Chuyên gia khuyên nếu trẻ bị ho kèm theo những biểu hiện này nên đi khám ngay

Ngày 26/04/2021 19:57 PM (GMT+7)

Khi thấy trẻ bị ho và có những biểu hiện như bỏ ăn, sốt cao nhiều ngày,… cha mẹ không nên chủ quan.

Hiện nay, miền Bắc đang trong thời điểm giao mùa, các bệnh liên quan đến đường hô hấp có xu hướng gia tăng như: viêm họng, viêm VA, viêm phế quản, viêm phổi... đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người già và những người có bệnh lý mãn tính liên quan đến đường hô hấp kèm theo.

Còn tại miền Nam, thời điểm này, các bệnh lây qua đường hô hấp như thủy đậu, tay chân miệng,... cũng đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng, chưa phòng và điều trị đúng cách khiến bệnh kéo dài, thậm chí có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm.

Nhằm giúp người dân phòng và điều trị hiệu quả các bệnh đường hô hấp, Báo Gia đình Xã hội kết hợp với Trang tin điện tử Eva.vn tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "Bệnh đường hô hấp khi giao mùa – Hiểu để phòng tránh" với sự tham gia của khách mời: Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Lê Duy - Đại học Y Dược TP.HCM.

Chuyên gia khuyên nếu trẻ bị ho kèm theo những biểu hiện này nên đi khám ngay - 1

Bác sĩ Phạm Lê Duy, khách mời đã có mặt cùng MC Mai Anh sẵn sàng tham gia buổi giao lưu trực tuyến.

PHẦN 1: KIẾN THỨC CHUNG

MC: Nguyên nhân gây nên các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp chủ yếu là do virus và vi khuẩn, tuy nhiên nhiều người hiểu chưa đúng nên có cách phòng bệnh, thậm chí là tự ý điều trị sai. Xin Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Lê Duy giải đáp cho quý khán giả được biết, bệnh lý đường hô hấp do vi khuẩn và virus gây ra có sự giống và khác nhau như thế nào?

Bác sĩ Duy:

Bệnh liên quan đến đường hô hấp trước tiên có thể do lây nhiễm và không do lây nhiễm. Bệnh liên quan đến đường hô hấp không do lây nhiễm có thể do mình hít phải lông chó, lông mèo hoặc phấn hoa, ô nhiễm môi trường.

Còn bệnh liên quan đến lây nhiễm có thể là do virus hoặc vi khuẩn và khi nhiễm có thể gây nên tình trạng viêm đường hô hấp khác nhau. Viêm đường hô hấp do virus rất hay thường gặp và có tốc độ lây lan nhanh hơn rất là nhiều so với vi khuẩn. Còn bệnh viêm đường hô hấp do vi khuẩn ít gặp hơn, tuy nhiên mức độ trầm trọng có thể nặng nề hơn do virus gây ra.

Tuy nhiên, vẫn có những loại virus cúm gây nên tình trạng viêm phổi, ví dụ điển hình nhất là virus SARS-CoV-2. Tóm lại bệnh nhiễm trùng do virus thường nhẹ hơn so với bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây nên. Nói vậy nhưng chúng ta không nên chủ quan với các bệnh hô hấp do virus, nhất là cúm vì cúm có thể gây nên tình trạng viêm phổi.

Một điểm khác biệt nữa là bệnh hô hấp do vi khuẩn thường có thuốc đặc trị, đó là kháng sinh. Còn bệnh viêm đường hô hấp do virus không có thuốc đặc trị, chủ yếu dựa vào sức để kháng của bản thân. Nếu ai có sức đề kháng tốt sẽ vượt qua được bệnh nhanh chóng hơn.

MC: Từ việc hiểu sai về tác nhân gây bệnh, nhiều người đã sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc là bệnh không khỏi, thậm chí có thể xảy ra tình trạng kháng kháng sinh. Xin bác sĩ giải đáp giúp quý khán giả hiểu rõ hơn về việc mắc bệnh lý liên quan đến đường hô hấp khi nào cần dùng kháng sinh và dùng kháng sinh thế nào cho đúng?

Bác sĩ Duy: 

Với những bệnh viêm đường hô hấp mà do vi khuẩn, vi trùng nên dùng kháng sinh, còn nếu viêm đường hô hấp do nguyên nhân không lây nhiễm thì không dùng kháng sinh. Vì kháng sinh trong trường hợp đó lợi bất cập hại và không có tác dụng gì, chưa kể có biến chứng do kháng sinh gây ra và gây nên tình trạng kháng thuốc.

Tóm lại nếu bị viêm đường hô hấp do vi khuẩn, vi trùng mà bác sĩ khẳng định điều đó, bác sĩ sẽ cho dùng kháng sinh, bởi vậy chúng ta không nên tự ý dùng kháng sinh vô tội vạ.

Cùng cần phải nói rõ rằng, có một số triệu chứng gợi ý do nhiễm vi trùng như sốt cao, chảy nước mũi xanh hoặc vàng đó cũng chỉ là gợi ý chứ không khẳng định 100% cho việc nhiễm trùng.

Nhìn chung, nếu thấy tình trạng viêm đường hô hấp quá 3 ngày, có tình trạng sốt cao, lạnh run, nước mùi xanh vàng chảy ra… nên đi khám chuyên khoa, để được bác sĩ thăm khám và quyết định có nên cho uống kháng sinh hay không.

Khi bác sĩ đã có chỉ định phải uống kháng sinh, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, bởi khi được truyền thông nhiều người sinh ra tâm lý sợ kháng sinh, đây cũng là điều không nên.

Bởi nếu đã được chỉ định mà không sử dụng cũng gây ra tình trạng nghiêm trọng. Bởi ban đầu chỉ bị nhiễm trùng một cơ quan, nhưng do không uống kháng sinh nó sẽ lan ra các bộ phận khác, bị nhiễm trùng huyết, việc điều trị rất khó khăn.

MC: Trong bệnh lý về đường hô hấp thường được gọi với 2 cái tên đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Vậy xin bác sĩ cho biết, đường hô hấp trên gồm bộ phận nào, đường hô hấp dưới gồm bộ phận nào? Trong hai bệnh lý về đường hô hấp nói trên thì bệnh lý nào nguy hiểm hơn?

Bác sĩ Duy:

Đây là khái niệm mọi người vẫn thường nhầm lẫn. Đường hô hấp của con người là từ mũi cho đến phổi. Trong đó, đường hô hấp trên được tính từ thanh quản trở lên (thanh quản, hầu và mũi), còn đường hô hấp dưới được tính từ thanh quản trở xuống cho đến phổi.

Thường viêm đường hô hấp trên gặp nhiều hơn như tình trạng ngẹt mũi, hắt hơi, viêm họng, đau họng…nguyên nhân do đường hô hấp trên là “cửa ngõ” đầu tiên của đường hô hấp đó là mũi họng, vì vi khuẩn khi thâm nhập vào thì sẽ bị hệ miễn dịch ở bộ phận đó đáp trả, nếu thắng vi khuẩn sẽ không lan xuống dưới. Còn nếu không đủ mạnh thì vi khuẩn, vi trùng đó sẽ lan xuống dưới và gây viêm đường hô hấp dưới như viêm khí quản, viêm phế quản, viêm phồi…

Chuyên gia khuyên nếu trẻ bị ho kèm theo những biểu hiện này nên đi khám ngay - 2

MC: Để phòng ngừa bệnh lý đường hô hấp, nhiều người có thói quen dùng nước muối đặc để súc miệng, súc họng. Xin bác sĩ giải thích rõ, cách làm như vậy có thể diệt được vi khuẩn không hay có thể gây ra những ảnh hưởng gì?

Bác sĩ Duy: 

Việc súc họng bằng nước muối là phương pháp dân gian và nếu thực hiện hàng ngày vẫn có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, chỉ dùng trong trường hợp không bị nhiễm trùng, bởi nước muối sinh lý hay nước muối đặc không có tác dụng tốt trong việc diệt khuẩn như những loại nước súc miệng có chất diệt khuẩn ở trong đó.

Bình thường nếu chúng ta đi làm về, súc miệng, rửa mũi bằng nước muối thì tốt không vấn đề gì, nhưng khi có vấn đề về hô hấp, răng miệng, cần sử dụng những nước súc miệng có chất sát khuẩn tốt hơn.

MC: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại nước súc miệng khác nhau, xin bác sĩ tư vấn loại nước súc miệng có thành phần như thế nào có tác dụng kháng khuẩn hiệu quả?

Bác sĩ Duy:

Trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi có rất nhiều loại nước súc miệng được giới thiệu, giúp người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ các bệnh về đường hô hấp trên của mình.

Nếu chúng ta bảo vệ được tốt đường hô hấp trên có thể ngăn được các bệnh lý liên quan. Hiện có rất nhiều loại nước súc miệng, ví dụ như nước súc miệng có chứa chlorhexidine 0.1-0.2%, Povidine Iod 1%, CPC (Cetylpiridinium chloride) có phối hợp thêm với ion kẽm có thể diệt được vi khuẩn hay virus trong khoang miệng.

Đặc biệt, chất CPC (Cetylpiridinium chloride) đã được phòng thí nghiệm uy tín Microbac Laboratories nghiên cứu và chứng minh rằng có thế diệt được 99.99% virus, vi khuẩn thường trú hoặc xâm nhập vào trong khoang miệng.

MC: Nhiều người chưa biết về hợp chất có tác dụng kháng khuẩn phổ rộng CPC thường có trong các sản phẩm chăm sóc răng miệng hằng ngày như kem đánh răng và nước súc miệng. Bác sĩ cho biết sử dụng nước súc miệng có chứa hợp chất này thường xuyên có tác dụng như thế nào đối với sức khỏe răng miệng và phòng ngừa các bệnh lý đường hô hấp?

Bác sĩ Duy: 

Thường chất CPC này hay có trong nước súc miệng, còn trong kem đánh răng có một số loại có nhưng không phổ biến.

Như tôi mới chia sẻ, việc súc họng thường xuyên sẽ giúp ngăn chặn được vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể của mình qua đường hô hấp. Ngoài ra, việc sử dụng hàng ngày còn giảm được mùi hôi miệng ở một số người có tình trạng hôi miệng, giúp giảm thiểu tình trạng sâu răng…

Đặc biệt là đối với những bệnh nhân đang niềng răng hoặc viêm nha chu, hay bị sâu răng, giúp giảm mảng bám, ngừa sâu răng. Ngoài ra, nước súc miệng chứa CPC còn giúp ngăn ngừa một phần nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua hô hấp khi chỉ mới có những triệu chứng đầu tiên như đau họng, hắt hơi, ho khan...

MC: Trong điều kiện thời tiết giao mùa như hiện nay, việc phòng bệnh liên quan đến đường hô hấp cần phải lưu ý những vấn đề gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Duy: 

Trong thời tiết giao mùa, cơ thể rất là mệt mỏi, hệ miễn dịch yếu hơn vì thế chúng ta phải thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (khuyến cáo 5K đó là: khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế, khoảng cách)…Ngoài ra, có thể dùng nước súc miệng để bảo vệ hệ hô hấp của mình như bác sĩ đã giới thiệu ở trên.

Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý là đối với nước súc miệng có Povidine, nên thực hiện theo chỉ định của bác sĩ và không nên sử dụng hàng ngày. Còn với nước súc miệng có chlorhexidine hoặc CPC (Cetylpiridinium chloride) có thể sử dụng hàng ngày để bảo vệ sức khỏe răng miệng, cũng như phòng bệnh lý đường hô hấp hàng ngày.

MC: Khi mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, nhiều người thường tự ý điều trị. Thói quen phổ biến là dùng kháng sinh khi thấy viêm họng hoặc dùng lại chính đơn thuốc cũ của bác sĩ mà không cần đi khám. Bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân về những thói quen trên, đặc biệt là những hậu quả có thể gặp phải khi tự ý điều trị?

Bác sĩ Duy:

Thông thường khi khám và kê đơn thuốc bác sĩ sẽ tư vấn và khuyến cáo rất rõ ràng, tuy nhiên có thể vì bận hay lý do nào đó nhiều người không đi khám mà ra nhà thuốc mua đại một loại thuốc nào đó, hoặc dùng theo đơn cũ.

Điều này đã được rất nhiều bác sĩ cảnh báo. Bởi khi phải điều trị kháng sinh thì phải có bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc, từ thăm khám bác sĩ mới biết bệnh như thế nào, vi khuẩn nào để cho kháng sinh phù hợp, đặc hiệu để tránh kháng thuốc về sau.

Việc sử dụng lại toa thuốc cũ là tuyệt đối không nên, bởi mỗi lần có triệu chứng viêm đường hô hấp có thể do loại vi khuẩn khác nhau gây nên, vì thế không thể sử dụng lại đơn thuốc được.

Chuyên gia khuyên nếu trẻ bị ho kèm theo những biểu hiện này nên đi khám ngay - 3

MC: Nhiều người khi bị ngạt mũi, viêm họng thường sử dụng các bài thuốc truyền tai như dùng bột, dùng cây cỏ, dùng tinh dầu để điều trị. Xin bác sĩ cho biết, phương pháp điều trị theo kiểu dân gian, "gia truyền"" đó có trị được các bệnh về đường hô hấp không?

Bác sĩ Duy: 

Đây là vấn đề được nói nhiều thời gian gần đây vì quảng cáo quá rầm rộ. Thực tế, một số loại thuốc dân gian cũng có hiệu quả nhất định, như mật ong, chanh, cam, …Tuy nhiên chúng ta nên sử dụng nhưng loại mà chúng ta biết nó là cái gì, ví dụ như uống một thìa mật ong, hay các loại thuốc thảo dược đã cấp phép thì yên tâm hơn nhiều.

Còn đối với các loại thuốc lá, thuốc tễ đã được cô thành viên mà chúng ta không biết đó là thuốc gì thì chúng ta không biết nó chứa chất có hại hay không. Vì thế tuyệt đối không nên sử dụng. Nếu muốn sử dụng bằng phương pháp dân gian thì nên đến bệnh viện y học cổ truyền để được tư vấn.

MC: Thông thường khi được chẩn đoán bị mắc bệnh lý về đường hô hấp, nhiều người (cả người lớn, trẻ nhỏ) ban đầu rất tuân thủ điều trị của bác sĩ, tuy nhiên sau khi thấy giảm triệu chứng thì ngừng thuốc, không uống hết liệu trình (ví dụ bác sĩ kê đơn 5 ngày nhưng chỉ uống 3 ngày thấy hết triệu chứng là dừng thuốc). Xin bác sĩ cho biết, việc làm này sẽ để lại những nguy cơ gì với sức khỏe người bệnh?

Bác sĩ Duy: 

Khi bác sĩ kê một liệu trình nào đó thì họ sẽ có phác đồ, tức là thuốc đó phải dùng đủ liều, đủ ngày thì mới tiêu diệt được vi khuẩn. Nếu không dùng đủ thì không đủ để tiêu diệt vi khuẩn, khi đó vi khuẩn sẽ tạo nên chủng đột biến, kháng thuốc về sau.

Bởi vậy, người bệnh nên tuân thủ theo đơn thuốc kê của bác sĩ, kể cả khi giảm triệu chứng cũng nên sử dụng, đồng thời cần nên tái khám lại theo hướng dẫn của bác sĩ.

MC: Trong các đơn thuốc hoặc tư vấn của bác sĩ thường nhắc người bệnh tái khám sau 3-5 ngày, tuy nhiên, nhiều người thường bỏ qua lưu ý này. Việc không tái khám liệu có ảnh hưởng đến kết quả điều trị hay không, nhất là với các bệnh đường hô hấp hay tái lại nhiều lần?

Bác sĩ Duy:

Việc không tái khám chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, đặc biệt là bệnh lý cấp tính. Bởi nhiều khi bản thân thấy khỏe nhưng triệu chứng ở một số cơ quan trong cơ thể, phải khám, xét nghiệm máu thì mới phát hiện ra và sẽ phải điều trị tiếp, vì thế tái khám rất quan trọng, đặc biệt là trẻ nhỏ.

MC: Về vấn đề dinh dưỡng, đối với người mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp cần có chế độ ăn uống thế nào cho hợp lý?

Bác sĩ Duy:

Chế độ ăn không nên dùng đồ cay nóng, không sử dụng rượu bia. Vấn đề viêm họng có nên uống nước đá hay không cũng được nhiều người quan tâm. Hiện đây là vấn đề còn tranh cãi, đôi khi chỉ là suy luận ra mà thôi. Chính vì vậy, việc có nên uống nước đá hay không thì tùy theo cơ địa của mỗi người để giảm triệu chứng.

MC: Trong thực tế, kể cả các bác sĩ tây y cũng khuyến cáo với đối tượng là trẻ nhỏ có thể dùng một số bài thuốc như mật ong, húng chanh hay quất mật ong... để hỗ trợ trong việc giảm các triệu chứng về đường hô hấp, đặc biệt là ho. Bác sĩ có nhận định như thế nào về vấn đề này?

Bác sĩ Duy:

Bản thân bác sĩ cũng hay dùng, đây là phương pháp tự nhiên giúp mình dễ chịu hơn, giúp cổ họng bớt khô, bớt đau hơn và có thể sử dụng.

Chuyên gia khuyên nếu trẻ bị ho kèm theo những biểu hiện này nên đi khám ngay - 4

PHẦN II: TƯƠNG TÁC ĐỘC GIẢ

MC: Một khán giả có tên Thanh Nguyễn ở quận 7, gửi về cho chương trình. Chào bác sĩ, con tôi năm nay 3 tuổi cháu bị ho húng hắng suốt 4 ngày nay chưa khỏi, khi ho có kèm theo chảy nước mũi màu xanh, cháu cũng ăn kém hơn bình thường. Bác sĩ cho tôi hỏi, với triệu chứng như vậy, con tôi có phải dùng kháng sinh không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Duy: 

Tình trạng như bạn mô tả, đặc biệt là nước mũi xanh, đây là dấu hiệu gợi ý có thể con bạn bị nhiễm trùng, tuy nhiên đây chỉ là gợi ý, chứ không phải khẳng định. Nếu em bé không sốt cao trên 38 độ C, thì mẹ cần rửa mũi, chăm sóc và theo dõi thêm. Trường hợp em bé sốt cao trên 38,5 độ 3 ngày không hạ, mệt mỏi, không chịu ăn thì cần đưa đến bác sĩ khám để nhận được tư vấn của bác sĩ.

MC: Khán giả Hồng Vân (37 tuổi, ở TP Thủ Đức) hỏi: Thưa bác sĩ, gia đình tôi hiện đang dùng loại nước súc miệng có CPC, được giới thiệu diệt 99% vi khuẩn. Tuy nhiên, khi thấy bố mẹ dùng, con tôi cũng đòi súc miệng cùng, nhưng cháu mới 6 tuổi. Vậy, trẻ 6 tuổi có dùng được nước súc miệng này không ạ? Bác sĩ cũng giải đáp giúp tôi, liệu nước súc miệng có diệt được vi khuẩn đến 99% không ạ?

Bác sĩ Duy:

Bác sĩ có lời khen với em bé vì mới 6 tuổi đã có ý thức bảo vệ răng miệng rất tốt. Hiện nay có một số nước súc miệng chứa CPC như nước súc miệng của PS chẳng hạn sẽ giúp bảo vệ đường hô hấp, cũng như bảo vệ một số vấn đề về răng miệng.

Tuy nhiên theo khuyến cáo thì nên sử dụng 2 lần 1 ngày cho sáng và tối, và không sử dụng nhiều vì có thể làm khô khoang miệng, nhiều khi lại làm khô miệng gây ra mùi hôi và dễ loạn khuẩn trong khoang miệng.

Do đó, nước súc miệng chứa CPC được khuyên dùng 2 lần sáng tối và lưu ý không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Lý do, em bé đôi khi không chủ động trong việc nuốt, nên dễ nuốt vào.

MC: Khán giả Mỹ Lan (Thanh Hóa) gửi tới chương trình câu hỏi. Bác sĩ ơi, con tôi năm nay 5 tuổi, cháu thường xuyên bị sổ mũi mỗi khi thời tiết giao mùa. Do cháu không có kèm theo sốt nên tôi không đưa cháu đi khám bác sĩ.

Gần đây, có một người bạn giới thiệu cho tôi bài thuốc của thầy lang nói rằng là gia truyền, chỉ cần dùng bột thổi vào mũi là có thể hết nghẹt mũi, sổ mũi ngay. Tôi có sử dụng và thấy cũng có hiệu nghiệm nhưng vẫn rất lo lắng, nhất là tác dụng phụ. Bác sĩ có thể tư vấn giúp liệu tôi có gặp tác dụng phụ không ạ?

Bác sĩ Duy:

Tình trạng bệnh của cháu tôi nghĩ nhiều đến dị ứng nhiều hơn, chứ không phải nhiễm trùng. Bởi khi thay đổi thời tiết mà chỉ hắt hơi, sổ mũi chứ không có sốt nên nghĩ nhiều đến bị dị ứng.

Hiện nay có một loại thuốc chữa dị ứng rất tốt đó là corticoid, thậm chí nhiều người còn nói đây là thuốc tiên vì trị được nhiều bệnh. Bởi khi uống loại thuốc này các phản ứng viêm trong cơ thể hầu như sẽ trị được hết, tuy nhiên nếu sử dụng kéo dài sẽ gây nhiều tác dụng phụ.

Vì thế việc thổi bột đó vào mũi, mà trong bột có corticoid ở hàm lượng cao thì dễ gây nguy hiểm, bởi vậy lời khuyên của tôi là nên đi khám bác sĩ cho chỉ định. Có thể bác sĩ cũng vẫn cho dùng corticoid nhưng với liệu lượng thấp và thời gian ngắn thì không gây phản ứng phụ.

MC: Một khán giả cao tuổi muốn nhờ bác sĩ giải đáp về chế độ dinh dưỡng. Câu hỏi như sau: Tôi năm nay 68 tuổi, bị phổi tắc nghẽn mãn tính, mỗi khi giở giời rất khó thở, ăn uống khó khăn. Bác sĩ cho tôi hỏi ngoài việc tuân thủ điều trị, dùng thuốc tôi cần phải có chế độ ăn như thế nào cho hợp lý. Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Duy: 

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay còn gọi là COPD nguyên nhân do tiếp xúc với khói độc như thuốc lá, khí độc trong thời gian dài và khi chuyển mùa đường thở tắc nghẽn nhiều hơn.

Với bệnh nhân mắc COPD thì cần ăn uống đầy đủ các nhóm chất vitamin, đạm, protein, đồng thời tập thể dục phù hợp với sức khỏe.

Bệnh nhân COPD hay bị nhiễm trùng đường thở, vì thế phải tiêm phế cầu đầy đủ, đồng thời vệ sinh đường thở sạch sẽ.

MC: Thưa bác sĩ, con tôi 7 tuổi nhưng thường xuyên mắc các bệnh lý về đường hô hấp. Có lần cháu bị biến chứng viêm phổi phải nằm viện cả tháng trời điều trị. Bác sĩ có thể chỉ giúp tôi cách phân biệt viêm đường hô hấp thông thường và viêm phổi không ạ? Câu hỏi của chị Huỳnh Thanh Tố Uyên (35 tuổi, ở Bình Dương) gửi về cho chương trình. Mong bác sĩ giải đáp.

Bác sĩ Duy:

Như tôi đã nói ở đầu chương trình, đường hô hấp của con người là từ mũi cho đến phổi. Trong đó, đường hô hấp trên được tính từ thanh quản trở lên (thanh quản, hầu và mũi), còn đường hô hấp dưới được tính từ thanh quản trở xuống cho đến phổi.

Thường viêm dường hô hấp trên gặp nhiều hơn như tình trạng ngẹt mũi, hắt hơi, viêm họng, đau họng, có thể có sốt…nguyên nhân là “cửa ngõ” đầu tiên của đường hô hấp đó là mũi họng, vì vi khuẩn khi thâm nhập vào thì sẽ bị hệ miễn dịch ở bộ phận đó đáp trả, nếu thắng vi khuẩn thì không lan xuống dưới.

Còn nếu không đủ mạnh thì vi khuẩn, vi trùng đó sẽ lan xuống dưới và gây viêm đường hô hấp dưới gây ra viêm khí quản, viêm phế quản, viêm phồi…

MC: Bạn Hùng Anh (Hải Phòng) muốn nhờ bác sĩ tư vấn về trường hợp con gái của anh bị viêm tiểu phế quản tái đi tái lại. Thưa bác sĩ, bé nhà em (2 tuổi) bị viêm tiểu phế quản từ hồi 9 tháng.

Đến nay đã 2 tuổi cháu vẫn liên tục bị đi bị lại. Mỗi lần cháu ho, sốt là gia đình đưa đến phòng khám, nhưng hầu như cháu đều được kê kháng sinh, sau khi uống kháng sinh (lần sau lại kê thuốc kháng sinh khác lần trước) có vẻ cháu đỡ ho giảm sốt. Bác sĩ cho hỏi có phải bé nhà em bị bệnh gì mạn tính hay cháu đã bị nhờn kháng sinh?

Bác sĩ Duy:

Đây là câu hỏi thường gặp, nếu viêm tiểu phế quản thường gặp thì hãy nghĩ đến một bệnh lý mãn tính, chứ chưa phải là nhờn kháng sinh. Với trường hợp này có thể nghĩ đến bệnh hen suyễn và yếu tố làm bùng phát lên cơn hen suyễn đó chính là nhiễm trùng nên gây nên ho, khò khè.

Với trường hợp này nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa hô hấp để biết được chính xác. Cần lưu ý gia đình có yếu tố di truyền hay không, nhất là ông bà, bố mẹ bị hen suyễn thì khả năng bé bị mắc là rất cao.

Chuyên gia khuyên nếu trẻ bị ho kèm theo những biểu hiện này nên đi khám ngay - 5

MC: Câu hỏi của bạn Lan Anh (Hưng Yên) nhờ bác sĩ giải đáp con của em được 8 tháng. Cách đây 3 ngày, cháu ho húng hắng rồi chuyển sang ho nhiều hơn, có đờm trong cổ họng. Đến ngày thứ 3 thì cháu nôn trớ, ăn kém. Em có cần đưa cháu đi khám ngay lập tức không ạ?

Bác sĩ Duy:

Chắc chắn phải đưa cháu đi khám vì cháu mệt, giảm ăn, sốt 3-4 ngày không ngớt, vì có dấu hiệu nhiễm trùng tiềm tàng. Nếu không đi khám có thể bị viêm phổi, để lâu có thể gây biến chứng.

Trường hợp phải đưa trẻ đi khám ngay:

- Trẻ bỏ ăn, bỏ bú

- sốt cao 3-4 ngày không hạ, thở khò khè

- Trẻ mệt mỏi

- Thở rút lõm lồng ngực…

MC: Khán giả Ngọc Anh (Tp.HCM, 34 tuổi) gửi câu hỏi. Kính chào bác sĩ, xin bác sĩ tư vấn giúp. Tôi năm nay 34 tuổi, từ 3 năm đổ lại đây, họng tôi thường xuyên có đờm (màu trắng hoặc vàng). Tôi đi khám rất nhiều nơi, uống cả kháng sinh, kháng viêm, giảm ho lẫn nước ấm pha mật ong buổi sáng đều đặn nhưng cứ khoảng 2 tháng là lại bị ho, có đờm trở lại. Tôi không bị sốt, ho cũng không quá nhiều nên không đi khám nữa. Bác sĩ tư vấn giúp có phải tôi bị viêm đường hô hấp không? Có cách nào dứt điểm không còn ho, đờm nữa không? Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Duy:

Nếu như bạn mô tả, thì hãy nghĩ đến tình trạng viêm đường hô hấp mãn tính đó là hen suyễn và COPD. Nếu hút thuốc lá, hoặc tiếp xúc với nơi có ô nhiễm thì càng có nguy cơ mắc COPD cao hơn.

Còn bạn nếu ho và có đàm một năm bị một vài đợt, kèm theo hắt hơi, nghẹt mũi thì nghĩ đến bệnh lý hen suyễn và tốt nhất nên đưa đến bác sĩ để khám và được đo chức năng hô hấp.

MC: Thưa bác sĩ, tôi có thói quen uống nước đá lạnh. Nhiều người bảo tôi rằng cứ uống nước đá là dễ bị ho. Thực tế, cổ họng của tôi cũng không tốt thật. Thời tiết thay đổi là dễ bị ho, cảm. Bác sĩ có thể giải đáp giúp tôi, có phải hay uống nước lạnh, nước đá là dễ bị ho không?

Thói quen uống nước lạnh cũng là thói quen của rất nhiều người. Xin bác sĩ Duy giải đáp giúp khán giả Tùng Linh (29 tuổi, Hà Nội).

Bác sĩ Duy:

Vấn đề này bác sĩ cũng đã chia sẻ ở trên, việc uống nước đá là do cơ địa mỗi người. Có trường hợp uống mỗi ngày cũng không sao, nhưng có người chỉ uống 1 lần thì cũng viêm họng. Bởi vậy, bản thân khi uống nước đá thấy phù hợp thì sử dụng, nếu thấy viêm họng thì cần dừng.

Với trường hợp này, thì hay ho đờm khi có thay đổi đổi thời tiết, đây là tình trạng mãn tính vì thế nên đi khám để có tư vấn chính xác.

MC: Một câu hỏi được gửi đến từ chị Ngọc Lan (24 tuổi, Hà Nội) như sau: Em mới sinh con được 2 tháng, hiện tại gia đình em sống ở Hà Nội. Miền Bắc đang trở nóng nên em muốn bỏ bao tay bao chân ra khỏi người con nhưng ông bà không đồng ý, bảo rằng phải giữ ấm tay chân thì cơ thể cháu mới không bị lạnh, tránh được các bệnh hô hấp.

Bác sĩ tư vấn giúp em, có nhất thiết phải đeo bao tay bao chân cho con cả khi trời nóng? Việc giữ ấm tay chân giúp tránh được các bệnh lý đường hô hấp không ạ? Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Duy:

Đây là trường hợp rất thường gặp, ai có con nhỏ cũng đều lo lắng cho con, mong cho con được điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, với em bé nhỏ vào thời tiết nóng thì cần giúp em bé mát mẻ, vì thế không nên đeo bao tay, bao chân cho cháu kín mít cả ngày.

Không có nhiệt độ lý tưởng nào phù hợp cho tất cả mọi người, em bé cũng vậy vì thế bố mẹ hãy lựa chọn nhiệt độ phù hợp nhất cho em bé. Còn trường hợp khi trời lạnh thì việc đeo bao tay, bao chân là cần thiết.

Chuyên gia khuyên nếu trẻ bị ho kèm theo những biểu hiện này nên đi khám ngay - 6

Đại diện trang tin Eva tặng hoa khách mời.

MC: Em nghe nhiều bạn bè, đồng nghiệp kháo nhau nếu cho trẻ nhỏ thường xuyên dùng các thực phẩm giúp tăng sức đề kháng thì cơ thể các cháu có sức phòng chống lại bệnh tật nói chung và bệnh viêm đường hô hấp nói riêng.

Tuy nhiên, dù em đã cho con uống rất nhiều thực phẩm chức năng hàng nhập ngoại đắt tiền, cháu vẫn thường xuyên bị ho, có lúc còn sốt, phải đi viện cấp cứu. Bác sĩ cho em hỏi, việc bổ sung thực phẩm được giới thiệu là tăng sức đề kháng có hiệu quả phòng chống các bệnh đường hô hấp không ạ? Cảm ơn bác sĩ. Câu hỏi của khán giả Vi Huyền Trang (Hải Phòng).

Bác sĩ Duy:

Đây là câu hỏi nhiều người thắc mắc. Việc tăng đề kháng giúp phòng chống bệnh tật là đúng, nhưng việc bổ sung như thế nào để tăng sức đề kháng lại là câu hỏi không đơn giản.

Hệ miễn dịch của con người hoạt động được cần rất nhiều thứ chứ không chỉ vitamin, khoáng chất….Ngoài những nguyên tố đại lượng, thì còn cần các nguyên tố vi lượng để giúp cơ thể hấp thu tốt hơn.

Ngược lại, nếu chỉ chú trọng bổ sung các nguyên tố vi lượng như vitamin, khoáng chất mà quên đi nguyên tố đại lượng như protein, đạm thì cũng không được. Vì thế câu chuyện cân đối dinh dưỡng là rất quan trọng. Ngoài thịt cá trứng sữa thì em bé cần bổ sung thêm rau xanh, quả chín, uống sữa thì sẽ là hợp lý nhất.

Còn em bé hay bị ho, sốt dù ăn uống bình thường thì cần đi khám xem có bệnh lý mãn tính hay không ví dụ như hen suyễn, cúm.

Chúng ta nên chích ngừa cúm thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý, súc miệng thường xuyên, ăn uống đầy đủ, cân đối …để phòng bệnh cho trẻ nói riêng và tất cả mọi người nói chung được luôn khỏe mạnh.

Con bị ho nhiều ngày chưa khỏi, mẹ băn khoăn có nên dùng kháng sinh: Lời khuyên của bác sĩ
Thời tiết giao mùa, nhiều người bị ho, sốt, viêm đường hô hấp nhưng không biết phải làm cách nào để phòng ngừa bệnh. TS.BS Phạm Lê Duy - giảng viên...
Thùy Dương - Lê Phương (ghi)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Eva Chatting