Nữ ca sĩ hát nhạc phim 18+ "50 sắc thái" đình đám bắt đầu với việc nhịn ăn trong 12 giờ và sau đó tăng thời gian nhịn ăn lên đến 40 tiếng.
Nữ ca sĩ 33 tuổi người Anh Ellie Goulding - chủ sở hữu các bản hit đình đám như "Love Me Like You Do" trong bộ phim 18+ đình đám khắp thế giới “50 sắc thái”, “Burn”, “I Need Your Love”, “How Long Will I Love You” vì muốn giữ dáng đã áp dụng một phương pháp đó là nhịn ăn.
Nữ ca sĩ cho biết cô nhịn ăn gián đoạn tức là khoảng 2 ngày nhịn ăn và sau đó lại ăn uống bình thường, Ellie cho rằng hệ thống tiêu hóa cần được nghỉ ngơi sau khi tiêu thụ những thực phẩm để giúp giảm viêm trong cơ thể.
Cô cho rằng viêm nhiễm là nguồn gốc của tất cả các vấn đề sức khỏe và nhịn ăn có thể làm giảm tình trạng đó cũng như kiểm soát lượng đường.
Nữ ca sĩ 33 tuổi người Anh Ellie Goulding đã nhịn ăn tới 40 tiếng và chỉ uống nước.
Chia sẻ về cách nhịn ăn, Ellie cho biết: “Tôi thực hiện nhịn ăn rất an toàn. Trước và sau khi nhịn ăn tôi sẽ ăn các đồ bổ dưỡng và sau đó lại tiếp tục nhịn ăn. Vào những ngày nhịn, tôi uống nước điện giải và uống trà, cà phê. Nhịn ăn không hề có hại trừ khi bạn bị tiểu đường hoặc có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.”
Ban đầu Ellie thực hiện nhịn ăn khoảng 12 tiếng sau đó cô tăng lên thành 40 tiếng. Ellie là người ủng hộ xu hướng ăn chay, "nó là một thử thách nhưng không phải là không thể, bạn chỉ cần ăn nhiều những thứ có màu xanh", cô nàng chia sẻ.
Ellie chính là giọng ca đưa bài hát Love me like you do trong bộ phim 18+ 50 sắc thái trở nên nổi tiếng.
Những lợi ích của việc nhịn ăn gián đoạn
Nhịn ăn là không ăn bất cứ thức ăn gì dưới dạng rắn và lỏng, chỉ uống nước lấy từ trong thiên nhiên hoặc nước đun sôi để nguội. Nếu như có dùng xen vào một vài loại thức ăn nào đó, dù rất ít như sữa, nước sâm,… thì không gọi là nhịn ăn mà đó là ăn kiêng. Trong khoa học yoga, nhịn ăn có nhịn khô (nhịn ăn và nhịn uống), hoặc nhịn ăn có uống nước.
Nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting) là thuật ngữ mô tả chế độ ăn uống và nhịn ăn có chu kỳ. Phương pháp giúp cơ thể có đủ thời gian tiêu thụ thức ăn hoàn toàn, đồng thời giới hạn nghiêm ngặt lượng calo dung nạp.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England ngày 26/12/2019 cho thấy nhịn ăn gián đoạn có một số lợi ích cho cơ thể như giảm căng thẳng, giảm nguy cơ ung thư, béo phì và tăng tuổi thọ.
Mark Mattson, Giáo sư khoa Thần kinh học, Đại học Johns Hopkins, tác giả của nghiên cứu cho biết, có hai hình thức nhịn ăn gián đoạn chính: hạn chế thời gian ăn trong ngày (ăn từ 6-8 giờ và nhịn ăn trong 16-18 giờ còn lại) hoặc nhịn ăn liên tục trong vòng 16 đến 24 giờ, hai lần một tuần.
Theo nghiên cứu, nhịn ăn gián đoạn kích thích cơ thể chuyển hóa năng lượng dựa trên glucose sang năng lượng dựa trên ketone. Quá trình này giúp giảm thiểu căng thẳng, giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư, béo phì và tăng tuổi thọ.
Nghiên cứu đã dẫn chứng trường hợp của người dân thành phố Okinawa, Nhật Bản, nổi tiếng với tuổi thọ cao và chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, ít calo.
Nữ ca sĩ cho rằng nhịn ăn gián đoạn sẽ giúp ngừa bệnh tật.
Bên cạnh đó, nhịn ăn gián đoạn cũng giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, ổn định lượng đường trong máu. Kết quả của một phân tích vào năm 2018 cho thấy, bệnh tiểu đường loại 2 của ba bệnh nhân đã thuyên giảm và được phép ngừng sử dụng insulin sau một thời gian nhịn ăn gián đoạn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, cần thực hiện thêm các nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài của việc nhịn ăn gián đoạn đối với cơ thể người. Các thử nghiệm lâm sàng hiện tại thường tập trung vào người thừa cân ở độ tuổi thanh niên hoặc trung niên. Chính vì vậy, kết quả chưa có sự bao quát.
Bên cạnh đó, đây là chế độ ăn kiêng khó tuân thủ, đặc biệt là ở Mỹ và một số nước châu Á, nơi khái niệm ‘ba bữa một ngày’ đã ăn sâu vào văn hóa. Nghiên cứu của Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) vào năm 2017 cho thấy, gần 40% người được chỉ định nhịn ăn gián đoạn đã bỏ cuộc sau một thời gian.
Lưu ý khi nhịn ăn
Thực tế, đã có không ít người áp dụng phương pháp nhịn ăn vì họ tin rằng có thể chữa được bệnh tật, điển hình ở Việt Nam có ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhịn ăn ngồi thiền 49 ngày.
Tuy nhiên về tính an toàn của việc nhịn ăn chưa được đảm bảo hoàn toàn. Vậy nên, trong khi liệu pháp này được khuyến cáo là chưa nên khuyến khích thì việc thực hành cần chú ý đặc biệt những điều sau đây:
- Cần được khám, đánh giá và chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe và bệnh tật, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên gia về dinh dưỡng xem có cần nhịn ăn hay không, nếu có cần và có thể nhịn ăn được hay không.
- Không áp dụng nhịn ăn ở những người suy kiệt, suy dinh dưỡng, thiếu máu, ung thư tiến triển, lao, AIDS, người mắc bệnh tiểu đường týp 1 (nhóm phụ thuộc insulin), bệnh gan, tim, thận nặng, hạ đường huyết, những trường hợp mắc bệnh cấp tính...
- Nên thực hành nhịn ăn một cách tăng dần, tránh đột ngột bất ngờ. Lúc đầu có thể chỉ ăn hoa quả và uống sữa, sau đó chỉ cần hoa quả và nước uống, sau đó chỉ nước và cuối cùng là không dùng gì cả. Người ốm hoặc yếu có thể thực hiện nhịn từ bữa trưa cho đến tận sáng hôm sau hoặc có thể uống nước hoa quả, sữa hoặc súp rau xanh.
- Chú ý lắng nghe cơ thể mình, nếu thấy bất cứ một dấu hiệu nặng nề nào thì phải ngừng nhịn ăn và tiến hành khám bệnh ở các cơ sở y tế có đủ tư cách pháp nhân.
- Khi ngừng nhịn ăn chú ý ăn lại từ từ theo nguyên tắc từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, từ dễ tiêu đến khó tiêu trong một thời gian nhất định theo hướng dẫn của các thầy thuốc và chuyên gia dinh dưỡng.
- Nên thực hiện theo nguyên tắc “tam nhân chế nghi” của y học cổ truyền là: nhân nhân chế nghi (tùy người mà dùng), nhân địa chế nghi (tùy nơi mà dùng) và nhân thời chế nghi (tùy lúc mà dùng).