng quá 5 gam mỗi ngày.
Tác dụng chống buồn nôn và nôn của gừng đã được chứng minh khi nó phát huy ở cả phụ nữ đang ốm nghén vì mang thai, người đang hóa trị hoặc vừa trải qua cuộc phẫu thuật lớn, người bị say tàu xe...
2. Hoa cúc (cam cúc): Giảm nôn, giảm sự khó chịu đường ruột
Hoa cam cúc là một loại thảo dược có hoa màu trắng nhỏ, thường được sử dụng như một phương thuốc chữa đau bụng. Hoa cam cúc có thể sấy khô rồi pha trà giống như một số loại trà hoa khác.
Hoa cam cúc có tác dụng điều trị nhiều vấn đề về đường ruột, bao gồm đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa. Những điều này đều có tác dụng tốt đối với người bị đau dạ dày.
3. Lá bạc hà: Giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một chứng rối loạn đường ruột mãn tính có thể gây đau dạ dày, đầy bụng, táo bón và tiêu chảy. Nhiều nghiên cứu cho thấy lá bạc hà có khả năng làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
Sử dụng viên nang dầu bạc hà hàng ngày trong ít nhất 2 tuần có thể làm giảm đáng kể tình trạng đau dạ dày, đầy hơi và tiêu chảy ở người bị hội chứng ruột kích thích. Điều này là do tinh dầu bạc hà giúp thư giãn các cơ trong đường tiêu hóa, giảm mức độ nghiêm trọng của co thắt ruột có thể gây đau và tiêu chảy.
Bạc hà an toàn cho hầu hết mọi người nhưng nên cẩn trọng hơn với những người bị trào ngược nặng, thoát vị đĩa đệm, sỏi thận hoặc rối loạn gan và túi mật.
4. Cam thảo: Giảm chứng khó tiêu, ngăn ngừa loét dạ dày
Cam thảo là một phương thuốc phổ biến cho chứng khó tiêu và cũng giảm đau đớn do loét dạ dày. Cam thảo làm dịu cơn đau và sự khó chịu của dạ dày bằng cách giảm viêm niêm mạc dạ dày và tăng sản xuất chất nhầy để bảo vệ các mô khỏi axit dạ dày. Điều này rất hữu ích cho những người bị đau bụng do axit dạ dày quá mức hoặc trào ngược axit.
5. Hạt lanh: Giảm cơn đau dạ dày
Hạt lanh là một loại hạt nhỏ, có dạng sợi, có tác dụng giúp điều hòa nhu động ruột, giảm táo bón và đau dạ dày. Hạt lanh thường được tiêu thụ dưới dạng bột hạt lanh xay hoặc dầu hạt lanh.
Hạt lanh có tác dụng ngăn ngừa loét dạ dày và giảm co thắt ruột, tốt cho những bệnh nhân đau dạ dày.
6. Đu đủ: Cải thiện hệ tiêu hóa
Đu đủ là một loại trái cây nhiệt đới có vị ngọt nhẹ, ngoài việc giải khát còn được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để giảm chứng khó tiêu.
Trong quả đu đủ có chứa chất papain, một loại enzym mạnh giúp phân hủy protein trong thực phẩm, giúp đồ ăn dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn, từ đó giảm chứng khó tiêu, đầy hơi và táo bón.
Ngoài ra, chiết xuất hạt đu đủ còn có tác dụng loại bỏ ký sinh trùng đường ruột, gây khó chịu ở bụng và suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
7. Chuối xanh: Giảm tiêu chảy
Chuối xanh có tác dụng chống tiêu chảy mạnh mẽ do chúng có chứa một loại chất xơ đặc biệt gọi là tinh bột kháng. Tinh bột kháng không thể tiêu hóa được, do đó sẽ đi qua đường tiêu hóa đến tận ruột kết, phần cuối cùng của ruột. Khi ở trong ruột kết, vi khuẩn đường ruột sẽ lên men từ từ để tạo ra các axit béo chuỗi ngắn, kích thích ruột hấp thụ nhiều nước hơn, nhờ đó ngăn chặn tình trạng tiêu chảy. Điều này cũng đồng thời tốt cho dạ dày, đặc biệt ở những người đang bị viêm loét dạ dày.
8. Đồ uống chứa chất điện giải: Ngăn ngừa mất nước
Nếu bị đau dạ dày đi kèm với nôn mửa hoặc tiêu chảy, cơ thể rất dễ bị mất nước. Điều này sẽ khiến bạn bị mất chất điện giải, các khoáng chất duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể và giữ cho hệ thần kinh của bạn hoạt động bình thường.
Tình trạng mất nước nhẹ và mất chất điện giải có thể khắc phục bằng cách uống nhiều nước và ăn thực phẩm có chứa chất điện giải tự nhiên, chẳng hạn như natri và kali. Nước khoáng, nước hoa quả, nước dừa, đồ uống thể thao hoặc dung dịch bù nước đều là những lựa chọn tốt để bù lại nước và chất điện giải.
Nguồn tham khảo: The 12 Best Foods for an Upset Stomach - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 16/5/2018. |