Chỉ vì tiếc rẻ vài hạt lạc bị mốc và một gia đình đã bị hủy hoại, người vợ thì qua đời còn người cha phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt.
Vào tối ngày 17/8, một cặp vợ chồng ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang đã được gửi đến Bệnh viện Chữ thập đỏ. Vào lúc 15h23 ngày 18/8, người chồng được gửi đến phòng chăm sóc khẩn cấp của Bệnh viện số 1 thuộc Đại học Y khoa Chiết Giang, còn người vợ thì kém may mắn hơn đã qua đời.
Được biết nam bệnh nhân họ Hu, 44 tuổi đang điều hành một nhà hàng và một số doanh nghiệp khác. Tối ngày 17/8, anh Hu và vợ đột nhiên cảm thấy đau bụng dữ dội. Vì con trai lớn đi học xa ở Trịnh Châu, con thứ hai vẫn còn nhỏ nên vợ chồng anh phải gọi điện cho người cháu họ là Xiao Zhang tới đưa đi cấp cứu.
Người chồng phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt còn người vợ không qua khỏi khi đang trên đường tới bệnh viện.
Người cháu đã mau chóng tới và đưa vợ chồng anh Hu đến Bệnh viện Chữ thập đỏ Hàng Châu. Khi đến bệnh viện, ý thức của Hu vẫn còn rõ ràng. Anh nói với bác sĩ rằng tối ngày 16/8, vợ chồng anh có ăn lạc, thấy lạc có chút mốc nhưng vì tiếc nên cả hai vẫn ăn nhưng không ngờ ngày hôm sau lại bị đau bụng.
Vào lúc 19h03 tối, mặc dù ý thức của anh Hu vẫn tỉnh táo nhưng tình trạng thể chất vẫn chưa ổn định. Bác sĩ chỉ có thể đoán đó là ngộ độc thực phẩm, nhưng nguồn gây ngộ độc và loại virut không hoàn toàn chắc chắn, nên cần phải kiểm tra thêm. Điều đáng buồn nhất là người vợ của anh Hu đã không qua khỏi.
Ăn hạt lạc mốc có thể là nguyên nhân khiến cả hai vợ chồng nhập viện. (Ảnh minh họa)
Mặc dù nguyên nhân thực sự của ngộ độc vẫn chưa được xác nhận, nhưng các bác sĩ cũng nghi ngờ về việc ăn lạc mốc có thể là nguyên nhân. Trong lạc mốc có thể chứa aflatoxin, là một chất cực độc. Độc tính của aflatoxin cao gấp 68 lần so với thạch tín và 10 lần so với kali xyanua, phá hủy mô gan nghiêm trọng.
Nó cũng là chất gây ung thư sinh học mạnh nhất mà chúng ta biết và 1mg là liều gây ung thư. Năm 1993, nó được phân loại là chất gây ung thư loại 1 bởi Viện nghiên cứu ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nuốt phải 1 mg có thể gây ung thư và nếu tiêu thụ 20 mg một lần có thể gây tử vong.
Mặc dù ăn lạc mốc rất nguy hiểm nhưng nhiều người chủ quan nghĩ rằng chỉ cần vứt bỏ hạt mốc đi còn lại vẫn ăn được nhưng thực tế chất độc này có thể đã nhiễm sang những phần còn lại mà chúng ta không hay biết.
Thực tế, chất gây ung thư cực độc này có thể tồn tại trong nhiều thứ quen thuộc với chúng ta và nó không dễ dàng bị tiêu diệt nhờ nhiệt độ cao.
1. Đũa mốc
Bản thân đũa không phát triển nấm mốc, nhưng khi chúng ta sử dụng đũa để ăn các loại thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao như đậu phộng và ngô, đũa dễ dàng lưu trữ lại tinh bột và nếu không rửa đũa sạch sẽ, nấm mốc có cơ hội phát triển khiến đũa bị mốc. Khi đũa mốc tốt nhất nên vứt đi.
2. Hạt đắng
Nếu bạn ăn phải hạt đắng, hãy nhổ nó ra và súc miệng kịp thời, bởi vì vị đắng của các loại hạt như hạt dưa, hạt hướng dương,... là aflatoxin được tạo ra trong quá trình nấm mốc. Ăn thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ ung thư gan.
3. Gạo hỏng
Đừng nghĩ rằng gạo bị hỏng hay mốc một chút chỉ cần nấu chín sẽ an toàn. Gạo khi đã hỏng có khả năng sinh độc tố cao nhất.
4. Thực phẩm tinh bột mốc
Aflatoxin được tìm thấy trong thực phẩm bị mốc, đặc biệt là thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao, chẳng hạn như đậu phộng và ngô. Các loại tinh bột chứa chất gây ung thư gan trong môi trường nhiệt độ cao và ẩm ướt.
5, Dầu tự ép
Một số cây trồng như lạc, ngô,... có thể được dùng để ép thành dầu. Một số người vì muốn tiết kiệm nên tự mua máy về ép dầu. Tuy nhiên do quy trình đơn giản lại ít kinh nghiệm nên có thể không loại bỏ được lạc, ngô bị hỏng dẫn tới ép cả lạc mốc, ngô mốc thành dầu. Khi sử dụng loại dầu này sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Để bảo vệ sức khỏe, hãy tránh xa aflatoxin bằng những cách sau:
- Rửa tay thường xuyên: Ngoài thực phẩm, nhiều thứ trong cuộc sống có thể bị nhiễm aflatoxin, và rửa tay là cách cơ bản nhất để tránh xa độc tố.
- Cố gắng không tích trữ thức ăn: Cách hiệu quả nhất để tránh aflatoxin là tiêu diệt và phòng ngừa nấm mốc từ thực phẩm. Không nên tích trữ thực phẩm trong nhiều ngày.
- Vứt bỏ những thứ bị mốc: Hãy kiên quyết vứt bỏ những thực phẩm bị mốc, rửa bằng nước hay cắt bỏ phần mốc không thể tiêu diệt hoàn toàn aflatoxin.