Bạn có biết rằng tuổi buồng trứng không nhất thiết phải khớp với tuổi thực? Nếu bạn muốn tăng cường sức mạnh của “quả trứng” thì thói quen hàng ngày rất quan trọng.
Bác sĩ sản phụ khoa Zhan Jingquan gần đây đã chỉ ra trong chương trình y tế "Doctor Is Hot" về một nữ bệnh nhân 26 tuổi muốn tiến hành thụ tinh ống nghiệm do bị tắc ống dẫn trứng hai bên.
Tuy nhiên khi bác sĩ tiến hành kiểm tra giá trị AMH của dự trữ buồng trứng lại phát hiện chỉ là 0,05ng/ml. Bác sĩ Zhan Jingquan giải thích rằng trứng của phụ nữ sẽ cạn kiệt hàng tháng, điều này thay đổi tùy theo từng cá nhân. Nói chung, độ tuổi 35 được coi là bước ngoặt, trước 35 tuổi, giá trị bình thường của AMH là khoảng 2 đến 6, có nghĩa là tốt. Sau 35 tuổi chức năng buồng trứng sẽ xuống dốc nhanh chóng, sau 40 tuổi, chỉ số AMH giảm mạnh chỉ còn 1, sau 45 tuổi chỉ còn 0.0x.
Người phụ nữ mới 26 tuổi nhưng buồng trứng chẳng khác gì người hơn 45 tuổi. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Zhan Jingquan nhận xét rằng buồng trứng của người phụ nữ chẳng khác gì người hơn 45 tuổi, đây là biểu hiện khá điển hình của suy buồng trứng sớm. Đáng buồn thay, chất lượng tinh trùng của người chồng cũng không tốt.
Sau khi tìm hiểu mới biết người phụ nữ và chồng thường xuyên có thói quen thức khuya, muốn thụ thai thì bước đầu tiên là điều chỉnh lịch sinh hoạt.
Bác sĩ Zhan Jingquan cũng nhấn mạnh tuổi tác vẫn là yếu tố then chốt nhất ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng. Người phụ nữ trên vẫn còn trẻ nên vẫn còn cơ hội để thay đổi, sửa chữa, nếu để chậm hơn thì sẽ càng khó khắc phục.
Zhang Fan, Giám đốc Hiệp hội Y học Sinh sản Trung Hoa Dân Quốc từng cho biết, nhìn chung, phụ nữ sau khi bước qua tuổi 35, chức năng buồng trứng sẽ suy giảm. Thêm vào đó, lối sống hiện đại nhiều áp lực, thường xuyên ăn uống bên ngoài nên nhiều nhóm phụ nữ già đi nhanh hơn. Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung, phẫu thuật buồng trứng,... cũng có thể gây ra vấn đề suy buồng trứng sớm.
Lịch trình sinh hoạt thất thường, áp lực cao, thức khuya có thể khiến chức năng buồng trứng bị lão hóa nhanh hơn. (Ảnh minh họa)
Đối với bệnh nhân suy buồng trứng sớm, số lượng trứng thấp là tình trạng không thể thay đổi. Ngoài ra, chất lượng trứng là yếu tố then chốt quyết định bạn có thể mang thai hay không.
Trong điều trị suy buồng trứng sớm, Zhang Fan chỉ ra rằng ngoài việc tiêm thuốc rụng trứng, có thể cân nhắc dùng thuốc hỗ trợ để giúp cải thiện chất lượng của trứng. Tuy nhiên phải có sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ trước khi sử dụng để phù hợp với thể trạng của người bệnh.
Thức khuya gây ảnh hưởng sức khỏe sinh sản thế nào?
Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe tổng thể và quan trọng là khả năng sinh sản. Có được một giấc ngủ ngon giúp làm mới, phục hồi não và các hệ cơ quan, đồng thời điều chỉnh các hormone quan trọng trong cơ thể bao gồm cả các hormone liên quan đến khả năng sinh sản.
Tuy nhiên nhiều người có thói quen thức khuya dẫn đến thiếu ngủ. Và điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe sinh sản.
Ở cả nam giới và nữ giới, phần não điều chỉnh hormone giấc ngủ (chẳng hạn như melatonin và cortisol) cũng kích hoạt giải phóng hormone sinh sản hàng ngày. Ví dụ, nếu bạn là phụ nữ, việc thiếu ngủ trong thời gian dài có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải phóng hormone tạo hoàng thể, hay LH - hormone kích hoạt sự rụng trứng trong quá trình điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Kết quả là kinh nguyệt không đều có thể khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để thụ thai.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2016, làm việc vào ban đêm hoặc làm việc theo ca luân phiên có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sảy thai.
Thiếu ngủ trong thời gian dài có thể phá vỡ sự cân bằng nội tiết tố. Nghiên cứu cho thấy rằng điều này cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản theo những cách gián tiếp, bao gồm:
- Khiến bạn cáu kỉnh, khó chịu: Theo thời gian, điều này có thể làm gián đoạn mối quan hệ của bạn với vợ/chồng hoặc bạn tình và dẫn đến ít cơ hội mang thai hơn.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh và tình trạng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Chúng bao gồm bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch (tim và mạch máu) và béo phì.