Người mắc phải hội chứng mặc cảm ngoại hình luôn cảm thấy bản thân xấu xí hoặc có điểm xấu xí dù thực tế họ hoàn toàn bình thường thậm chí còn cực kỳ xinh đẹp.
Hầu như tất cả chúng ta đều không thích một hay một số điểm nào đó trên cơ thể. Đó có thể là bụng nhiều mỡ hay nếp nhăn đuôi mắt hoặc vài vết tàn nhang. Thông thường, chúng ta hay phóng đại những khuyết điểm đó trong khi người khác coi là bình thường.
Nhưng trong một số trường hợp, ám ảnh đó lại trở thành căn bệnh. Hội chứng sợ xấu hay mặc cảm ngoại hình hoặc còn gọi là rối loạn hình thái cơ thể là căn bệnh khiến một người luôn cảm thấy cơ thể mình bị dị dạng. Nó ảnh hưởng với tỷ lệ 1/100 người.
Dưới đây là 4 cô gái đến từ Anh không may mắc phải hội chứng này. Hình ảnh bên trái là chân dung thật của họ và ảnh bên phải là những gì họ thấy qua gương.
Racheal Baughan, 27 tuổi.
Racheal Baughan, 27 tuổi đến từ Sussex là một doanh nhân điều hành công ty người mẫu. Cô đã viết một cuốn sách nói về chính căn bệnh mà mình đang mắc phải. Racheal vốn có vẻ ngoài xinh đẹp, thậm chí thân hình thon thả như người mẫu nhưng cô luôn cảm thấy mình dị dạng như người ngoài hành tinh, xấu xí nhất thế giới.
Racheal luôn có cảm giác như đây không phải cơ thể của cô và không biết phải sống như thế nào với chính cơ thể này. Mỗi khi nhìn vào gương, Racheal đều thấy hình ảnh một cô gái mắt trố, nhưng hai hốc mắt lại trũng sâu, mặt không cân xứng, hai môi bị lệch, cổ dài như một con vịt, lông mày cao còn da đầy mụn.
Tình trạng này đã diễn ra với Racheal từ khi 4 tuổi, cô luôn cảm thấy bản thân xấu xí và khác biệt so với những đứa trẻ khác nên luôn thu mình lại. Racheal chỉ có duy nhất một người bạn thân và thường xuyên bị bắt nạt.
Không chỉ thấy ghê tởm bản thân, Racheal còn bị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế và thường rửa mặt 30 lần mỗi tối, đóng mở tủ quần áo đến 10 lần. Hơn nữa, cô còn bị chứng rối loạn ăn uống, luôn nghĩ mình béo phì và điên cuồng tìm cách giảm cân.
Trong suốt 7 năm, Racheal không dám rời khỏi nhà và nếu buộc phải ra ngoài, cô luôn lấy khẩu trang hay vải để che mặt. Đã có lúc, Racheal còn tìm đến cách tiêu cực như dùng dao để cắt mỡ ở chân.
Mãi đến năm 2004, cuộc sống của Racheal mới dần thay đổi tốt hơn khi cô được người nhà khuyến khích tham gia cuộc thi hoa hậu nước Anh. Đó là thời khắc khiến cô thấy mọi thứ đảo lộn, và như trút được gánh nặng tâm lý.
Rebecca owen, 42 tuổi.
Rebecca owen, 42 tuổi, là một nhân viên hỗ trợ cộng đồng sống tại Tadwworth, Surrey. Cô đã phải chịu đựng vấn đề của bản thân suốt 26 năm.
Kể từ năm 16 tuổi, Recbecca bắt đầu chán ăn, có biểu hiện rối loạn dị dạng cơ thể. Mỗi khi chụp ảnh, Rebecca không dám cười bởi sợ sẽ khiến mặt to hơn. Cô luôn cảm thấy bản thân mình chẳng khác gì nhân vật thủy thủ Popeye với cánh tay vạm vỡ, bờ vai rộng và khuôn mặt to bè.
Chình vì vậy, cô đã ăn kiêng và tập thể dục quá mức khiến bản thân phải nhập viện do suy dinh dưỡng. Điều này xảy ra gần như thường xuyên cho tới khi cô 30 tuổi. Rebecca đã tham gia vào tổ chức hỗ trợ cộng đồng, từ đó cô bắt đầu thay đổi tâm lý, suy nghĩ về bản thân.
Giờ đây, Rebecca đã quay trở lại việc ăn uống bình thường, cô còn đi điều trị tâm lý để tìm ra nguyên nhân căn bệnh cô mắc phải. Mặc dù vẫn cảm thấy bản thân méo mó nhưng Rebecca đã hiểu rằng cô hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên điều đáng tiếc nhất đó là Rebecca không thể sinh con được nữa do việc giảm cân quá mức đã ảnh hưởng tới chức năng sinh sản.
Danielle Nulty, 27 tuổi
Danielle Nulty, 27 tuổi đến từ Suffolk là đại diện bán hàng cho một công ty thực phẩm. Mỗi khi nhìn vào gương, Danielle luôn thấy bản thân có chiếc mũi quá lớn và cằm siêu dài. Mọi chuyện bắt đầu sau khi bố mẹ cô ly hôn, điều này có lẽ đã ảnh hưởng tới tâm lý của Danielle.
Mỗi sáng thức dậy, Danielle luôn thấy da mình tái nhợt như xác chết và đầy nếp nhăn dù cô mới 13,14 tuổi. Cô gái trẻ liên tục bị ảm ảnh bởi việc soi mình trong gương hàng trăm lần một ngày và mặc dù mọi người đều nói rằng Danielle trong bình thường nhưng cô không tin.
Dù đã trải qua những đợt điều trị bằng thuốc và tâm lý nhưng mãi đến khi 25 tuổi, Danielle mới biết chính xác căn bệnh mình mắc và tình trạng của cô dần cải thiện.
Cassi Jones, 17 tuổi.
Cassi Jones, 17 tuổi đến từ Surrey, là một sinh viên thời trang. Cô bắt đầu có vấn đề khi cô bị bắt nạt về ngoại hình từ năm 11 tuổi. Từ đó, Cassi không dám chụp ảnh, thậm chí nhìn vào chúng. Cô luôn tin rằng môi mình quá bẹt, mũi nhọn và mặt rất mất cân đối.
Năm 13 tuổi, Cassi cũng bị ám ảnh với việc soi gương cả ngày để xem xét kỹ bản thân ở mọi góc độ. Cô thậm chí còn ăn trước gương và cảm thấy lo lắng nếu không được soi gương. Dù bạn bè của mẹ Cassi khen ngợi cô có thể trở thành người mẫu nhưng Cassi luôn thấy bản thân tệ hại. Chứng bệnh của cô chỉ được phát hiện vào năm 2007 và bắt đầu được điều trị.
Mặc cảm ngoại hình - căn bệnh tâm lý không hề đơn giản
Mặc cảm ngoại hình (hay Body dysmorphic disorder - BDD) - là bệnh tâm lý ảnh hưởng đến khoảng 1,7 - 2,4% dân số toàn thế giới ở cả nam và nữ. Đó là một trạng thái bệnh lý, trong đó người bệnh luôn trong cảm giác lo lắng, sợ hãi với bất kỳ khiếm khuyết dù rất nhỏ như sẹo, dị tật nhỏ... trên cơ thể mình.
Không chỉ vậy, người mắc BDD còn tự tưởng tượng ra những khiếm khuyết của bản thân, dù nó không tồn tại.
Nguyên nhân chính xác của bệnh hiện vẫn chưa rõ. Một số chuyên gia nhận định rằng có thể sự rối loạn chất dẫn truyền thần kinh nào đó trong não đã dẫn tới căn bệnh. Một số khác thì tin, bệnh này xuất phát từ tâm lý do các yếu tố như tuổi thơ, gia đình, công việc...
Tuy nhiên căn bệnh này vẫn chưa được nhiều người quan tâm dù nó thực sự có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và tinh thần của một người. Đối với những trường hợp nhẹ, người bệnh có thể dành phần lớn thời gian soi gương để tìm khiếm khuyết, hoặc né tránh hoàn toàn các bề mặt phản chiếu như nước, kính...
Tuy nhiên về lâu dài, chứng sợ xấu khiến những người này trở nên tự ti, ngại giao tiếp, hoặc cô lập bản thân. Trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, người bệnh tự cào cấu, cắt da chân, tay để cố gắng cải thiện độ "xấu" đến tuyệt vọng của mình. Có người thì liên tục phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện nhan sắc bản thân. Thậm chí đã có trường hợp trầm cảm nặng dẫn đến tự tử.
Những biểu hiện của căn bệnh này có thể dễ nhận thấy như:
- Luôn ám ảnh vì "sự xấu".
- Soi gương thường xuyên để kiểm tra khiếm khuyết, hoặc sợ soi gương, không muốn nhìn vào gương.
- Không dám xuất hiện trước đám đông, thậm chí không muốn ra khỏi nhà.
- Thường xuyên so sánh ngoại hình của bản thân với người khác.
- "Điệu" quá mức hoặc trang điểm dày để che đi phần khiếm khuyết.
- Thường xuyên hỏi người khác đánh giá như thế nào về khiếm khuyết của bản thân để lấy lại niềm tin, nhưng lại không tin những đánh giá ấy.
- Muốn phẫu thuật thẩm mỹ bất cứ khi nào có thể.