Giã cả bát kiến ba khoang chữa nấm "vùng kín", nam thanh niên bị tổn thương không mặc được quần

Ngày 02/08/2019 12:00 PM (GMT+7)

Sau khi lấy nọc kiến ba khoang bôi vào "vùng kín" để chữa nấm da, nam thanh niên đã bị tổn thương nghiêm trọng phải nhập viện cấp cứu.

Trường hợp hy hữu trên là một nam thanh niên 20 tuổi, bị bấm da ở vùng bẹn, do thiếu hiểu biết nên đã lấy nọc của kiến ba khoang bôi vào khiến vùng tổn thương lan rộng và bị hoại tử.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thuỳ - Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, khi tới viện cấp cứu vùng da bẹn của bệnh nhân bị hoại tử, loét nhiều và khó khăn khi đi lại. Đặc biệt, do tổn thương vùng bẹn nghiêm trọng nên nam thanh niên này không thể mặc được quần dài.

Theo lời kể của bệnh nhân, trước khi nhập viện vài tuần vùng bẹn của bệnh nhân xuất hiện nhiều mụn nước, rộng thành từng đám ngày càng to có viền hình nhiều vòng cung, càng gãi vùng ngứa, tổn thương ngày càng lan rộng.

Đi khám tại một phòng khám này này được chẩn đoán bị nấm. Thay vì bôi thuốc được kê, nam thanh niên nghe lời mách đã tìm bắt cả bát kiến ba khoang, đem về giã nát, đắp lên vùng tổn thương. Kết quả, toàn bộ vùng này bị hoại tử, trợt loét.

Giã cả bát kiến ba khoang chữa nấm amp;#34;vùng kínamp;#34;, nam thanh niên bị tổn thương không mặc được quần - 1

Kiến ba khoang có nọc độc hơn cả rắn hổ nên dễ gây tổn thương cho da.

Bác sĩ Thùy cho rằng, đây là cách chữa bệnh ngược đời, bởi việc dùng kiến ba khoang làm bài thuốc chữa bệnh về da rất thiếu căn cứ khoa học và nguy hiểm. Trong khi đó với bệnh nấm chữa không hề khó, không tốn kém và lành khá nhanh nếu tuân thủ điều trị.

Không chỉ riêng nam thanh niên trên, trước đó bác sĩ Thùy cũng đã tiếp nhận những trường hợp tương tự khi chữa bệnh ngoài da bằng nọc kiến ba khoang. Đó là trường hợp của một bé trai bị hắc lào, sau đó dùng rượu pha cùng dịch tiết của kiến ba khoang rồi bôi lên vết hắc lao gây tổn tương nghiêm trọng. Khi nhập viện, bệnh nhi ở trong tình trạng viêm da tấy đỏ, kèm theo đau ngứa tổn thương da dạng viêm loét, nhiễm trùng toàn bộ vùng hai bên bẹn, bìu, dương vật và hậu môn.

Từ những trường hợp trên, các chuyên gia cảnh báo người dân tuyệt đối không tự chữa bệnh hoặc chữa bệnh bằng các phương pháp không có cơ sở khoa học, không tự ý bôi thuốc hoặc đắp các loại lá lên vùng da tổn thương, dễ gây nhiễm trùng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi thấy bất thường trên da, người dân cần đến các cơ sở chuyên khoa uy tín để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.

Ngay cả khi kiến không đốt người thì chất độc trong cơ thể kiến giải phóng ra khi bị tác động, chà xát hoặc bị giết vẫn có thể làm tổn thương da người ở mức độ nghiêm trọng. Chất độc từ kiến ba khoang gây nên sự phồng rộp khó chịu, nặng hơn có thể máu mủ, loét, phù nề, gây sốt, thậm chí hoại tử.

Khi dính phải nọc độc của kiến ba khoang, cần nhanh chóng lấy nước rửa sạch chỗ tiếp xúc, hạn chế tổn thương lây lan. Tùy mức độ nặng nhẹ mà điều trị bằng cách khác nhau. Trường hợp nhẹ có thể điều trị với các dung dịch làm dịu da, sát khuẩn bằng gel, dung dịch màu. Vết thương nặng, nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc, xử lý đúng cách. Người bệnh được chỉ định uống kháng sinh, thuốc giảm đau hoặc dùng corticosteroid. Thông thường, vết thương sẽ ổn định sau 5 đến 7 ngày.

Sau một đêm tỉnh dậy, nhiều người thấy tay sưng đỏ, mưng mủ vì kiến ba khoang tấn công
TP.HCM và các tỉnh miền Nam hiện đã bước vào mùa mưa, kiến ba khoang cũng vào mùa hoành hành. Nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng nhiên xuất hiện...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiến ba khoang