Chùm ngây và những giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn

Ngày 03/09/2017 08:57 AM (GMT+7)

Nếu so sánh giá trị dinh dưỡng có trong cây chùm ngây với một số thực phẩm khác thì hàm lượng dinh dưỡng của chùm ngây cao hơn nhiều.

Cây chùm ngây (Moringa Oleifera) có nguồn gốc từ Ấn Độ, hiện được trồng nhiều ở các nước vùng nhiệt đới. Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, cây chùm ngây được trồng nhiều với mục đích làm thực phẩm, làm thuốc.

Trong một nghiên cứu của ĐH Nông nghiệp Falsalabad (Pakistan) cho biết chùm ngây là một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao. Cây vừa là nguồn dược liệu, vừa là nguồn thực phẩm rất tốt.

Các bộ phận của cây chứa nhiều khoáng chất quan trọng và là một nguồn cung cấp chất đạm, vitamins, beta-carotene, acid amin và nhiều hợp chất phenolics… Theo nguồn tin từ Trung tâm Sức khỏe toàn cầu Johns Hopkins, ĐH Johns Hopkins (Mỹ), chùm ngây có chứa đến 18 trên tổng số 22 acid amin cần thiết cho cơ thể.

Chùm ngây và những giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn - 1

Theo nghiên cứu khoa học, chùm ngây có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Ảnh:  INTERNET

Chia sẻ với chúng tôi, BS Phan Thanh Hải, Trưởng khoa Nội 3 BV Y học cổ truyền TP.HCM, cho biết: Cây chùm ngây có giá trị dinh dưỡng cao, người ta thường dùng lá và thân (cành non) để nấu canh, xào, luộc hoặc trộn gỏi... Theo nghiên cứu khoa học, chùm ngây có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Các bộ phận của cây có chứa nhiều khoáng chất quan trọng, giàu chất đạm, vitamin, acid amin... 

Chẳng hạn như trong lá và hoa còn tươi có chứa hàm lượng K trong 100 g của chuối già là 88 mg, còn với chùm ngây là 259 mg (chùm ngây gấp hơn ba lần). Lượng vitamin C cao gấp bảy lần so với lượng vitamin C có trong quả cam; lượng canxi gấp bốn lần và lượng protein gấp hai lần so với sữa; cao hơn vitamin A trong cà rốt bốn lần... Do đó tốt cho những người suy nhược cơ thể.

Các bộ phận như thân, rễ, hạt được dùng trong trường hợp kinh mạch bị ứ, không thông, hay có những hoạt tính như kích thích hoạt động của tim và hệ tuần hoàn, thanh nhiệt giải độc, chống hạ nhiệt, lợi tiểu, hạ huyết áp, hạ cholesterol, trị tiểu đường, bảo vệ gan, chống nấm... Chùm ngây còn kết hợp với các bài thuốc khác như cây trinh nữ hoàng cung và một số vị thuốc thanh nhiệt để trị u xơ tử cung, u xơ tiền liệt tuyến và trị một số bệnh tiết niệu (kết hợp với kim tiền thảo và một số dược liệu khác).

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Trường ĐH Jiwaji, Gwalior (Ấn Độ) về các hoạt tính estrogenic, kháng estrogenic, ngừa thai của nước chiết từ rễ chùm ngây.

Chùm ngây và những giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn - 2

Tô canh chùm ngây mang lại nhiều dinh dưỡng cho bữa ăn. Ảnh: INTERNET

Bác sĩ cũng lưu ý thêm, hiện nay có rất nhiều lời đồn thổi phồng tác dụng của cây chùm ngây trị ung thư và bách bệnh, đây là thông tin chưa được chính xác.

Nhưng vì trong chùm ngây có rất nhiều hàm lượng dinh dưỡng nên có khả năng tống được các gốc tự do nên bảo vệ được cơ thể, tăng sức đề kháng cho con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng được.

Phụ nữ có thai không nên ăn chùm ngây dễ gây co cơ trơn tử cung và làm sảy thai, do đó cần lưu ý khi có thai giai đoạn đầu tuyệt đối không nên ăn rau chùm ngây để giữ an toàn cho thai nhi và mẹ. Ngoài ra, vì hàm lượng chất dinh dưỡng, vitamin C và canxi cao, do đó nếu ăn nhiều sẽ dẫn đến dư thừa, gây hậu quả xấu cho sức khỏe.

Do đó, bất cứ loại thực phẩm nào khi đưa vào thực đơn bữa cơm cũng cần cân nhắc về số lượng và chất lượng. Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để cân bằng dinh dưỡng.

Theo NGUYÊN HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe