Thứ rau này mọc nhiều ở bờ mương, có vị nhẩn đắng nhưng có thể làm thành nhiều món ăn hấp dẫn, lạ miệng và có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ.
Rau ngổ có phổ biến ở các miền quê của Việt Nam. Chúng có thể mọc ở trên cạn hay dưới nước. Trước đây, cây rau ngổ mọc hoang dại khắp nơi, nhiều nhất là ở các bờ mương, bờ ao. Mỗi khi có trận mưa trút xuống, cây rau ngổ lại phát triển mạnh, tốt um, nhưng hồi đó chúng không mang lại giá trị kinh tế, không ai mang ra mua bán ở chợ.
Theo tìm hiểu, cây rau ngổ có tên khoa học là Limnophila aromatica, thuộc họ Mã Đề. Bên trong thân rỗng, chiều dài thân trung bình khoảng 20-30cm. Thân cây có lông ở xung quanh, mùi thơm nhẹ đặc trưng. Lá có màu xanh nhạt, mọc đối nhau, bề mặt lá khá nhẵn, mép có răng cưa. Cây rau này có khả năng ra quả, quả có dạng hình trụ, bề mặt nhẵn, màu đen nhạt, bên trong chứa hạt.
Rau ngổ là thứ rau gia vị phổ biến tại các miền quê của Việt Nam
Rau ngổ là gia vị trong nhiều món ăn của người Việt như làm rau sống ăn kèm, nấu canh cá, om cùng món lươn. Ở miền Tây, rau ngổ trâu còn được sử dụng như một loại rau thông thường như đem xào tỏi, xào bò...
"Rau ngổ trâu có vị nhẩn đắng nhưng khi đem xào tỏi, xào bò lại vô cùng hấp dẫn khiến bất cứ ai ăn thử cũng bị mê hoặc. Trước đây món rau này chỉ xuất hiện trên mâm cơm dân dã của người dân địa phương, mấy năm nay chúng thành đặc sản. Nhiều người bất ngờ vì nghĩ rằng rau ngổ chỉ dùng làm gia vị chứ không làm món xào được", bạn Nguyên (ở An Giang) chia sẻ.
Ở miền Tây, rau ngổ trâu được sử dụng như một loại rau ăn thông thường, có thể đem xào bò, xào tỏi
Trên chợ mạng và các chợ truyền thống, rau ngổ được bán với giá tới 50.000 đồng/kg. Nhận thấy giá trị kinh tế, nhiều hộ dân đã mở rộng mô hình trồng để bán ra thị trường.
Không chỉ là món ăn ngon, rau ngổ còn có nhiều tác dụng với sức khoẻ. Trong rau ngổ có chứa 93% nước, 2,1% protid cùng các loại vitamin B, C, tinh dầu thơm và caroten.
Một số tác dụng của cây rau ngổ
- Hỗ trợ long đờm
Trong rau ngổ có chứa hoạt chất expectorant có khả năng làm dịu đi những cơn ho, khó thở, ho có đờm,... Tiêu thụ hai muỗng canh lá rau ngổ ngâm trong nước nóng có thể giúp bạn giảm đờm và sốt. Nước ép của rau ngổ cũng được sử dụng dưới dạng một loại thuốc làm mát để chữa viêm họng và sốt.
- Giảm căng thẳng
Rau ngổ có chứa một số hợp chất có xu hướng xoa dịu thần kinh và do đó cho phép bạn làm dịu mức độ căng thẳng. Lá rau ngổ còn được biết đến với hương thơm sảng khoái tuyệt vời. Bạn có thể vò nát những chiếc lá này để ngửi hương thơm sảng khoái của chúng, điều này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng cho cơ thể và tinh thần.
- Ngăn ngừa nguy cơ ung thư
Trong rau ngổ chứa một số hoạt chất có đặc tính sinh học cao, có thể ngăn ngừa sự phát triển của những khối u, tế bào gây ung thư, các gốc tự do nguy hiểm,...
- Điều trị sỏi thận, sỏi túi mật
Nhờ tác dụng lợi tiểu, rau ngổ sẽ giúp đào thải các viên sỏi thận bé li ti ra khỏi cơ thể một cách tự nhiên, thông qua hệ bài tiết.
- Hỗ trợ chữa gan nhiễm mỡ
Rau ngổ có khả năng làm giảm đi sự tích tụ chất béo dư thừa trong cơ thể, đặc biệt là trong gan. Vậy nên lá gan của bạn sẽ không bị nhiễm mỡ thừa và khiến bạn mắc một số bệnh nguy hại đến sức khỏe.
Những lưu ý khi sử dụng rau ngổ
+ Phụ nữ mang thai không nên ăn
Do rau ngổ có thể làm giãn cơ ngũ tạng nên phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều loại rau này để tránh sảy thai.
+ Dễ gây ngộ độc
Rau ngổ có rất nhiều lông mọc ở phần thân, những sợi lông này trong quá trình ở ngoài tự nhiên đã tích tụ nhiều vi khuẩn, chất bẩn. Vậy nên nếu như bạn không rửa thật sạch loại rau này với nước muối trước khi ăn, nguy cơ ngộ độc, buồn nôn là có thể xảy ra khi bạn ăn quá nhiều rau.
+ Gây rối loạn tiêu hóa
Bất kỳ loại rau nào cũng đều chứa hàm lượng chất xơ nhất định. Nếu ăn vừa đủ thì sẽ có lợi cho đường ruột, tuy nhiên nếu như ăn quá nhiều rau ngổ sẽ gây ra ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, khiến bạn bị đầy bụng, khó tiêu, thậm chí rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng rau ngổ cần quan sát các dấu hiệu của cơ thể, nếu phát hiện có hiện tượng khó chịu hay bất thường cần đến khám bác sĩ ngay để có hướng xử trí an toàn.