Khi đi tắm ở các ao hồ, bể bơi nếu không có những đồ dùng bảo hộ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Viêm "vùng kín" vì mặc đồ ướt quá lâu
Do ảnh hưởng vùng áp thấp nóng phía Tây, miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm gây không ít khó khăn trong sinh hoạt đối với người dân. Để đối phó lại với thời tiết như hiện nay rất nhiều người tìm đến các bể bơi vào các buổi chiều để “giải nhiệt”.
Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, tại công viên nước Hồ Tây, một số bể bơi trong khu vực nội thành luôn đông nghẹt người mỗi buổi chiều về. Thậm chí, nhiều người dân còn chọn Hồ Tây, Hồ Linh Đàm… làm nơi tắm mát trong những ngày nắng nóng.
Việc người dân tìm mọi cách giải nhiệt trong điều kiện thời tiết như hiện nay là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên nếu không có phương pháp bảo vệ cơ thể, đi tắm không có đồ bảo hộ hoặc tắm ở những nơi nguồn nước không đủ điều kiện tiêu chuẩn sẽ gây hệ lụy rất lớn đối với sức khỏe.
Khi tắm ở nơi có nguồn nước không đảm bảo đặc biệt là các sông, hồ sẽ rất dễ mắc các bệnh phụ khoa, da liễu.
Các chuyên gia cho biết, nếu tắm ở nơi có nguồn nước không đảm bảo, không trang bị đồ bảo hộ sẽ rất dễ mắc các bệnh da liễu, viêm nhiễm phụ khoa, viêm tai giữa, bệnh về mắt…
BS Lê Thị Kim Dung (Khoa Sản, Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà) cho biết, viêm âm đạo có thể là do chất lượng nước hồ bơi, cũng có thể do nhiễm nấm có ở hồ bơi hoặc ở quần áo bơi (được thuê tại bể). Chính vì thế, BS Dung khuyên, chị em không nên mặc đồ ướt quá lâu sau khi bơi xong.
Đặc biệt, sau khi bơi xong cần đi vệ sinh, rửa âm đạo bằng nước sạch. Lưu ý khi rửa không nên thụt quá sâu vào trong, vì như vậy sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn vào sâu hệ thống sinh sản.
Ngoài ra, khi người phụ nữ đi bơi về thấy có biểu hiện ngứa rát âm đạo, âm hộ, tiểu rát, ra nhiều khí hư sền sệt màu trắng đục như sữa và có mùi chua, cảm thấy đau ở hai hố chậu… thì cần phải đến các cơ sở y tế để kiểm tra, sớm có phương pháp điều trị thích hợp.
Khi tắm ở hồ bơi chị em cũng cần phải chọn nơi đảm bảo có điều kiện vệ sinh sạch sẽ.
Chủ quan có thể gây điếc tai khi đi bơi
Đối với các bệnh da liễu, TS.BS Phạm Thị Minh Phương (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, trong quá trình thăm khám BS Phương đã gặp không ít trường hợp đi bơi mắc bệnh phải đến viện điều trị. Nguyên nhân bắt nguồn từ nước bể bơi không sạch hoặc là do dị ứng từ các loại hóa chất có trong nước, điển hình như hóa chất chlorine.
Để phòng bệnh khi đi tắm ở bể bơi TS Phương cho rằng, mọi người nên chọn bể bơi có mật độ người đến tắm thấp, nhằm giảm sự lây nhiễm. Ngoài ra, cần chọn các bể bơi có nơi tắm dội trước và sau bơi và bể bơi đó phải thường xuyên được kiểm tra, thay nước…
Một căn bệnh cũng rất hay gặp khi đi bơi đó là viêm tai ngoài, nguyên nhân là do khi bơi ngụp lặn trong môi trường nước, dù nước sạch hay bẩn cũng có nhiều vi khuẩn xâm nhập vào tai.
Các chuyên gia khuyến cáo khi đi bơi cần phải trang bị đồ bảo hộ như quần áo bơi, bịt mắt, nút tai.
Không chỉ viêm tai ngoài, nhiều người còn bị viêm tai giữa khi đi tắm vì nước ứ đọng trong tai không được cho ra ngoài. Bệnh viêm tai giữa nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng màng nhĩ, viêm xương chũng mãn tính, hoặc có thể dẫn đến bị điếc.
Theo các chuyên gia, viêm tai do đi bơi có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng trẻ nhỏ chiếm tỷ lệ cao nhất. Nguyên nhân là do trẻ chưa có ý thức tự bảo vệ khi bơi, khi trẻ bị nước vào tai thường làm mọi cách để đưa nước ra, thậm chí cho cả những đồ dùng mất vệ sinh vào ngoáy tai, điều đó sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại vào tai khu trú và gây bệnh.
Để đề phòng các bệnh có thể mắc phải khi đi bơi, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên bơi ở các sông hồ, mà nên chọn bể bơi đảm bảo chất lượng về vệ sinh môi trường, cũng như vệ sinh nguồn nước. Ngoài ra, khi đi bơi cần phải có các đồ bảo hộ cần thiết như kính mắt, nút tai, quần áo chuẩn bị sẵn để thay ngay sau khi bơi. Hơn nữa trước và sau khi bơi cần phải tắm tráng người để tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.