Do tập gym quá sức, nam thanh niên quê Phú Thọ đã bị liệt 2 chân, đại tiện không tự chủ phải nhập viện cấp cứu khẩn cấp, nguy cơ bị liệt suốt đời.
Bác sĩ Lã Quang Thịnh, Phó trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Hùng Vương - Phú Thọ) cho biết, khoa mới tiếp nhận nam thanh niên 18 tuổi nhập viện trong tình trạng liệt vận động hai chân, đại tiểu tiện không tự chủ, tê bì từ ngực trở xuống.
Theo chia sẻ của gia đình, thanh niên này gần đây hay đi tập gym và trước khi nhập viện cũng vừa đi tập về. Các bác sĩ nhận định, đây là trường hợp khá hiếm gặp, có thể bị chấn thương do tập gym quá sức, sai tư thế.
Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống ngực cho thấy bệnh nhân có khối máu tụ chén ép tủy. Bệnh nhân đã được bác sĩ hội chẩn và phẫu thuật mở cung sau đốt sống D3D4 giải ép, cố định cột sống. Rất may, bệnh nhân đã đến viện sớm và được phẫu thuật kịp thời. Theo bác sĩ Thịnh, nếu tủy sống bị chèn ép, bệnh nhân có nguy cơ bị liệt hai chi dưới phải ngồi xe lăn suốt đời. Sau mổ, bệnh nhân diễn biến ổn định, phục hồi tốt, đã tự đi lại được với khung tập đi, đại tiểu tiện bình thường.
Thanh niên nhập viện vì liệt 2 chân sau tập gym. Ảnh: BVCC.
Các bác sĩ khuyến cáo, đối với những người tập luyện thể thao, nhất là với cường độ cao và nặng thì cần cẩn trọng, tốt nhất nên có huấn luyện viên được cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn, hướng dẫn. Việc tự tập sẽ rất dễ bị chấn thường, bởi tập nặng, cường độ cao các cơ, xương sẽ bị dồn ép nhiều. Đặc biệt, những người mới tham gia tập gym, kể cả những người thể trạng siêu khỏe, có thể gặp rủi ro khi tập luyện nếu cường độ hoạt động vượt quá mức chịu đựng của cơ thể và không lắng nghe cơ thể.
(Nguồn: Người đưa tin)
Thanh niên Hà Nội đau đầu dữ dội, nhập viện nguy kịch vì mắc căn bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi
BSCK II Đào Văn Cao - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết, các bác sĩ vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho một nam thanh niên ở Hà Nội mắc bệnh viêm màng não nhiễm khuẩn do vi khuẩn Haemophilus Influenza (viết tắt là HI) gây ra. Đây là bệnh hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhưng nó cũng có thể tấn công người lớn và gây ra những hậu quả nguy hiểm, điều trị phức tạp, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Người bệnh ban đầu được đưa vào khoa Cấp cứu vì sốt cao, đau đầu, đau vùng gáy… Qua thăm khám và xét nghiệm, nghi ngờ đây là một trường hợp viêm màng não, các bác sĩ quyết định chọc dịch não tủy, phát hiện dịch não tủy bị đục - một dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán bệnh.
Theo người nhà bệnh nhân, trước đó, bệnh nhân sốt cao, đau họng, chảy nước mũi, đi khám thì được chẩn đoán viêm đường hô hấp, mua thuốc về nhà uống nhưng không đỡ. Đến ngày thứ 3 sau khi có triệu chứng, người bệnh xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội, sốt cao liên tục kèm buồn nôn và được gia đình đưa vào Bệnh viện E cấp cứu.
Bệnh nhân được chọc dịch não tủy để xét nghiệm chẩn đoán bệnh.
“Sau khi xác định căn nguyên gây bệnh, các bác sĩ đã điều trị kháng sinh kịp thời, điều chỉnh theo kháng sinh đồ cho người bệnh. Chỉ sau 3 ngày bệnh nhân đã hết sốt và sau 5 ngày thì hết đau đầu. Sức khỏe người bệnh đã dần ổn định sau 14 ngày điều trị”, bác sĩ Cao chia sẻ.
Theo bác sĩ Cao, viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng cấp tính của màng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như virus, vi khuẩn... Do vậy, việc chọc dịch não tủy là cần thiết để giúp các bác sĩ chẩn đoán và định danh chính xác nguyên nhân gây bệnh nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Người lớn mắc bệnh này tùy theo từng nguyên nhân và cơ địa mà mức độ biểu hiện và nguy hiểm khác nhau. Người bệnh nặng có thể xuất hiện lú lẫn, mê sảng hoặc kích thích, co giật thậm chí rơi vào trạng thái nguy kịch. Bệnh làm tổn thương hệ thần kinh, biến chứng viêm não, áp xe não, thậm chí gây nguy cơ tử vong hay di chứng như điếc, động kinh...
“Đối với trường hợp này, việc điều trị không đơn giản, bởi người bệnh đã có tiền sử viêm màng não cách đây 3 năm và không xác định được căn nguyên gây bệnh. Thêm nữa người bệnh mắc bệnh lý viêm xoang mãn tính (từ năm 13 tuổi) là yếu tố nguy cơ khiến các vi khuẩn này có thể từ vị trí tai mũi họng, xoang đi theo đường kế cận vào màng não hoặc đi theo đường máu… Do đó, những người có các bệnh lý nền như tổn thương ở tai, viêm xoang, chấn thương sọ não, suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao với nhiều biến chứng phức tạp”, bác sĩ Cao cảnh báo.
Hiện bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Viêm màng nào có thể xảy ra với bất kể đối tượng nào. Người lớn bị viêm màng não thường có triệu chứng điển hình hơn, song đôi khi khó chẩn đoán do dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Ngoài ra, người bệnh có thể tái nhiễm bệnh bất kỳ lúc nào có điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Mặc dù đây là bệnh có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh nhưng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn cũng là một khó khăn trong cuộc chiến với bệnh lý này.
Theo các chuyên gia truyền nhiễm, cách phòng bệnh viêm màng não nhiễm khuẩn do HI quan trọng nhất là tiêm phòng vắc xin. Theo khuyến cáo, tất cả trẻ em đều cần được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh do Hib gây ra từ lúc 2 tháng tuổi. Đối với người bệnh có tiền sử mắc viêm màng não nhiễm khuẩn hoặc có các bệnh lý nền dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao thì người bệnh cần chú ý đến các triệu chứng bất thường như sốt cao, đi kèm với cơn đau đầu, ù tai, đau vùng gáy và lan đến khớp bả vai, sợ ánh sáng, nôn vọt, co giật... hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa bệnh nhiệt đới để kiểm tra, phát hiện bệnh. Khi xác định rõ nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của người bệnh, các bác sĩ sẽ có định hướng điều trị hiệu quả nhất.