Chỉ thay đổi 1 món ăn sáng, người phụ nữ giảm 7kg sau nửa năm, gan nhiễm mỡ cũng hoàn toàn biến mất

MINH MINH - Ngày 24/08/2024 09:30 AM (GMT+7)

Một phụ nữ 70 tuổi đã giảm 7kg trong nửa năm, thậm chí cả gan nhiễm mỡ của bà cũng biến mất, tất cả là nhờ việc thay đổi món ăn sáng.

Một phụ nữ 70 tuổi ban đầu bị gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ nhưng sau ngày càng trầm trọng hơn. Sau đó, bà được chuyển đến Phòng khám Gan mật và Tiêu hóa, Bệnh viện Trường Canh Lâm Khẩu, Đài Loan (Trung Quốc) để điều trị.

Tại đây, Tiền Chính Hồng - bác sĩ phẫu thuật đường tiêu hóa và gan mật đã hỏi bà cụ về thói quen ăn uống và biết được rằng bệnh nhân thường ăn bánh mì kẹp buổi sáng. Vì vậy, bác sĩ đã khuyên bà nên thay đổi món ăn sáng, chuyển từ tinh bột tinh chế sang các thực phẩm khác lành mạnh hơn.

Kết quả 6 tháng sau, nữ bệnh nhân không chỉ giảm được 7kg mà gan nhiễm mỡ cũng biến mất. Sau khi tìm hiểu, bác sĩ Tiền Chính Hồng biết rằng bà đã ngừng ăn bánh mì vào bữa sáng và thay bằng bột yến mạch. Khác với nhiều người thêm sữa chua, sữa hay trái cây vào yến mạch để ăn, bà cụ sẽ nấu thành cháo, thêm ít thịt băm hoặc trứng và rau xanh để thưởng thức mỗi sáng. 

Bà cũng cho biết có thay đổi thói quen ăn uống trong bữa trưa và tối, nhưng bà cảm thấy bữa sáng mới là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cân nặng của bà. 

Người phụ nữ từ bỏ thói quen ăn bánh mì kẹp buổi sáng và chuyển sang yến mạch, rau xanh, không ngờ lại giúp bệnh gan nhiễm mỡ biến mất. (Ảnh minh họa)

Người phụ nữ từ bỏ thói quen ăn bánh mì kẹp buổi sáng và chuyển sang yến mạch, rau xanh, không ngờ lại giúp bệnh gan nhiễm mỡ biến mất. (Ảnh minh họa)

Nhiều người chắc hẳn sẽ thắc mắc tại sao người phụ nữ chuyển từ ăn bánh mì sang yến mạch lại có thể tác động lớn tới sức khỏe như vậy? Bác sĩ Tiền Chính Hồng cho biết trong quá trình khám chữa bệnh, ông thường nghe bệnh nhân thắc mắc: "Tại sao tôi không thể giảm cân dù ăn ít?". Lúc này, bác sĩ đều sẽ hỏi: "Buổi sáng, bạn thường ăn gì?". Câu trả lời của hầu hết bệnh nhân là bánh mì kẹp, họ có thể ăn 1-2 chiếc. 

Bác sĩ Tiền Chính Hồng giải thích bánh mì thường làm từ tinh bột tinh chế, và phần nhân bên trong các loại bánh mì kẹp thường gồm trứng cung cấp protein nhưng đồng thời cũng thêm nhiều loại thịt đã qua chế biến như giăm bông, ruốc, và chỉ có vài lát dưa chuột, nước sốt trộn salad, nói chung ít chất xơ, nhiều tinh bột và calo, thực sự không tốt cho sức khỏe.

Hơn nữa, có những loại bánh mì mềm được làm bằng cách nhào bột với dầu. Bánh mì càng mềm và ngon thì càng dùng nhiều dầu, bác sĩ gọi đó là tinh bột chứa dầu, không tốt cho sức khỏe.

Yến mạch là tinh bột chưa qua tinh chế, giàu chất xơ, giúp giảm cân tốt. (Ảnh minh họa)

Yến mạch là tinh bột chưa qua tinh chế, giàu chất xơ, giúp giảm cân tốt. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, món bột yến mạch dù cũng là tinh bột nhưng nó thuộc loại chưa tinh chế, gần giống với thực phẩm nguyên hạt như gạo lứt và giàu chất xơ. Sau khi ăn, lượng đường trong máu tăng chậm hơn và không dễ khiến người ta béo như gạo trắng và bánh mì.

Bác sĩ Tiền Chính Hồng gợi ý mọi người ngoài yến mạch có thể ăn trứng luộc, ức gà, bông cải xanh, khoai lang và các thực phẩm khác cho bữa sáng. Đồng thời tránh xa các món ăn nhiều chất béo, nhiều calo để kiểm soát hiệu quả cân nặng và tránh xa nguy cơ gan nhiễm mỡ.

Nếu bạn không có thời gian hoặc lười tự nấu ăn buổi sáng có thể ra các cửa hàng tiện lợi để mua cơm nắm cùng ức gà, trứng luộc, salad rau,... Một bệnh nhân cũ của bác sĩ từng làm như vậy và sau một thời gian, bệnh gan nhiễm mỡ của người đó cũng được cải thiện, cân nặng cũng giảm. 

Nhiều người cũng tò mò về việc bác sĩ ăn gì vào bữa sáng. Bác sĩ Tiền Chính Hồng tiết lộ rằng vì buổi sáng phải chuẩn bị đồ ăn cho các con nên trong thời gian có hạn, bác sĩ thường nấu trứng luộc ăn cùng bánh mì nguyên hạt. Nếu có thời gian, anh cũng sẽ ra ngoài ăn cơm thịt rau đầy đủ, nhưng cơ bản không ăn bánh mì buổi sáng.  

Theo MINH MINH (Dịch từ ETtoday)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chế độ ăn ảnh hưởng sức khỏe