Ban đầu khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh rất dễ nhầm với các bệnh khác điển hình là sốt virus.
Dịch sốt xuất huyết đang 'hoành hành'
Hiện nay ở Hà Nội đang gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Theo thống kê từ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố đã ghi nhận trên 700 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và một trường hợp đã tử vong.
Ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho thấy, số lượng người mắc sốt xuất huyết đang bắt đầu có dấu hiệu gia tăng, trong đó số lượng người lớn mắc sốt xuất huyết tăng hơn so với năm 2016.
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân Đ. mắc sốt xuất huyết.
Thậm chí, có những trường hợp cả gia đình phải vào viện điều trị vì mắc sốt xuất huyết. Điển hình như trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Đ. (ở Tổ 12, phường Phú Lương – quận Hà Đông).
Theo chị Đ., gia đình chị có 4 người, thì cả 4 đều mắc sốt xuất huyết, ban đầu tưởng chỉ bị sốt virus do thay đổi thời tiết, nên chị Đ. ở nhà tự điều trị bằng thuốc hạ sốt và kháng sinh.
Tuy nhiên, sau 3 ngày uống thuốc không thuyên giảm, cùng với việc đau đầu, mỏi mắt, mỏi xương khớp, chị cùng chồng, con ra Bệnh viện Hà Đông để thăm khám và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.
Những nốt xuất huyết rất điển hình xuất hiện dưới da bệnh nhân Đ.
Cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt virus
Chia sẻ với phóng viên, Ths.BS Tạ Quang Mậu – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, đa số người bệnh đến viện điều trị khi đã bị nặng do nhầm lẫn sốt xuất huyết với sốt virus, tự ý điều trị ở nhà.
“Trong những ngày đầu, để phân biệt sốt xuất huyết và sốt virus là rất khó khăn, vì những biểu hiện, triệu chứng của bệnh khá giống nhau. Bởi vậy, khi có các dấu hiệu bất thường, người dân nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra”, BS Mậu chia sẻ.
Theo BS Mậu, điểm khác nhau giữa sốt xuất huyết và sốt virus là, sốt xuất huyết là do muỗi truyền bệnh, sau giai đoạn sốt ban đầu khoảng 3-5 ngày, người bệnh thường có biểu hiện xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc thậm chí là xuất huyết đường tiêu hóa.
BS Tạ Quang Mậu đang thăm khám cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết.
“Ở giai đoạn đầu, ngoài biểu hiện sốt cao 39-40 độ, người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện đau đầu (vùng thái dương), mỏi các cơ, khớp và có xuất hiện ho, rát họng…
Còn đối với sốt do virus, người bệnh cũng có biểu hiện sốt cao, nhưng uống thuốc sẽ hạ được sốt, sau khi hạ được sốt người bệnh, thậm chí trẻ nhỏ vẫn ăn uống, chơi đùa và làm việc bình thường.
Chính vì thế, nếu thấy sốt cao uống thuốc không hạ được, kèm theo đau đầu, mỏi cơ khớp… thì người dân hãy nghĩ đến sốt xuất huyết và phải đến bệnh viện để được kiểm tra, xét nghiệm”, BS Mậu cho hay.
Đối với bà bầu khi mắc sốt xuất huyết, BS Mậu khuyến cáo cần phải đến ngay bệnh viện để được theo dõi, tránh xảy ra những biến chứng nặng như có thể gây sảy thai, sinh non, thai nhẹ cân...
Ngoài ra, thai phụ có thể xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu đường tiêu hoá do tình trạng giảm tiểu cầu.
Để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, BS Mậu cho biết, bà bầu nói riêng và người dân nói chung cần phải dọn dẹp nơi muỗi sinh sôi như phát quan bụi rậm, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, thoáng. Không để ao tù, nước đọng trong chum, thùng,…
Tránh muỗi đốt bằng cách nằm ngủ hay sinh hoạt trong mùng, màn ở những vùng có mật độ muỗi cao.
“Hiện nay sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh, vì thế các phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh nơi ở gọn gàng, sạch sẽ”, BS Mậu khuyến cáo.