Cây này tuy có vị đắng nhưng từ xưa đã được bà con ở các miền quê sử dụng như một loại rau ăn, vừa lạ miệng vừa tốt cho sức khỏe.
Các loại cây cỏ mọc quanh vườn nhà, hay bờ ao, bờ mương và các bãi đất trống tưởng không ăn được nhưng thực chất lại rất ngon và còn có tác dụng đối với sức khỏe. Trong số đó phải kể tới rau đắng đất.
Nghe thấy tên đã biết loại rau này rất đắng. Chúng còn có tên gọi khác là rau xương cá, rau càng tôm, tên khoa học là Glinus oppositifolius (L.) A. DC. Syn. Ngoài Việt Nam, cây đắng đất còn được tìm thấy ở vùng nhiệt đới châu Á, từ Ấn Độ đến Malaysia.
Theo tìm hiểu, cây rau đắng đất có khả năng phân nhánh khỏe, thường mọc thành từng đám dày đặc ở những bãi đất trống, ven đường, ven ao hồ hay bờ mương. Cây này khá giống rau sam nhưng là và thân nhỏ hơn.
Rau đắng đất mọc hoang dại ở khắp nơi
Trước đây, người dân ở một số địa phương đã hái rau đắng đất về sử dụng như một loại rau ăn. Theo đó, rau đắng đất được dùng nấu với canh cá đồng, cua đồng, luộc chấm mắm cá, xào...
"Mình nhớ nhất là món rau đắng đất nấu canh cá hủn hỉn, lúc đầu ăn sẽ thấy có vị rất đắng nhưng khi ăn quen lại cảm nhận được vị ngọt hậu. Mẹ mình dặn khi nấu rau đắng không được để chín kỹ vì rau sẽ bị dai và tăng thêm vị đắng.
Ngoài ra, món cháo cá lóc ăn kèm rau đắng cũng là đặc sản nổi tiếng ở miền Tây. Bây giờ nhiều nhà hàng, quán ăn đưa món này vào thực đơn để phục vụ du khách gần xa", bạn Hà (ở An Giang) kể.
Từ món rau dân dã ở các miền quê, giờ đây rau đắng đã lên đời thành đặc sản. Trên chợ mạng có vài địa chỉ rao bán rau đắng đất với giá khoảng 60.000 đồng/kg. Đây là rau mọc trong tự nhiên, ít ai trồng đại trà để bán nên số lượng không nhiều.
Không chỉ là một loại rau lạ miệng, rau đắng đất còn có nhiều tác dụng với sức khỏe. Trong rau đắng đất có chứa 0.35% hoạt chất tanin, catotin, ancaloit đường, ngoài ra còn có vitamin C và một số dưỡng chất khác cần thiết cho cơ thể.
Cháo cá lóc rau đắng là món đặc sản ở miền Tây
Theo Y học cổ truyền Việt Nam, cây rau đắng đất có tác dụng tiêu viêm, sát trùng, giải độc, lợi tiểu; dùng để điều trị các chứng bệnh về đường tiêu hóa như táo bón, kiết lỵ hoặc bệnh đường tiết niệu như đi tiểu buốt rắt, viêm bàng quang, sỏi thận, viêm thận gây phù nề.
Trong đời sống hằng ngày, rau đắng được dùng làm thuốc hạ sốt, chữa bệnh về gan, vàng da… Ở Ấn Độ, chúng còn được dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, nhuận tràng và điều trị ứ sản dịch.
Một số bài thuốc từ rau đắng
- Rau đắng trị đau răng: Cây rau đắng rửa sạch, sắc nước uống ngày 2 lần. Dùng khoảng 2-3 ngày sẽ thấy có hiệu quả.
- Rau đắng trị nhiệt miệng: Rửa sạch một nắm rau đắng rồi giã lấy nước cốt. Ngậm nước cốt đó trong miệng vài phút rồi nuốt từng chút một. Với trẻ em, các bé không chịu được đắng thì có thể lấy đầu tăm bông thấm nước cốt cây rau đắng rồi chấm lên vết loét cho bé.
- Rau đắng trị tiểu tiện ít, bí tiểu: Rau đắng 16g, xa tiền tử, mộc thông, tỳ giải, mỗi vị 12g, sơn chi tử 8g, sắc uống, ngày một thang.
Rau đắng đất có nhiều tác dụng với sức khỏe.
- Rau đắng trị tiểu tiện rắt, buốt: Rễ rau đắng, hạt ké vông vang, nhân trần, mộc thông, xa tiền tử, lá tre, mỗi vị 8g, đăng tâm thảo, thông thảo, mỗi vị 3g, sắc uống, ngày một thang.
Ngoài việc dùng cây rau đắng chữa tiểu buốt, tiểu rắt, người bệnh cần chú ý tới vấn đề dinh dưỡng để có thể nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh.
- Rau đắng trị viêm bàng quang cấp tính: Rau đắng 12g, tỳ giải, bồ công anh, mỗi vị 20g, sài hồ, hoàng cầm, hoạt thạch, cù mạch, mỗi vị 12g, mộc thông 6g. Nếu có triệu chứng đi tiểu ra máu, thêm sinh địa, chi tử (sao đen), bạch mao căn (sao đen), mỗi vị 12g.
- Rau đắng trị giun đũa ở trẻ em: Lấy rau đắng tươi 100g, sắc uống, ngày một lần.
- Rau đắng trị ngứa hậu môn, phụ nữ ngứa âm đạo: Lấy khoảng 200g rau đắng tươi, sắc lấy nước rửa, ngày 1 đến 2 lần. Làm nhiều lần sẽ có kết quả tốt.
- Rau đắng trị mụn nhọt, quai bị sưng tấy: Lấy rau đắng tươi rửa sạch, thêm chút muối ăn giã nát, ngày đắp nhiều lần.
Lưu ý khi sử dụng rau đắng
Phụ nữ mang thai cần cẩn trọng khi sử dụng rau đắng. Một số thí nghiệm trên chuột cho thấy, các chất trong rau đắng có thể gây co bóp tử cung, tăng thời gian đông máu làm tăng nguy cơ xuất huyết.
Rau đắng rất tốt với người bị táo bón nhưng ngược lại, với người không có vấn đề gì về tiêu hóa hoặc bụng dạ yếu sẽ dễ bị tiêu chảy khi ăn rau đắng.
Những bài thuốc chữa bệnh từ rau đắng chỉ mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.