Căn bệnh có nguồn gốc không rõ ràng này rốt cuộc có thật không và liệu người mắc phải có chữa khỏi được không?
Bệnh Hanahaki là gì?
Bệnh Hanahaki là một căn bệnh giả tưởng, không có thật, mang tính chất hư cấu và viển vông, thường xuất hiện trong các sáng tác truyện tranh, âm nhạc, thơ ca... của người Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Căn bệnh này được sinh ra từ mối tình đơn phương, khi ta có cảm giác thích một người nhưng chẳng dám bày tỏ, đau lòng cũng chỉ một mình chịu đựng. Khi tình yêu đơn phương không được đáp trả và căn bệnh không được chữa, người mắc bệnh sẽ qua đời.
Thuật ngữ Hanahaki xuất phát từ tiếng Nhật Bản. Hana (花) có nghĩa là "hoa", còn Hakimasu (吐きます) có nghĩa là "nhổ, nôn".
Bệnh Hanahaki bắt đầu trở nên phổ biến thông qua các bộ truyện tranh tuổi mới lớn tại Nhật Bản như "Chuyện tình Otome" hay "Cô gái nhổ hoa" của tác giả Naoko Matsuda, được phát hành vào năm 2009. Trong truyện, căn bệnh này được miêu tả với những biểu hiện như mọc ra hoa từ tim, phổi, gây đau đớn cùng cực khi tình yêu không được đáp lại. Tuy nhiên, khái niệm hoa nở nơi lồng ngực vì tình yêu đơn phương đã có từ trước đó. Vì thế, nguồn gốc sáng tạo của căn bệnh này là không rõ ràng.
Dấu hiệu của bệnh Hanahaki
Căn bệnh hư cấu này có những dấu hiệu như sau:
Từ lồng ngực của người đang yêu đơn phương sẽ sản sinh ra những cánh hoa, rễ của nó dần phát triển và cắm sâu vào hệ hô hấp của người bệnh. Trong giai đoạn đầu, người bệnh sẽ tự động giải phóng những cánh hoa đó ra ngoài theo đường miệng bằng cách nhổ, nôn hoặc ho,... tùy vào từng triệu chứng.
Trong hầu hết các tác phẩm nói về bệnh Hanahaki, ban đầu người mắc bệnh thường sẽ che giấu các triệu chứng của mình, khi bệnh tiến triển thì sự đau đớn và khổ sở cũng tăng theo. Hoa sẽ mọc ra từ lồng ngực, gây đau đớn vô hạn.
Bệnh Hanahaki thường được miêu tả là căn bệnh kéo dài và tiến triển nhanh, đến khi tình hình nghiêm trọng thì người bệnh sẽ ho hoặc nhổ ra cánh hoa. Đó cũng là lúc tính mạng của họ bị đe dọa nghiêm trọng.
Bệnh Hanahaki có chữa được không?
Bệnh Hanahaki có thể chữa khỏi bằng 2 phương pháp sau:
- Phương pháp 1: Khi tình yêu đơn phương được đáp lại, tức là khi người bệnh có tình cảm với đối phương và người đó cũng có tình cảm ngược lại. Hạnh phúc lứa đôi sẽ tự động dâng trào và lúc này sẽ không còn là thứ tình cảm đến từ một phía nữa. Khi đó, căn bệnh này sẽ tự động biến mất.
- Phương pháp 2: Nếu người bệnh không được đối phương đáp lại tình cảm thì cần phải được phẫu thuật giống như những căn bệnh thông thường khác. Sau khi phẫu thuật, hoa sẽ ngừng nở, tuy nhiên có thể để lại cho người bệnh một số tác dụng phụ. Người bệnh sẽ có thể quên đi những ký ức về người mình yêu thương, hay mất đi khả năng yêu, khả năng cảm nhận được thứ cảm xúc nồng nhiệt và quý giá nhất trong cuộc đời mỗi con người. Đây là lý do những người mắc bệnh Hanahaki thường từ chối chữa trị, phó mặc cho số phận, chết vì tình yêu.
Nếu người mắc bệnh không được đền đáp lại tình cảm hay phẫu thuật kịp thời sẽ khiến bệnh diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Cánh hoa trong cơ thể của bệnh nhân sẽ nhuốm máu, chặn ngang khí quản, rễ có thể bao phủ lên toàn bộ hệ hô hấp khiến họ thiếu dưỡng khí, ho ra máu và gây tử vong.
Mặc dù Hanahaki là một căn bệnh giả tưởng, chỉ xuất hiện trong những tác phẩm văn học, âm nhạc... nhưng trên thực tế, những người từng trải qua tình yêu đơn phương cũng có thể trải qua những biểu hiện đau đớn, khổ sở không kém gì người mắc căn bệnh trên. Các yếu tố liên quan đến tình yêu, hoa, bệnh tật, càng khiến câu chuyện về căn bệnh này thêm lãng mạn, kịch tính, được nhiều người quan tâm, yêu thích.