Cách phân biệt bệnh bạch hầu và viêm họng từ những dấu hiệu sớm nhất

Ngày 28/06/2020 14:00 PM (GMT+7)

Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng.

Trong tháng 6, Việt Nam ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Đăk Sor, huyện Krông Nô và 8 trường hợp mắc tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Trong đó có một trẻ tử vong, do được phát hiện muộn.

ThS.BSCKII Trần Duy Hưng – Trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo mọi người cần chú ý các dấu hiệu điển hình của bệnh bạch hầu.

Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp.

Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp.

Theo đó, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có sốt nhưng không cao, giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Cần phân biệt bệnh bạch hầu với viêm họng

Bệnh bạch hầu: Sốt không cao. Đặc biệt có biểu hiện nhiễm độc, da tái xanh, trẻ mệt mỏi, li bì, quấy khóc, biếng ăn. Ho có tiếng ông ổng, kèm theo khó thở, khàn tiếng.

Giả mạc ở vùng hầu họng lúc đầu có màu trắng ngà, sau đó có màu vàng nhạt, rất dai, khó bóc tách. Nếu cố tình lấy giả mạc ra sẽ gây chảy máu...

Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. Có khá nhiều triệu chứng xuất hiện trong 2 đến 5 ngày sau khi phơi nhiễm. Ban đầu người nhiễm bệnh sẽ bị đau họng, ho và sốt kèm ớn lạnh. Các triệu chứng này tăng dần từ nhẹ đến nặng hơn. Chính vì triệu chứng khá phổ biến nên cha mẹ dễ nhầm tưởng trẻ chỉ đơn giản đang bị cảm lạnh, chứ không phải đang phơi nhiễm với vi khuẩn bạch hầu.

Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau. Chẳng hạn, bạch hầu mũi trước thì bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu. Khi khám, có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.

Hay bạch hầu thanh quản là thể bệnh tiến triển nhanh và rất nguy hiểm. Bệnh nhân thường biểu hiện bằng dấu hiệu sốt, khàn tiếng, ho ông ổng. Nếu không được xử trí kịp thời, có thể có nguy cơ tử vong nhanh chóng….

Tuy nhiên, bệnh có thể dự phòng được bằng tiêm vắc-xin đủ liều và đúng lịch. Khi phát hiện sớm, bệnh điều trị khỏi bằng kháng sinh.

Bệnh viêm họng: Có sốt, sốt cao; Đau rát họng, khó nuốt; Có giả mạc ở vùng hầu họng, rất dễ lấy ra, không chảy máu; Tổn thương do vi khuẩn khác gây ra thì thường có mủ ở họng...

Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Thực hư ca nhiễm bạch hầu tại TP HCM làm 16 người phải cách ly
Bệnh nhân bạch hầu này là quân nhân, mắc bệnh trong môi trường quân nhân chứ không phải xảy ra ở cộng đồng.
Theo Diệu Thu Diệu Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Viêm họng