Trong cuộc sống hiện đại, nhu cầu công việc và thói quen sinh hoạt bận rộn khiến nhiều người bỏ qua các bữa ăn để giảm cân hoặc tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, việc bỏ bữa hoặc nhịn ăn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe não bộ.
1. Não cần nguồn năng lượng để hoạt động
Não bộ là cơ quan tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong cơ thể, mặc dù chỉ chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể, nhưng nó sử dụng đến 20% tổng lượng năng lượng mà cơ thể cần trong một ngày. Nguồn năng lượng chính của não là glucose, mà cơ thể chủ yếu lấy từ thực phẩm chúng ta ăn vào.
Khi bỏ bữa, lượng glucose cung cấp cho não giảm xuống, khiến não không còn đủ năng lượng để duy trì các chức năng như: tư duy, học hỏi, ghi nhớ. Khi não không nhận đủ năng lượng, các hoạt động tinh thần sẽ trở nên trì trệ, khả năng tập trung giảm sút và trí nhớ ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt.
Việc thiếu glucose trong thời gian dài có thể dẫn đến các triệu chứng như: mệt mỏi, khó khăn trong việc xử lý thông tin hay ra quyết định. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi bạn cần phải đưa ra những quyết định quan trọng hoặc thực hiện công việc đòi hỏi sự sáng tạo hay tập trung cao độ.
Theo Sheetal Goyal - bác sĩ Thần kinh tại Bệnh viện Wockhardt Mumbai Central (Ấn Độ), tình trạng thiếu glucose kéo dài sẽ kích thích cơ thể giải phóng hormone căng thẳng như: cortisol, làm giảm khả năng nhận thức và gây ra cảm giác bực bội, lo âu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, não bộ có thể chuyển sang sử dụng xeton (một loại chất béo) làm năng lượng thay vì glucose, nhưng quá trình chuyển đổi này có thể gây ra tình trạng mơ màng, kém tỉnh táo, ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ rõ ràng.
Nhịn ăn, bỏ bữa gây ra nhiều vấn đề cho não bộ. (Ảnh minh họa).
2. Cơn đau đầu do nhịn ăn, bỏ bữa
Một trong những triệu chứng dễ nhận thấy khi bỏ bữa hoặc nhịn ăn là đau đầu. Khi cơ thể không nhận đủ năng lượng, đặc biệt là khi lượng đường trong máu giảm xuống, các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não, sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Não rất nhạy cảm với sự thay đổi trong mức đường huyết. Khi mức đường huyết giảm đột ngột, các mạch máu trong não có thể co lại, gây ra các cơn đau đầu. Đây là một phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Ngoài ra, nhịn ăn cũng làm gia tăng nồng độ cortisol – hormone căng thẳng, có thể làm trầm trọng thêm các cơn đau đầu, khiến tình trạng đau đầu trở nên kéo dài và khó chịu. Tình trạng này nếu kéo dài có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe lâu dài như: đau đầu mãn tính, suy giảm khả năng tập trung và năng suất làm việc.
3. Thời gian lý tưởng giữa các bữa ăn
Một trong những yếu tố quan trọng giúp duy trì sự ổn định của năng lượng cho não là khoảng thời gian hợp lý giữa các bữa ăn. Nếu ăn quá ít hoặc bỏ bữa, não bộ sẽ không có đủ năng lượng để duy trì hoạt động bình thường. Ngược lại, nếu ăn quá nhiều trong một lần, cơ thể sẽ phải dành nhiều năng lượng để tiêu hóa thức ăn, gây cảm giác uể oải, mệt mỏi và làm giảm sự tỉnh táo của não.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khoảng cách lý tưởng giữa các bữa ăn là từ 4 đến 6 giờ. Đây là khoảng thời gian đủ để cơ thể tiêu hóa và hấp thu các dưỡng chất, đồng thời cung cấp năng lượng ổn định cho não bộ.
Bữa sáng cũng đặc biệt quan trọng, giúp cung cấp năng lượng cho não sau một đêm dài và chuẩn bị cho một ngày làm việc hiệu quả. Nếu bỏ bữa sáng, bạn sẽ thiếu năng lượng cần thiết để não hoạt động tốt trong suốt buổi sáng.
Khoảng cách lý tưởng giữa các bữa ăn là từ 4 đến 6 giờ. (Ảnh minh họa).
4. Lời khuyên cho sức khỏe não bộ
Mọi người thường chú trọng đến việc bảo vệ các cơ quan quan trọng như: gan, thận hay phòng ngừa các bệnh ung thư, nhưng ít ai nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc chăm sóc não bộ. Những căn bệnh liên quan đến gan hay thận hoặc ung thư, có thể được nhận diện và điều trị kịp thời nhờ vào sự tiến bộ của y học, nhưng các vấn đề về não lại thường âm thầm tiến triển và khó nhận biết cho đến khi đã có những tổn thương nghiêm trọng.
Não bộ không chỉ điều khiển mọi hoạt động của cơ thể mà còn ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, trí nhớ và cảm xúc. Việc bảo vệ não bộ không chỉ dừng lại ở việc phòng ngừa các bệnh lý như: Alzheimer hay Parkinson, mà còn liên quan đến những thói quen hàng ngày như: chế độ ăn uống, giấc ngủ và giảm căng thẳng. Việc bỏ qua những yếu tố này có thể dẫn đến các vấn đề lâu dài cho não, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà ít người nhận ra cho đến khi quá muộn. Do đó, việc quan tâm đúng mức đến sức khỏe não bộ cũng quan trọng không kém gì việc chăm sóc các cơ quan khác trong cơ thể.
Để não bộ hoạt động tối ưu, cần cung cấp cho cơ thể các nguồn năng lượng bền vững từ carbohydrate phức tạp và protein. Những loại thực phẩm này giúp duy trì mức đường huyết ổn định, ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt năng lượng kéo dài, từ đó giảm nguy cơ bị đau đầu, căng thẳng và các vấn đề khác liên quan đến não bộ.
Trong khi đó, các thói quen ăn uống không lành mạnh như: bỏ bữa hoặc nhịn ăn có thể làm tăng nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thần kinh, làm suy giảm khả năng nhận thức, dẫn đến cảm giác mệt mỏi và căng thẳng.
Ăn uống đều độ để giúp não bộ hoạt động hiệu quả. (Ảnh minh họa).
Để duy trì sức khỏe não bộ và đảm bảo não hoạt động hiệu quả, bạn có thể lưu ý một số lời khuyên quan trọng về chế độ ăn uống như:
- Ăn đủ bữa và đúng giờ: Đảm bảo ăn ba bữa chính mỗi ngày và không bỏ bữa sáng. Việc ăn uống đều đặn sẽ cung cấp đủ năng lượng cho não và giúp duy trì mức đường huyết ổn định.
- Chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng: Các loại thực phẩm giàu omega-3 (như: cá hồi, cá mòi), vitamin B (như: thịt gia cầm, trứng), các khoáng chất (như: magie) sẽ giúp não phát triển khỏe mạnh và cải thiện khả năng ghi nhớ.
- Ăn nhẹ vào buổi chiều: Nếu bạn cảm thấy đói giữa các bữa ăn, một bữa ăn nhẹ lành mạnh như: trái cây, các loại hạt hoặc sữa chua, sẽ giúp bổ sung năng lượng mà không làm tăng cân.
- Uống đủ nước: Mất nước có thể làm giảm hiệu quả hoạt động của não bộ. Do đó, hãy đảm bảo uống đủ nước trong suốt cả ngày để duy trì sự tỉnh táo và khả năng tập trung.
- Tránh nhịn ăn quá lâu: Đừng để cơ thể phải "đói" trong thời gian dài, điều này sẽ làm giảm khả năng làm việc và suy nghĩ của não bộ. Nếu bạn có ý định nhịn ăn để giảm cân, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để thực hiện đúng cách.