Cô gái trẻ tổn thương tủy sống, chân mất cảm giác vì dùng thứ này để thêm vui vẻ khi liên hoan cuối năm

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 29/01/2024 11:53 AM (GMT+7)

Cuối năm liên tiếp tham gia các cuộc liên hoan, gặp gỡ, không ít bạn trẻ vì muốn tạo niềm vui, tiếng cười nên đã sử dụng những sản phẩm gây hại cho sức khỏe, đến mức phải nhập viện.

Vào dịp cuối năm, các cơ quan, hội nhóm liên tục tổ chức liên hoan, tổng kết và trong những cuộc vui đó nhiều người, nhất là những bạn trẻ, đã dùng chất kích thích như rượu bia, bóng cười, thuốc lá… để thêm hưng phấn.

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh (thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam) cho biết, gần đây đã tiếp nhận 3 trường hợp nhập viện do tác hại của bóng cười. Đa số các bệnh nhân đều có cảm giác tê bì, yếu chân tay, mất cảm giác chân và khó có thể hồi phục hoàn toàn sau điều trị.

Mới đây nhất, bác sĩ Mạnh tiếp nhận một nữ bệnh nhân 20 tuổi, vào viện vì tê yếu tay, mất cảm giác chân nhiều ngày. Khi khai thác tiền sử, bệnh nhân khẳng định không dùng bất kể chất kích thích nào, vì thế các bác sĩ nghi ngờ bị tổn thương nội sọ vì gần đây tình trạng nhồi máu não ở người trẻ tăng cao.

Nhiều người trẻ dùng bóng cười nhưng không hề biết đây là chất gây nghiện, gây hại đến sức khỏe. Ảnh minh họa.

Nhiều người trẻ dùng bóng cười nhưng không hề biết đây là chất gây nghiện, gây hại đến sức khỏe. Ảnh minh họa. 

Sau khi chụp MRI sọ não, các bác sĩ không phát hiện bất thường nào, tuy nhiên tủy cổ C2-C7 của bệnh nhân (thần kinh sống cổ từ đốt II đến VII) có tổn thương. Kết hợp với các triệu chứng như tê bì, yếu tay, mất cảm giác chân  của người bệnh, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân ngộ độc khí N20 (bóng cười).

Ngay sau đó, bác sĩ Mạnh đã gặp riêng bố mẹ để khai thác tiền sử sâu hơn và phát hiện, cô gái đã dùng bóng cười khoảng 2-3 năm nay, tần suất ngày càng tăng nhiều. Gần đây, do liên hoan nhiều, để tạo tiếng cười, thêm vui vẻ, cô gái này sử dụng nhiều hơn, có khi tuần đến 3 lần.

Do bệnh nhân bị ngộ độc N2O kéo dài, gây thiếu hụt vitamin B12 nên gây ra bệnh lý thần kinh mất myelin. Với bệnh nhân này, chụp MRI thấy rõ tổn thương tủy cổ từ đốt C2 đến C7. Hiện bệnh nhân đang được điều trị bằng tiêm vitamin B12 và uống methionine. Sau 14 ngày điều trị mới có thể đánh giá lại mức độ phục hồi.

Đáng nói, khi chia sẻ, cô gái trẻ cho rằng, bóng cười không gây nghiện như heroin, rượu bia, cần xa, thuốc lá nên vô tư sử dụng. Thực tế, nếu dùng nhiều bóng cười sẽ thành quen và gây nghiện”, bác sĩ Mạnh cảnh báo.

Rất nhiều trường hợp trẻ tuổi phải nhập viện sau thời gian dùng bóng cười. Ảnh minh họa.

Rất nhiều trường hợp trẻ tuổi phải nhập viện sau thời gian dùng bóng cười. Ảnh minh họa. 

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, sử dụng bóng cười chứa khí N2O có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhẹ thì có biểu hiện tê chân tay, giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, suy giảm sức khỏe. Trường hợp nặng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thống tủy sống, tổn thương não và rối loạn tâm thần. Nhiều bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ tác hại của bóng cười, khó có thể hồi phục tổn thương, trở nên tàn phế suốt đời.

"Bản chất N2O có tác dụng giống như ma túy, khi sử dụng có xu hướng ngày càng tăng lên để đạt được khoái cảm. Đặc biệt, người dùng bóng cười thường xuyên có thể nghiện và có nguy cơ tìm đến các loại ma túy tổng hợp khác", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, hiện nay bất chấp sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng, bóng cười vẫn có thể tìm mua dễ dàng và sử dụng tràn lan, nhất là dịp cuối năm. Việc sử dụng bóng cười có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, đặc biệt là với nhóm những người trẻ thích khám phá cảm giác lạ.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, mọi người không nên thử giải trí hay sử dụng bóng cười để tránh lạm dụng, phụ thuộc khí N2O. Nên có lối sống lành mạnh bằng việc tập thể dục, thể thao, có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt điều độ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Cô gái 19 tuổi nhập viện cấp cứu sau 4 tháng hít bóng cười liên tục
Cô gái trẻ nhập viện cấp cứu do trong tình trạng tê bì hai chân và tay do liên tục hít bóng cười suốt 4 tháng với số lượng 5 bình/ngày, tương đương...

Các vấn đề sức khỏe khác

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác