BS Nhật sống tới 105 tuổi và 6 cách trường thọ độc đáo, điều 2 dễ mà ít ai làm

Ngày 11/03/2022 07:07 AM (GMT+7)

Luôn bận rộn một cách có ý nghĩa, không nghỉ hưu sớm và duy trì cân nặng hợp lý là một số bí mật sống thọ của bác sĩ người Nhật Bản Shigeaki Hinohara.

Khi qua đời vào năm 2017, bác sĩ Shigeaki Hinohara là chủ tịch danh dự của Đại học Quốc tế St. Luke và chủ tịch danh dự của Bệnh viện Quốc tế St. Luke ở Tokyo (Nhật Bản).

Được biết đến nhiều nhất với cuốn sách “Sống lâu, Sống tốt”, bác sĩ Hinohara từng đưa ra những lời khuyên giúp Nhật Bản trở thành nước đứng đầu thế giới về tuổi thọ. Dưới đây là một số kinh nghiệm của ông:

1. Đừng nghỉ hưu. Nhưng nếu phải nghỉ, cứ tiếp tục làm việc

Tuổi nghỉ hưu trung bình, ít nhất là tại Mỹ, luôn dao động ở mức 65. Trong những năm gần đây, nhiều người còn muốn được nghỉ hưu sớm hơn khi phong trào độc lập tài chính nổi lên.

Bác sĩ Hinohara vẫn làm việc tới những năm cuối đời và ông luôn tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình

Bác sĩ Hinohara vẫn làm việc tới những năm cuối đời và ông luôn tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình

Nhưng bác sĩ Hinohara nhìn mọi thứ theo cách khác. “Không cần thiết phải nghỉ hưu, nhưng nếu phải nghỉ thì có thể muộn hơn rất nhiều so với 65 tuổi,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2009 với The Japan Times. “Từ nửa thế kỷ trước, độ tuổi nghỉ hưu được quy định là 65 tuổi. Khi đó, tuổi thọ trung bình ở Nhật Bản là 68 tuổi và chỉ có 125 người Nhật sống trên 100 tuổi”.

Ông giải thích, ngày nay, mọi người đang sống lâu hơn rất nhiều. Ví dụ, tuổi thọ ở Mỹ vào năm 2020 là gần 79 tuổi, tăng 0,08% so với năm 2019. Do đó, chúng ta cũng nên nghỉ hưu muộn hơn.

Bác sĩ Hinohara đã thực hành những gì ông nói: Cho đến vài tháng trước khi qua đời, ông vẫn tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân, giữ một cuốn sổ hẹn cho 5 năm tiếp và làm việc tới 18 giờ một ngày.

2. Đi cầu thang bộ (và kiểm soát cân nặng)

Bác sĩ Hinohara nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập thể dục thường xuyên. “Tôi đi 2 bậc một bước để vận động các cơ”, ông từng chia sẻ.

Đi thang bộ thay vì dùng thang máy là lời khuyên được nghe rất nhiều nhưng ít ai làm. Ảnh minh họa

Đi thang bộ thay vì dùng thang máy là lời khuyên được nghe rất nhiều nhưng ít ai làm. Ảnh minh họa

Ngoài ra, Hinohara thường tự mang vật dụng, hành lý của mình khi di chuyển. Mỗi năm, ông giảng khoảng 150 bài và thường nói 60-90 phút mỗi lần - đều ở tư thế đứng "để giữ sức khỏe". 

Ông cũng chỉ ra rằng những người sống thọ có một điểm chung: Họ không thừa cân. Thật vậy, béo phì được coi là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Chế độ ăn uống của bác sĩ Hinohara khá đặc biệt: “Vào bữa sáng, tôi uống cà phê, một ly sữa và một ít nước cam với một thìa dầu ô liu.” (Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dầu ô liu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như giữ sạch động mạch và giảm nguy cơ bệnh tim).

“Bữa trưa là sữa và một ít bánh quy, hoặc nếu bận quá thì tôi cũng bỏ qua. Tôi thường chẳng bao giờ cảm thấy đói vì luôn tập trung vào công việc. Bữa tối của tôi là rau, một chút cá và cơm, và mỗi tuần 2 lần ăn 100 gam thịt nạc”, ông từng cho biết. 

3. Luôn có mục đích khiến bản thân bận rộn

Theo bác sĩ Hinohara, quá rảnh rỗi chỉ khiến người ta nhanh già và chết sớm hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là sự bận rộn phải có ý nghĩa. Nhiều người bận rộn nhưng vẫn cảm thấy trống rỗng bên trong.

Bác sĩ Hinohara coi việc đóng góp cho cộng đồng, chia sẻ kiến thức là một phần mục đích sống.

Bác sĩ Hinohara coi việc đóng góp cho cộng đồng, chia sẻ kiến thức là một phần mục đích sống. 

Tiến sĩ Hinohara đã sớm tìm ra mục đích của mình, sau khi mẹ ông được một bác sĩ cứu mạng. Một nhà báo thân cận với ông từng chia sẻ: “Ông ấy tin rằng cuộc đời này là sự cho đi, góp sức, vì vậy ông luôn giúp đỡ mọi người hết sức có thể. Ông thường thức dậy vào sáng sớm và làm điều gì đó tốt đẹp cho người khác. Đây là điều đã thúc đẩy ông làm việc và giúp ông sống lâu”. 

Trong một cuộc phỏng vấn, chính bác sĩ Hinohara cũng nói: “Thật tuyệt vời khi sống lâu. Chúng ta dễ dàng đạt được mục tiêu của đời mình và giúp ích cho gia đình khi sống tới 60 tuổi. Nhưng những năm tháng sau đó, chúng ta nên cố gắng đóng góp cho xã hội. Từ năm 65 tuổi, tôi đã làm việc như một tình nguyện viên. Tôi vẫn dành 18 giờ bảy ngày một tuần và yêu thích từng phút giây trong đó".

4. Các nguyên tắc thường gây căng thẳng, đừng quá cứng nhắc

Mặc dù luôn khẳng định tập thể dục và chế độ dinh dưỡng là những con đường dẫn đến cuộc sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn, bác sĩ Hinohara cho rằng chúng ta không cần quá ám ảnh về những nguyên tắc trói buộc mình.

Ông thường nói: “Tất cả đều nhớ khi còn nhỏ, nhiều lúc chúng ta ham chơi tới quên ăn quên ngủ. Chúng ta vẫn có thể như vậy khi đã trưởng thành - chỉ là đừng quá mức. Tốt nhất không làm cơ thể mệt mỏi với quá nhiều quy tắc”. 

Richard Overton, một trong những cựu chiến binh lâu đời nhất còn sống sót trong Thế chiến II của Mỹ, có thể đồng tình với ý kiến này. Cho đến khi qua đời ở tuổi 112, người phụ nữ này vẫn hút xì gà, uống rượu whisky và ăn đồ chiên, kem hàng ngày.

Nên áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh nhưng đừng quá ép mình vào các nguyên tắc.

Nên áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh nhưng đừng quá ép mình vào các nguyên tắc. 

Bác sĩ Hinohara có thể không đồng tình với chế độ ăn uống trên nhưng rõ ràng cụ bà Overton đã sống thọ tới tuổi ít ai đạt được khi duy trì “một cuộc sống không căng thẳng và hà khắc”.

5. Nhớ rằng bác sĩ không thể chữa bách bệnh

Tiến sĩ Hinohara cảnh báo mọi người không nên luôn nghe theo lời khuyên của bác sĩ. Theo ông, khi được yêu cầu làm xét nghiệm hay phẫu thuật, bạn nên “hỏi bác sĩ xem nếu đó là vợ/chồng hay con cái họ, họ có muốn người thân của  mình thực hiện các việc đó không?”. Ông nhấn mạnh rằng chỉ riêng khoa học thì không thể giúp ích cho sức khỏe con người. “Khoa học là kiến thức chung nhưng bệnh tật mỗi người mỗi khác. Để hiểu rõ bệnh và giúp được mọi người, chúng ta cần dùng nghệ thuật khai phóng, sử dụng đôi mắt, trái tim, chứ không chỉ là các vật dụng hay kiến thức y tế”, ông nói. 

Thực tế, Bệnh viện nơi ông làm việc luôn cố gắng đáp ứng nhu cầu cơ bản của bệnh nhân: Để họ được vui vẻ, bệnh viện mang đến âm nhạc, phương pháp trị liệu bằng thú cưng, các lớp học nghệ thuật… “Nỗi đau là điều bí ẩn, và vui vẻ là cách tốt nhất để quên nó đi. Nếu một đứa trẻ bị đau răng và bạn cùng bé chơi trò chơi, trẻ sẽ quên đi cơn đau”, ông từng nói.

6. Tìm cảm hứng, niềm vui và sự bình yên trong nghệ thuật.

Theo The New York Times, về cuối đời, bác sĩ Hinohara không ăn được nhưng ông từ chối ăn bằng ống thông dạ dày. Ông được xuất viện và qua đời vài tháng sau đó tại nhà.

Thay vì cố gắng chiến đấu với cái chết, Hinohara đã tìm thấy sự bình yên ở nơi mình đang sống nhờ nghệ thuật. Người ta nói rằng, ông ra đi trong sự mãn nguyện.

5 thói quen không hề tốn kém có thể đảo ngược tuổi sinh học, giúp bạn sống thọ hơn
Mọi người thường cho rằng, lão hóa là không thể tránh khỏi và chấp nhận các vấn đề sức khỏe do lão hóa mang lại. Trên thực tế, tuổi sinh học của cơ thể con người khác với tuổi thực, 5 thói quen dưới đây đã được chứng minh có thể đảo ngược tuổi sinh học củ

Sống khỏe

Yên Minh (Dịch từ CNBC)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe