Angus Barbieri hiện đang giữ kỉ lục Guinness thế giới về lần tuyệt thực kéo dài nhất, lên tới 382 ngày.
Ngay cả đến bây giờ, các nhà khoa học cũng không hiểu làm thế nào mà anh ta có thể sống mà không cần tới thức ăn trong một thời gian dài như vậy mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng, việc không tiêu thụ thực phẩm trong hơn 40 ngày sẽ khiến sức khỏe chúng ta chạm mức báo động đỏ.
Năm 1965, một người đàn ông 27 tuổi với cơ thể đồ sộ đã đến bệnh viện Maryfield tại Dundee (Scotland) để tìm kiếm sự giúp đỡ. Angus Barbieri khi ấy đã nặng tới 456 pound (tương đương 207 kg). Angus nói với các nhân viên y tế ở đó rằng, anh sẵn sàng từ bỏ việc ăn uống bình thường trong một thời gian để giảm cân, và các bác sĩ đã đồng ý theo dõi tiến trình cùng ăn.
Angus Barbieri trước và sau khi giảm cân.
Ban đầu, Angus không nghĩ rằng mình sẽ từ bỏ việc ăn uống trong một thời gian dài đến vậy. Nhưng càng ngày anh càng cảm thấy việc sống mà không có thức ăn thật... dễ dàng, đến nỗi anh bất chấp lời khuyên của bác sĩ và tiếp tục nhịn ăn sau chương trình kéo dài 40 ngày.
Trong hơn một năm, anh chỉ uống bổ sung vitamin và ăn một số loại men, đặc biệt là vitamin C. Vào ngày thứ 92, anh bắt đầu uống thêm kali và vào ngày thứ 345, anh bắt đầu ăn muối. Ngoài ra, Angus cũng uống nhiều loại thức uống không chứa calo như trà, cà phê và nước khoáng. Vào những ngày cuối cùng của chế độ ăn kiêng, anh đã ăn thêm một ít đường và sữa.
Cũng vì vấn đề ăn uống khác thường nên việc “đi nặng” của Angus cũng khá kì lạ: cứ 37-38 ngày anh mới đi tiêu một lần. Điều này cũng không đáng ngạc nhiên vì anh cũng không ăn nhiều.
Các bác sĩ tuyên bố rằng, mức glucose trong Angus thấp kỉ lục, chứng minh rằng anh thực sự đã không hề ăn bất kì thứ gì. Nhưng hạ đường huyết không ngăn anh khỏi những công việc hàng ngày, anh vẫn làm tốt mà không gặp trở ngại gì cả. Điều duy nhất anh phải thay đổi là nghỉ việc ở cửa hàng thực phẩm của gia đình – nơi chuyên sản xuất cá và khoai tây chiên. Ngay cả người quyết tâm như Angus cũng khó có thể giảm cân khi có quá nhiều thức ăn ngon xung quanh mình.
Angus đã ngừng quá trình giảm cân này vào ngày 11 tháng 7 năm 1966. Trong 382 ngày đó, anh đã giảm được 276 pound (120 kg) và chỉ còn nặng 180 pound (82 kg).
Bệnh viện Maryfield, nơi Angus tìm đến sự giúp đỡ cho cân nặng của mình.
Bữa ăn đầu tiên sau hơn một năm không ăn gì dành cho Angus là một quả trứng luộc, một miếng bánh mì, chút bơ và một tách cà phê. Theo Angus, vào thời điểm đó, anh đã gần như hoàn toàn quên mùi vị của thức ăn, và bữa sáng đó thực sự là ngon tuyệt vời.
Mặc dù anh giảm cân rất nhanh, nhưng trong 5 năm tiếp theo, anh cũng chỉ tăng thêm 16kg. Sau khi chuyển đến Warwick, Vương quốc Anh, Angus đã có thêm 2 cậu con trai và sống thêm 24 năm nữa.
Liệu giảm cân bằng cách bỏ ăn có hợp lí?
Sẽ rất nguy hiểm nếu cố gắng giảm cân theo cách cực đoan như vậy. Các sinh viên tốt nghiệp khoa Y, Đại học Dundee đã tiến hành nghiên cứu 5 trường hợp béo phì được điều trị bằng cách nhịn ăn. Tất cả đều dẫn đến cái chết cho bệnh nhân. Chỉ có duy nhất một bệnh nhân có thể sống đến ngày thứ 210 mà không có thức ăn.
Tuy nhiên sau khi ăn trở lại, cô đã tử vong, và đây là hậu quả phổ biến khi lượng thức ăn đột ngột phá vỡ sự cân bằng chất lỏng và điện giải trong cơ thể). Những bệnh nhân còn lại chết vì những vấn đề sức khỏe khác nhau vào tuần thứ 3 đến thứ 8. Nhiều bệnh nhân được báo cáo là thiếu chất kali, dù họ đã được uống thuốc bổ sung.
Một số người có thể không cần đến thức ăn trong một thời gian nhờ sống dựa vào chất béo có trong cơ thể. Nhưng chế độ ăn kiêng bỏ hoàn toàn thức ăn hoặc hạn chế calo có thể gây ra đau tim. Bởi khi ấy trọng lượng cơ thể và cơ bắp biến mất quá nhanh. Sau khoảng 6 – 8 tuần nhịn ăn (hoặc nhanh hơn nếu người giảm cân không có đủ chất béo ngay từ đầu hay mắc một số bệnh mãn tính), các vấn đề về tim bắt đầu xuất hiện.
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, hạn chế dinh dưỡng hoặc từ bỏ hoàn toàn thức ăn có thể giúp chống lại ung thư và béo phì. Ở động vật, việc không ăn gì giúp làm chậm quá trình lão hóa. Nhưng những lợi ích của việc từ bỏ thực phẩm hoàn toàn vẫn chưa được củng cố hoàn toàn, và chắc chắn là mặt hại sẽ nhiều hơn mặt lợi.