Trong những ngày thời tiết nắng nóng như hiện nay, chỉ một sai lầm đến từ các bậc phụ huynh cũng khiến trẻ có nguy cơ phải nhập viện, thậm chí là tử vong.
PGS.TS Võ Thanh Quang – nguyên GĐ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, qua thực tế khám chữa bệnh ông đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ đến khám và nhập viện xuất phát từ những thói quen trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.
Dưới đây là một số thói quen thường gặp trong mùa nắng nóng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ:
- Ăn uống đồ quá lạnh: Thói quen ăn uống đồ lạnh của trẻ trong những ngày hè diễn ra rất phổ biến. Điển hình là việc nhiều trẻ khi vừa đi học về hoặc khi mới hoạt động ngoài trời nắng nóng về đã uống ngay nước đá hoặc nước ngọt có ga để lạnh.
Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh còn chiều con bằng cách vừa đi ngoài trời nắng về đã cho ăn ngay sữa chua, kem lạnh… để giải tỏa cơ thể khỏi sự nắng nóng. Việc làm này có thể sẽ giải quyết được nhu cầu ngay trước mắt, nhưng có thể để lại những hệ lụy khủng khiếp đối với sức khỏe của trẻ, thường gặp nhất là tình trạng viêm họng cấp.
“Tôi đã gặp một trường hợp bé gái đang học tiểu học, vừa đi học về dưới thời tiết nắng nóng, người lớn lấy sữa chua trong tủ lạnh ăn luôn, hậu quả buổi tối cháu bị ốm. Khi đưa con đến viện, qua thăm chúng tôi thấy họng cháu đã bị viêm đỏ rực và phải kê đơn thuốc điều trị”, PGS Quang chia sẻ.
Tình trạng trẻ nhập viện do viêm mũi họng trong những ngày hè gia tăng.
Từ trường hợp trên PGS Quang khuyên các bậc phụ huynh khi đưa trẻ đi ngoài trời nắng nóng về cần cho trẻ nghỉ ngơi để ổn định thân nhiệt, trước khi cho dùng đồ ăn hoặc đồ uống trong tủ lạnh cần để ra ngoài trước để bớt hơi lạnh, chứ không nên cho trẻ ăn trực tiếp.
- Bật điều hòa quá lạnh: Đây là sai lầm thường gặp nhất của các bậc phụ huynh trong những ngày nắng nóng. Theo đó, nhiều gia đình ở trong nhà bật điều hòa ở nhiệt độ rất thấp, thậm chí chênh lệch so với nhiệt độ ngoài trời lên đến 15 độ C.
Tuy nhiên, khi tắt điều hòa lại cho trẻ ra ngoài chơi ngay, điều này sẽ khiến trẻ không kịp thích ứng với nhiệt độ ngoài trời dễ dẫn đến tình trạng viêm họng, viêm đường hô hấp cấp, thậm chí là liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.
Bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp so với nhiệt độ ngoài trời dễ khiến trẻ bị ốm.
Để tránh tình trạng này, phụ huynh không nên điều chỉnh nhiệt độ điều hòa quá thấp so với ngoài trời mà nên để nhiệt độ chênh lệch từ 5-7 độ C. Khi vừa ở trong điều hòa không nên ra ngoài trời ngay, nên tắt điều hòa trước ít nhất 15 phút để cơ thể tích ứng dần dần. Đặc biệt, khi ngủ không nên để điều hòa phả thẳng vào mặt.
- Bật điều hòa nằm ngủ trong ô tô: Theo PGS Võ Thanh Quang thói quen này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng bị ảnh hưởng. Thực tế, ở Việt Nam đã từng có những trường hợp đột tử bị sốc nhiệt khi bật điều hòa ngủ trong ô tô.
Không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn bật điều hòa ngủ trong ô tô khi nắng nóng cũng dễ bị đột tử.
Theo đó, tình trạng sốc nhiệt ở ô tô nguy hiểm hơn nhiều so với sốc nhiệt khi từ phòng điều hòa ra ngoài trời vì không gian bên trong xe vốn dĩ có thêm khá nhiều CO2. Thông thường, mọi người thường có thói quen để điều hòa chiếu thẳng vào người khi ngồi trên ô tô.
Để tránh tình trạng sốc nhiệt khi ở trong ô tô những ngày nắng nóng, tuyệt đối không bật điều hòa và nằm ngủ trong xe ô tô. Khi bắt đầu khởi động xe cần mở cửa kính để khí nóng lưu thông bớt ra ngoài, sau đó đóng cửa kính mới bật điều hòa. Khi ngồi trên ô tô, không nên để điều hòa phả thẳng vào mặt.