Trong số 7 ca dương tính mới ở Hải Dương, có 5 ca ở xã Kim Liên, huyện Kim Thành và không có mối liên hệ dịch tễ với các bệnh nhân phát hiện trước đó.
Nữ nhân viên Spa là F2 nghi mắc COVID-19
Trường hợp nghi mắc COVID-19 ở TP. Hải Dương, đó là chị N.B.K (SN 1986, có HKTT xã Trường Long A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), hiện tạm trú tại khu dân cư Tiến Đạt, phường Ái Quốc. Chị K là nhân viên spa thẩm mỹ Thùy Dung, có địa chỉ tại khu đô thị Việt Mỹ, thị trấn Lai Cách (huyện Cẩm Giàng).
Trước đó, ngày 13/2 anh Phạm Văn T. là chồng của chị D. (chủ spa thẩm mỹ Thùy Dung) được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Khi đó chị D. (chủ spa thẩm mỹ) được xác định là F1 và chị N.B.K. (nhân viên spa) được xác định là F2.
Ngày 18/02, chị D. chủ quán chủ spa có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và chị K. từ F2 trở thành F1. Ngày 19/02, nữ nhân viên được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương và lấy mẫu bệnh phẩm.
Cơ quan chức năng phong tỏa những nơi liên quan đến ca nghi nhiễm.
Kết quả xét nghiệm do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hải Dương thực hiện phát hiện nữ nhân viên này dương tính với SARS-CoV-2. CDC Hải Dương cho biết, đơn vị đang làm xét nghiệm khẳng định, đồng thời truy vết và phun khử khuẩn những khu vực liên quan.
Ngay sau khi nắm được thông tin trên địa bàn phường có 1 ca nghi nhiễm, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 phường Ái Quốc đã nhanh chóng tiến hành cho dựng rào chắn nơi chị K. ở trọ và tiến hành phun khử khuẩn xung quanh khu vực này. Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành rà soát, truy vết những người có liên quan.
Hải Dương có thêm 7 ca dương tính, có thêm ổ dịch mới không rõ nguồn lây
Thông tin từ BCĐ Phòng, chống COVID-19 tỉnh Hải Dương, sáng ngày 21/2 ghi nhận thêm 7 trường hợp mắc mới. Trong đó huyện Kim Thành có 5 bệnh nhân có địa chỉ tại xã Kim liên là F1 của BN L.V.C. đã được công bố trước đó.
Huyện Cẩm Giàng 01 bệnh nhân trong khu phong tỏa Tân Trường và Nam Sách 01 bệnh nhân trong khu phong tỏa. 7 trường hợp dương tính này hiện chưa được Bộ Y tế công bố.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương, ổ dịch tại xã Kim Liên là ổ dịch mới (ổ dịch thứ 6 trên địa bàn tỉnh), với 6 ca mắc trong 2 ngày.
Ổ dịch mới ở xã Kim Liên không có liên quan dịch tễ đến các bệnh nhân đã phát hiện.
Ngày 19/02 ghi nhận 1 ca mắc và qua điều tra ban đầu cho thấy bệnh nhân không có liên quan dịch tễ đến các bệnh nhân đã phát hiện. Đến đêm 20/02 xác định thêm 5 ca mắc liên quan. Ban chỉ đạo yêu cầu huyện Kim Thành phong tỏa ngay xã Kim Liên để khoanh vùng và xét nghiệm toàn bộ dân cư.
Cũng theo BCD phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương, hiện tỉnh ta có 603 bệnh nhân COVID-19, trong đó 114 người đã khỏi bệnh
Thêm một bệnh viện dã chiến ở Hải Dương sẵn sàng đón bệnh nhân
Bệnh viện Dã chiến số 3 (đặt tại trường ĐH Sao Đỏ cơ sở 2, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) có tổng số 239 giường bệnh, hiện ngành y tế tỉnh Hải Dương đã huy động 116 cán bộ y tế của các cơ sở y tế công lập trên địa bàn đến nhận nhiệm vụ, sẵn sàng đón bệnh nhân COVID-19 đến điều trị.
Một số trang thiết bị cơ bản của Bệnh viện Dã chiến số 3 đã được bổ sung và lắp đặt. Bệnh viện Bạch Mai đã điều xe X-quang di động từ Quảng Ninh về đây.
Bệnh viện Dã chiến số 3 sẵn sàng đón bệnh nhân.
Theo dự kiến, Bệnh viện Dã chiến số 3 sẽ chỉ tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và vừa để giảm tải áp lực cho Bệnh viện Dã chiến số 1 và 2.
Thời gian tới, nếu còn bệnh nhân COVID-19 ở Hải Dương, Bệnh viện Dã chiến số 3 sẽ trở thành cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Trung tâm Y tế TP Chí Linh và Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương sẽ trở lại hoạt động khám chữa bệnh bình thường mới, đáp ứng nhu cầu được khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn.
Được biêt, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang có 2 bệnh viện dã chiến, tại BV Dã chiến số 1 đặt tại TTYT Chí Linh, hiện nay bệnh viện đang điều trị 198 bệnh nhân. Sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định. Dự kiến, trong những ngày tới, BV Dã chiến số 1 sẽ công bố hơn 100 bệnh nhân khỏi bệnh. Còn tại BV Dã chiến số 2 hiện đang điều trị 280 bệnh nhân trên tổng số 660 giường bệnh.
Virus gây phù não có thể bùng lên thành đại dịch đáng sợ hơn Covid-19
Các chuyên gia cảnh báo virus Nipah gây sưng phù não có tỷ lệ tử vong 75% có thể gây ra đại dịch tiếp theo.
Các chuyên gia cho biết virus Nipah, gây sưng não, là một trong số các loại virus có thể gây ra một đại dịch khác. Cảnh báo được đưa ra khi Covid-19 đã giết chết hơn hai triệu người trên thế giới.
Tiến sĩ Rebecca Dutch, chủ nhiệm khoa Hóa sinh phân tử và tế bào của Đại học Kentucky cảnh báo: “Virus Nipah là một trong những loại virus hoàn toàn có thể gây ra một đại dịch mới. Một số điều về Nipah rất đáng quan ngại. Nhiều loại virus khác trong họ này có khả năng lây truyền tốt giữa người với người, vì vậy có thể lo ngại rằng một biến thể của virus Nipah có khả năng lây truyền ngày càng tăng. Tỷ lệ tử vong đối với loại virus này là từ 45%-75% tùy thuộc vào đợt bùng phát - vì vậy tỷ lệ tử vong này cao hơn nhiều so với Covid-19. Nipah đã được chứng minh là có thể lây truyền qua thức ăn, cũng như khi tiếp xúc với chất bài tiết của người hoặc động vật".
Tỷ lệ tử vong khi mắc virus Nipah có thể lên tới 75%
Tiến sĩ Jonathan Epstein, Phó Chủ tịch phụ trách khoa học và tiếp cận cộng đồng tại EcoHealth Alliance chia sẻ thêm rằng: “Chúng tôi biết rất ít về sự đa dạng di truyền của các loại virus liên quan đến Nipah ở dơi, và điều chúng tôi không muốn xảy ra là một chủng loài xuất hiện dễ lây truyền hơn giữa con người. Cho đến nay, Nipah lây lan khi tiếp xúc gần với người bị bệnh, đặc biệt là người bị bệnh đường hô hấp qua các giọt dịch tiết, nhưng chúng tôi thường không thấy các chuỗi lây truyền lớn".
"Đây là một loại virus lây truyền từ động vật và chúng ta phải thực sự nỗ lực ngay bây giờ để nghiên cứu những trường hợp lây bệnh ở người và cố gắng giảm thiểu cơ hội lây lan, để nó không bao giờ có cơ hội thích nghi với con người", ông Epstein nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Melanie Saville, giám đốc nghiên cứu và phát triển vắc-xin tại Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Sẵn sàng Dịch bệnh (CEPI), cảnh báo thế giới cần sẵn sàng cho một "cuộc chiến lớn" tiếp theo.
Virus Nipah cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách các mầm bệnh cần được nghiên cứu và phát triển khẩn cấp.
Theo Dân Việt