Khi đi ăn bún hoặc phở, nhiều người có thói quen phải ăn hết nước, vì nước phở chính là thước đo để đánh giá bát phở có ngon, chuẩn vị hay không.
Thói quen ăn bữa sáng đủ muối cho cả ngày
Ăn bún, phở buổi sáng là thói quen của rất nhiều người Việt, đặc biệt là ở khu vực thành thị. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết bún phở được rất nhiều người lựa chọn ăn vào buổi sáng, nhất là trong thời tiết lạnh mùa đông. Tuy nhiên, qua quan sát vị chuyên gia này nhận thấy nhiều người đang có thói quen không tốt khi ăn bún phở, đó là ăn hết cả bát nước phở.
Theo suy nghĩ của nhiều người, để đánh giá độ ngon của bát bún hoặc phở thì phải thử vị của bát nước dùng. PGS Lâm cho rằng, điều đó đúng nhưng không có nghĩa thử vị là uống hết cả một bát nước, vì điều này nếu tạo thành thói quen lâu dài không hề tốt cho sức khỏe.
Một bát phở đủ lượng muối cho cơ thể cả ngày. (Ảnh minh họa)
“Chưa nói đến nước phở có các chất phụ gia hay không, chỉ bàn về độ mặn của bát nước phở đã rất thừa với cơ thể rồi. Theo định lượng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trung bình lượng muối có trong một bát phở bò chín bình dân là hơn 3 gram; trong bát phở bò sốt vang 4,59 gram; phở bò xào 2,58 gram; phở gà 4 gram. Lượng muối trong tô bún cá là 6,23 gram, bún chả 3 gram, bún dọc mùng sườn 4 gram…
Trong khi khuyến cáo của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) mỗi người trưởng thành chỉ dùng 5gram muối/ngày. Như vậy, chỉ cần ăn bát bún, phở buổi sáng đã đủ lượng muối trong cả ngày”, PGS Lâm phân tích.
PGS Lâm cũng thẳng thắn thừa nhận, bản thân cũng vô cùng thích món phở và thường xuyên đi ăn phở nhưng chỉ sử dụng lượng nước phở rất nhỏ. “Khi ăn phở tôi sẽ chỉ ăn 1, 2 thìa nước để cảm nhận được hương vị và để ngon miệng. Vì nếu ăn cả một bát nước phở, trong khi cả ngày còn ăn các bữa khác, các loại thực phẩm cũng chứa muối, như vậy cơ thể sẽ thừa rất nhiều muối so với khuyến cáo”, PGS Lâm chia sẻ.
PGS Lâm cho biết ăn mặn ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe.
Ăn mặn rất hại cho tim mạch
Theo WHO, việc ăn nhiều muối làm tăng huyết áp, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tăng nguy cơ bị đột quỵ. Trong khi đó, tăng huyết áp hiện đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Còn tại Việt Nam, số lượng người tử vong do các bệnh lý nhồi máu cơ tim lên tới 100.000-150.000 người, trong đó nguyên nhân chủ yếu do tăng huyết áp.
PGS Nguyễn Thị Lâm cho biết ăn mặn sẽ khiến cơ thể khát nước. Khi uống, nước vào cơ thể sẽ đi vào máu làm tăng thể tích tuần hoàn, tăng áp lực trong máu dẫn đến tăng huyết áp. Do đó người dân cần phải ý thức giảm lượng muối mỗi ngày. Với các bệnh nhân huyết áp cao, chỉ định bắt buộc là phải ăn nhạt.
Do đó các chuyên gia khuyến cáo, với những bệnh nhân cao huyết áp chỉ nên dùng 2-4g muối/ngày. Trẻ em, người già và phụ nữ mang thai nên dùng ở tỉ lệ thấp hơn nữa.
Không chỉ tăng huyết áp, việc sử dụng quá nhiều muối còn gây giữ nước với các bệnh nhân suy tim, thận nhiễm mỡ, tăng co thắt, kích thích cơn suyễn...
Với trẻ em, nên ưu tiên trẻ bú sữa mẹ vì lượng muối trong sữa mẹ thấp hơn sữa bò. Khi pha sữa không nên dùng nước khoáng hoặc cho trẻ uống nước khoáng hàng ngày. Ăn mặn sẽ góp phần làm hại thận của trẻ do thận phải làm việc nhiều hơn.
Để hạn chế việc ăn mặn, các chuyên gia cho rằng không còn cách nào khác đó là người dân phải hiểu về những ảnh hưởng tới sức khỏe khi ăn thừa muối và cần phải tập thói quen không ăn mặn.
Mọi người nên chấm nhẹ tay, hạn chế ăn mặn để bảo vệ sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Dưới đây là một số cách để hạn chế thói quen ăn mặn:
- Tập thói quen không để bát nước chấm, gia vị trên mâm cơm.
- Pha loãng bát nước mắm trước khi ăn hoặc dùng các gia vị khác như chanh, tỏi, tiêu, ớt… để giúp tăng cảm giác ngon miệng, bù lại việc giảm sự ngon miệng do giảm vị mặn.
- Nếu vẫn muốn ăn gia vị thì nên chấm nhẹ, không dìm cả miếng thịt, gắp rau ngập sâu vào bát nước chấm.
- Hạn chế thói quen chan nước mắm, nước kho thịt, kho cá vào cơm khi ăn vì các loại nước này chứa một lượng muối đáng kể.
- Bỏ thói quen chấm trái cây vào các loại muối ớt, muối tiêu, muối tôm, muối ô mai, bột canh… khi ăn.