Đó là nam bệnh nhân 60 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2, là ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng.
Chiều 19/2, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19 (Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế), PGS. TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã cùng GS.TS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng; GS.TS Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam cùng các thành viên Tiểu ban điều trị đã hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng trên toàn quốc. Buổi hội chẩn kết nối đến tất cả các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tại buổi hội chẩn, Tiểu ban Điều trị đã cùng hội chẩn về các trường hợp bệnh nhân nặng đang điều trị tại BV dã chiến số 2 (Hải Dương); BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 và BV Phổi Đà Nẵng.
Về trường hợp bệnh nhân nam 60 tuổi đang điều trị tại BV dã chiến số 2, báo cáo của bác sĩ điều trị tại điểm cầu BV dã chiến số 2 cho biết, bệnh nhân là ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng.
Các chuyên gia trong buổi hội chẩn
Bệnh nhân là trường hợp F2 (F1 cách ly tập trung đã âm tính 3 lần); tự cách ly tại nhà; từ mùng 1 tết có sốt; mùng 3 đi khám tại TTYT thị xã Kinh Môn và về uống thuốc tại nhà. Ngày 17/2, bệnh nhân sốt cao kèm khó thở, bệnh nhân đã vào TTYT Kinh Môn làm xét nghiệm COVID-19 và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trưa ngày 18/2, bệnh nhân được sang điều trị tại BV ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Diễn tiến lâm sàng của bệnh nhân rất nhanh, đến trưa ngày 19/2, bệnh nhân chuyển vào ICU, phải thở máy xâm nhập, tiên lượng tình trạng rất nặng.
Chuyên gia điều trị ở các điểm cầu đã bàn thảo về phương án điều trị, sử dụng thuốc... của bệnh nhân. Các chuyên gia lưu ý về dùng thuốc giãn cơ cho bệnh nhân. Có thể tiến hành thông khí, cho bệnh nhân nằm sấp, nếu không tiến triển hãy can thiệp ECMO. Đồng thời lưu ý về các vấn đề vi sinh, định lượng Cytokine, dùng thuốc chống đông, bổ sung kháng sinh...
Liên quan đến tình trạng thiếu máu của bệnh nhân này, chuyên gia huyết học của BV Bạch Mai cho hay, có thể bệnh nhân có bệnh nền, về tình trạng tiểu cầu quá cao, cần chạy lại vì có thể hồng cầu bé tan lẫn.
GS.TS Nguyễn Gia Bình đánh giá chiến lược điều trị của BV dã chiến số 2 đối với bệnh nhân đúng từ ban đầu.
BS Phạm Thế Thạch, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực- BV Bạch Mai tăng cường tại BV dã chiến số 2 Hải Dương, cho biết bệnh nhân 60 tuổi trên đây là ca mới chuyển vào ICU. Hiện BV Bạch Mai đã tăng cường thêm các thiết bị hệ thống ECMO (tim phổi ngoài màng cơ thể) cho BV dã chiến số 2.
Cùng với bệnh nhân này, tại Bệnh viện dã chiến số 2 cũng có 274 bệnh nhân COVID-19 khác đang điều trị, trong đó có 9 bệnh nhân điều trị tại khu vực ICU.
"Để tăng cường nhân lực điều trị cho Bệnh viện dã chiến số 2, ngày hôm qua tôi đã yêu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy điều máy xét nghiệm cytokine và người ra hỗ trợ Hải Dương, có thể chiều nay hoặc sáng mai sẽ đến Bệnh viện dã chiến số 2", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Ngoài ra, còn có 2 trường hợp nặng khác gồm bệnh nhân 1536 và 1823, cả hai đều đã được đặt ECMO. Hiện tiên lượng của hai bệnh nhân đều nguy kịch.
Bệnh nhân số 1823, 65 tuổi, có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 vào ngày 2/2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân số 1536, 79 tuổi, từ Mỹ quá cảnh Sân bay Incheon (Hàn Quốc), sau đó nhập cảnh sân bay Đà Nẵng ngày 13/ 1. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày 14/1.
Thông tin tại buổi hội chẩn cũng cho biết, tại BV dã chiến số 1 đang điều trị 196 bệnh nhân, trong đó có 126 bệnh nhân đã âm tính lần 1, 1 bệnh nhân âm tính lần 2; hơn 40 bệnh nhân tổn thương phổi, các bệnh nhân đều trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Còn BV Phổi Quảng Ninh đang điều trị cho 24 bệnh nhân F0, các bệnh nhân cắt sốt 5-6 ngày, có 6 bệnh nhân đã 2 lần âm tính, không bệnh nhân nào phải thở oxy.
Theo Dân Việt
Không phải Hà Nội, mũi tiêm thử nghiệm đầu tiên giai đoạn 2 vaccine Nano Covax sẽ thực hiện ở đâu?
Số lượng tình nguyện viên đăng ký nghiên cứu giai đoạn 2 đạt gần 1.000 người. Bộ Y tế mong muốn ngay đầu tuần tới có thể sàng lọc, chọn lựa người đủ tiêu chuẩn, đáp ứng cỡ mẫu của tiến độ giai đoạn 2.
Chiều 19/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp nghe Bộ Y tế báo cáo về tình hình, tiến độ sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh các đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 trong nước. Ảnh: VGP
Tại cuộc họp, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, trong giai đoạn 1 với cả 3 mức liều tiêm (25mcg-50mcg và 75mcg) trên 60 người tình nguyện tại Học viện Quân y (Hà Nội), vaccine Nano Covax của Công ty Nanogen có kết quả an toàn, không có biến cố bất lợi, nghiêm trọng nào. Đánh giá sơ bộ, vaccine có tính sinh miễn dịch tốt. Tuy nhiên, do thời gian ngắn, số lượng mẫu còn nhỏ, nên sự khác biệt giữa 3 mức liều chưa có số liệu chính thức.
Sáng 19/2, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã họp đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 để chuyển sang thử nghiệm giai đoạn 2.
TS Quang nhấn mạnh quan điểm phải đảm bảo quy trình khoa học, quá trình nghiên cứu an toàn tuyệt đối cho các đối tượng tham gia. Bên cạnh đó, những dữ liệu liên quan đến khoa học, đảm bảo hướng dẫn chung của thế giới, đặc biệt Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quy trình nghiên cứu và thực hành lâm sàng tốt.
"Những kết quả nghiên cứu không chỉ phục vụ cho việc sử dụng vaccine trong nước mà còn công bố cho quốc tế", ông Quang nhấn mạnh.
Sau giai đoạn 1 thử nghiệm, để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn khoảng 50% thời gian, TS Quang đề xuất không chỉ tổ chức triển khai nghiên cứu tại 1 điểm ở Học viện Quân y mà sẽ phối hợp với Viện Pasteur TP HCM cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế).
Đến nay, số lượng tình nguyện viên đăng ký nghiên cứu giai đoạn 2 đã đạt gần 1.000 người, trong đó có khoảng 400 tình nguyện viên đăng ký tại Học viện Quân y, hơn 500 người đăng ký tại Bến Lức, Long An. TS Quang mong muốn, ngay trong đầu tuần tới, có thể sàng lọc, chọn lựa người đủ tiêu chuẩn, đáp ứng cỡ mẫu của tiến độ giai đoạn 2.
Dự kiến, ngày 26/2, sẽ tổ chức tiêm mũi vaccine đầu tiên của giai đoạn 2 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Nếu đúng tiến độ, mũi thứ 2 sẽ tiêm vào cuối tháng 3, đến cuối tháng 4/2021 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2. Từ đó, giai đoạn 3 có thể bắt đầu trong đầu tháng 5/2021. Điều này sẽ thực hiện được nếu các dữ liệu nghiên cứu của giai đoạn 2 đáp ứng được yêu cầu liên quan đến tính an toàn, tính sinh miễn dịch.
Hội đồng của Bộ Y tế thống nhất giai đoạn 2 vẫn triển khai ở nhóm 3 liều (25-50 và 75mcg) để đảm bảo tính khoa học; đồng thời sẽ cộng thêm một nhóm người không tiêm vaccine để làm kết quả đối chứng, đánh giá hiệu quả, phân tích khoa học của vaccine.
Hai nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur TP HCM và Học viện Quân y cam kết, từ nay đến cuối tháng 4/2021 sẽ hoàn thiện toàn bộ nghiên cứu giai đoạn 2 để đến đầu tháng 5/2021 có dữ liệu nghiên cứu, làm cơ sở cho Hội đồng xem xét, có thể chuyển sang giai đoạn 3.
Giai đoạn 3 với cỡ mẫu khoảng từ 10.000 - 15.000 người tình nguyện tham gia, có thể mở rộng lựa chọn đối tượng tham gia để đảm bảo tính phổ rộng hay tính khoa học.
Với tiến độ triển khai như hiện nay, TS Quang hy vọng Việt Nam sẽ mất khoảng 4-5 tháng để kết thúc giai đoạn 3. Như vậy, so với tiến độ ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị, triển khai, rút ngắn một nửa thời gian nghiên cứu nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học.
Theo Gia đình và xã hội