Thời điểm này là mùa của quả thanh mai, thanh mai chua chua ngọt ngọt được rất nhiều người ưa thích, nhưng rất ít người biết rằng, thanh mai cũng có thể gây dị ứng.
Tiểu Lý 25 tuổi đến từ Ngân Châu, Ninh Ba, Trung Quốc, vừa trải qua một ngày khó tin trong cuộc đời sau khi ăn 3 quả thanh mai. Tiểu Lý, người đang nằm trong phòng bệnh của Bệnh viện phía Đông Lý Tuệ Lợi thuộc Trung tâm y tế thành phố Ninh Ba nói trong nỗi sợ hãi: “Thật sự rất nguy hiểm, tôi đã nghĩ mình sắp chết, cổ họng sưng, cảm thấy bị cái gì đó bị mắc kẹt trong họng, tôi không thể nói bất cứ điều gì…”. Bác sĩ Hồ thuộc Khoa Cấp cứu nói: “Bệnh nhân bị dị ứng với quả thanh mai”.
Tiểu Lý phải vào viện cấp cứu sau khi ăn quả thanh mai
Buổi trưa ngày 3/6, Tiểu Lý trước khi đến phòng làm việc đã ăn ở nhà 3 quả thanh mai. Sau một lúc, anh phát hiện toàn thân mình bị nổi mẩn đỏ trên da và rất ngứa, có thể là dị ứng thanh mai, Tiểu Lý vội vàng đến Bệnh viện phía bắc Lý Tuệ Lợi và được bác sĩ Thái Bảo Tường, trưởng Khoa Da liễu trực tiếp thăm khám. Bác sĩ thấy tình trạng của Tiểu Lý tương đối nặng, lập tức kê thuốc cho anh, chuẩn bị điều trị truyền dịch. Khi đang xếp hàng lấy thuốc, Tiểu Lý đột nhiên khó thở, ý thức mơ hồ, sau đó được nhân viên y tế vội vàng đưa đến phòng cấp cứu.
Khi đến phòng cấp cứu, da toàn thân của Tiểu Lý phát đỏ, phát âm khó khăn, rõ ràng là bị phù thanh quản. Tại khoa cấp cứu, bác sĩ Hồ Ân Thông đã ngay lập tức đưa ra các phương pháp điều trị chống sốc và chống dị ứng và thông báo khẩn cấp đến Khoa tai mũi họng để chuẩn bị phẫu thuật mở khí quản. May mắn thay, sau khi sử dụng thuốc, Tiểu Lý đã dần dần hồi phục ý thức, nhưng yết hầu bị sưng, nên việc nói chuyện tương đối khó khăn.
Tiểu Lý bị dị ứng với quả thanh mai
Sau nửa ngày điều trị, tình trạng khó thở của Tiểu Lý được cải thiện, phát ban giảm dần và tình trạng bắt đầu ổn định. Sau khi kết thúc công việc, bác sĩ Thái Bảo Tường đến phòng cấp cứu thăm bệnh nhân. Sau khi hỏi tỉ mỉ về lịch sử bệnh, được biết cách đây 2 tháng, Tiểu Lý đã từng ăn quả thanh mai khô và bị dị ứng. Khi đó, bác sĩ đã căn dặn Tiểu Lý về sau không được ăn thanh mai hoặc các sản phẩm từ thanh mai, nhưng anh đã không nhớ.
Tiểu Lý nói: “Sau này tôi không dám ăn thanh mai nữa, thật sự quá sợ hãi…”. Tình trạng của Tiểu Lý đã có chuyển biến tốt, nhưng vẫn còn chưa qua thời kỳ cấp tính, bác sĩ kiến nghị anh ở lại Khoa cấp cứu một ngày để theo dõi, sau đó đến Khoa Da liễu để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Thái Bảo Tường cho biết, bình thường mà nói, ăn quả thanh mai rất ít người bị dị ứng, nhưng có bị dị ứng hay không còn phải xem thể chất từng người. Có những người bị dị ứng hải sản, tôm cua,… bởi nó có hàm lượng protein cao, dễ gây phản ứng hơn. Một số người châu Âu và người Mỹ dễ bị dị ứng với các loại hạt như đậu phộng, thường gây sốc phản vệ. Do đó, việc ăn thanh mai có dị ứng hay không cơ bản phải thử mới biết.
Bác sĩ cảnh báo nếu dị ứng với quả thanh mai, tốt nhất không nên ăn lần thứ 2, tránh tình trạng nguy hiểm
Bác sĩ nhắc nhở: Nếu biết bản thân bị dị ứng với một số loại thực phẩm nhất định, cố gắng không thử lại lần thứ hai, không nên cho rằng một thời gian dài sẽ không xảy ra vấn đề, khi ăn lại lần nữa tình trạng dị ứng càng nghiêm trọng hơn và thậm chí có thể gây tử vong. Đối với những thực phẩm dị ứng, chỉ cần ăn một chút cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Điều quan trọng, một khi dị ứng đã xảy ra, nếu phát âm bất thường, khó thở, cần phải nhanh chóng đến khoa cấp cứ để xử lý trước tiên rồi mới đến chuyên khoa khác để tiếp tục điều trị. Vào mùa hè quả thanh mai rất phổ biến, nó có thành phần dinh dưỡng phong phú, hương vị thơm ngon. Hiện tại, thanh mai đang được bán với số lượng lớn trên thị trường, tuy nhiên nếu bạn dị ứng với thanh mai, nhất định không được ăn.