Do thay đổi thời tiết, số trẻ nhập viện do sốt virus đang gia tăng, trong số đó, có nhiều trẻ phải nhập viện do biến chứng nặng vì những sai lầm của bố mẹ.
Sai lầm chính vẫn là dùng thuốc tùy tiện
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong quá trình khám và điều trị, rất nhiều trẻ gặp phải biến chứng nặng vì những sai lầm của bố mẹ.
“Có hai nhóm sai lầm chính mà bố mẹ hay gặp phải khi con bị sốt virus, đó là nhóm sai lầm chủ quan với bệnh và nhóm sai lầm thứ hai đó là quá lo lắng khi con mắc bệnh”, PGS Dũng nói.
Nhiều trẻ nhập viện do sốt virus có biến chứng nặng do sai lầm của phụ huynh.
Theo đó, nhiều người cho rằng, sốt virus có thể tự khỏi nên chủ quan, vẫn cho con đi học, đi du lịch, thể thao…điều đó khiến trẻ bị suy nhược cơ thể, tạo điều kiện cho virus xâm nhập nhanh và dễ dẫn đến biến chứng.
Nhóm sai lầm thứ hai đó là quá lo lắng khi con mắc bệnh. “Thông thường, khi trẻ bị sốt virus, nhiều bà mẹ chưa gì đã lo sốt vó lên và đưa vào cơ thể trẻ hàng vốc thuốc. Thậm chí là để ăn chắc, nhiều người mua kháng sinh về cho con uống để nhanh khỏi hơn.
Đây là sai lầm lớn nhất và gây hậu quả nặng nề với trẻ. Bởi trẻ bị sốt virus cho uống kháng sinh sẽ không có tác dụng, mà nó chỉ làm cơ thể yếu hơn. Không chỉ có vậy, nó còn làm dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, điều này rất nguy hiểm”, PGS Dũng cảnh báo.
Ngoài ra, một sai lầm cũng rất thường gặp khi trẻ bị sốt virus đó là truyền dịch. “Sốt virus có nhiều danh từ để gọi, đó là sốt siêu vi trùng, sốt virus, sốt dịch… Mà khi nhắc đến sốt dịch, thì nhiều người cho đó là dịch và thế là dùng dịch để truyền. Đó là sai lầm rất nhiều người mắc phải”, PGS Dũng nói.
Theo PGS Dũng, những trường hợp truyền dịch đỡ sốt chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc trẻ hết sốt là nhờ tác dụng của thuốc hạ sốt chứ không phải do truyền.
Đặc biệt, trong nhiều trường hợp trẻ bị sốt, không đơn giản là chỉ do virus mà có khi là biểu hiện tình trạng bệnh lý khác, nên phải cẩn trọng trong quyết định có truyền dịch hay không.
Trong trường hợp trẻ bị mất nước, tốt nhất vẫn là bổ sung qua đường uống. Nếu buộc phải truyền dịch bác sĩ phải tính toán liều lượng rất kỹ, không thể tùy tiện.
PGS Dũng khẳng định, chỉ theo dõi trẻ sốt không quá 3 ngày.
Đi viện ngay nếu trẻ sốt quá 3 ngày
Vậy khi trẻ bị sốt virus cần phải làm gì? PGS Dũng cho rằng, nếu biết cách chăm sóc thì không nhất thiết phải đưa trẻ đến bệnh viện.
Theo đó, khi trẻ sốt thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng hướng dẫn, sau đó thấy trẻ hạ được sốt, ăn uống, chơi đùa bình thường thì tiếp tục theo dõi.
“Cách theo dõi tốt nhất đó là cặp nhiệt độ ở nách cho trẻ. Tôi phải khẳng định lại rằng, chỉ có cặp nhiệt độ ở nách thì mới cho kết quả chuẩn nhất”, PGS Dũng nói.
Trong quá trình theo dõi đó, nếu thấy trẻ có biểu hiện sốt kèm nôn, tiêu chảy, đau đầu dữ dội, mắt lờ đờ thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Ngoài ra, nếu trong vòng 3 ngày theo dõi, trẻ vẫn không hết được sốt thì cần phải đưa đến viện kiểm tra.
“Tôi khẳng định, các bậc phụ huynh không được theo dõi quá 3 ngày, vì quá 3 ngày sẽ có những biến chứng mà chỉ có thầy thuốc mới phát hiện ra”, PGS Dũng nói.
Trong quá trình chăm sóc và theo dõi trẻ ở nhà bố mẹ cần giữ nhà cửa và phòng của trẻ thoáng mát (tuyệt đối không đóng kín cửa), không mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp nhiều chăn, dán miếng hạ sốt khi thấy con sốt cao, rét. Khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở nên thì cho trẻ uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Nên cho con ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày với những thức ăn lỏng, dễ tiêu và giàu dinh dưỡng.