Liên tục bị người nhà thúc ép chuyện lấy chồng, cô gái 27 tuổi phải đi cấp cứu trong tình trạng khó thở, co giật, tê liệt chân tay.
Ngày 19/7, theo một đoạn video được đăng tải trên trang QQ, cô gái 27 tuổi ở Tế Nam, Sơn Đông, Trung Quốc phải vào Bệnh viện Tề Lỗ của Đại học Sơn Đông cấp cứu vì áp lực quá lớn khi bố mẹ giục cưới.
Cô gái áp lực vì thường xuyên bị giục cưới. (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Trần Lượng, phó giám đốc Khoa cấp cứu của Bệnh viện Tề Lỗ, Đại học Sơn Đông, cô gái nhập viện trong tình trạng khó thở, tê liệt chân tay, co giật, chẩn đoán nhiễm kiềm hô hấp. Nguyên nhân là do bố mẹ liên tục giục cưới, cô gái lại không đồng ý lấy người mình không yêu. Hai bên tranh cãi lớn, trong lúc uất ức, khó chịu, cô gái phát bệnh, tê liệt co giật rồi ngã xuống đất. Sau khi được điều trị, các triệu chứng của bệnh nhân đã thuyên giảm.
Qua trường hợp này, bác sĩ Trần Lượng cho biết: "Nhiễm kiềm hô hấp phần lớn nguyên nhân là do khó thở vì xúc động mạnh, thường xuất hiện ở phụ nữ và trẻ em. Khuyến cáo mọi người phải biết kiểm soát cảm xúc, khi thấy có triệu chứng thì đến bệnh viện ngay".
Sau cuộc cãi vã với bố mẹ, cô gái nhập viện trong tình trạng co giật, tê liệt chân tay. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ cũng chia sẻ thêm, khi đối mặt với chứng lo âu, sợ hãi hay căng thẳng, hãy cố hít sâu, thở chậm, giữ bình tĩnh, không nghĩ ngợi gì hết. Có thể nín thở trong vòng 15s, tuyệt đối không thở hổn hển, các triệu chứng sẽ dần được cải thiện. Tuy vậy, vẫn khuyến cáo các bệnh nhân căng thẳng quá độ nên điều trị tâm lý sau khi vượt qua được chứng nhiễm kiềm hô hấp. Tình hình mà tệ đi, có thể dùng thuốc hỗ trợ điều trị.
Bên cạnh đó tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để có cơ thể khỏe mạnh và ngồi thiền có thể là một phương pháp hữu ích cho tâm trạng của người bệnh.
Nhiễm kiềm hô hấp là gì?
Khi chúng ta hít thở, oxy đi vào cơ thể và đào thải CO2 ra ngoài môi trường. Bình thường quá trình hô hấp luôn giữ trạng thái cân bằng đối với nồng độ của CO2 và Oxy. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà sự cân bằng này mất đi khiến việc đào thải CO2 ở phổi quá mức dẫn tới tăng pH máu và gây ra tình trạng nhiễm kiềm hô hấp.
Nhiễm kiềm hô hấp mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng chúng được đánh giá là ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến một số bệnh nhân bị rối loạn thần kinh trung ương. Nhiễm kiềm hô hấp bao gồm thể mãn tính hoặc cấp tính, thông thường thể mãn tính không có triệu chứng trong khi thể cấp tính có thể gây ra những khó chịu nhất định cho người bệnh như chóng mặt, co giật hoặc có thể là ngất.
Nguyên nhân gây bệnh
- Bệnh lý ở hệ thần kinh trung ương (u não, viêm não - màng não) hoặc bất ổn về tinh thần: tình trạng đau đớn, vật vã, khóc lóc, lo lắng…
- Giảm oxy máu: sống vùng cao, thiếu máu nặng.
- Có thai.
- Cường giáp, xơ gan.
- Thuốc: Salicylate, Cathecholamin, Progesteron.
- Các bệnh phổi: Viêm phổi, các tổn thương phổi gây ra mất tương xứng thống khí và tưới máu, tình trạng shunt phổi.
- Điều chỉnh quá nhanh nhiễm toan chuyển hoá mạn tính có thể dẫn đến nhiễm kiềm hô hấp, vì nhiễm toan hệ thần kinh được điều chỉnh chậm và lâu hơn, liên tục gây ra tăng thông khí.
Các triệu chứng thường gặp ở người nhiễm kiềm hô hấp
Nhiễm kiềm hô hấp có triệu chứng dễ nhận biết nhất là thở nhanh hơn, tuy nhiên, do lượng CO2 trong máu thấp nên người bệnh sẽ kèm thêm những triệu chứng như sau:
- Nhức đầu nhẹ
- Hoa mắt
- Đầy bụng
- Chóng mặt
- Co rút bàn tay, chân đồng thời cảm thấy tê cứng
Khó thở cũng là dấu hiệu của chứng nhiễm kiềm hô hấp. (Ảnh minh họa)
- Vùng ngực cảm thấy khó chịu
- Lú lẫn
- Khô miệng
- Ngứa ran ở cánh tay
- Tim đập nhanh
- Cảm thấy khó thở
- Ngất xỉu
Xét nghiệm khí máu động mạch giúp chẩn đoán nhiễm kiềm hô hấp
Tuy nhiên, các triệu chứng này chỉ phần nào giúp bác sĩ đưa ra những kết luận ban đầu về nhiễm kiềm hô hấp, để xác định chẩn đoán cuối cùng, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm khí máu động mạch và điện giải đồ để phát hiện kiềm hô hấp.