Bé Tôm từng có những cơn khóc do đau quặn bụng nhưng lần này mọi chuyện rất lạ – tiếng khóc khẩn thiết hơn, bức bối hơn. Khi thay tã cho con, mẹ nhận thấy bụng bé căng hơn và có gì đó bất thường.
Bé Tôm 7 tháng đang chơi đùa thì đột nhiên khóc ngặt nghẽo, đôi chân bé nhỏ co quắp về phía ngực. Hồi nhỏ Tôm từng có những cơn khóc do đau quặn bụng nhưng lần này mọi chuyện rất lạ – tiếng khóc khẩn thiết hơn, bức bối hơn. Khi thay tã cho con, mẹ nhận thấy bụng bé căng hơn và có gì đó bất thường.
Tôm được đưa ngay tới bệnh viện và được chẩn đoán mắc chứng lồng ruột.
Trẻ dưới 1 tuổi thường mắc bệnh lồng ruột
BS Trần Thu Thuỷ (Bệnh viện Nhi Trung ương), 80% trường hợp lồng ruột xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi, nhiều nhất là độ tuổi 5-10 tháng, bệnh hiếm gặp ở trẻ lớn. Theo các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, lồng ruột thường xảy ra ở bé trai nhiều hơn ở bé gái, với tỷ lệ 2:1, đặc biệt là các bé trai bụ bẫm.
Xử lý lồng ruột cho trẻ
Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ em. Đây là hiện tượng khúc ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng khúc ruột phía dưới (hay ngược lại), làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột.
Hầu hết các trường hợp lồng ruột không xác định được nguyên nhân. Một số giải thích được đưa ra: do sự mất cân đối giữa kích thước của hồi tràng so với van hồi manh tràng, viêm hạch mạc treo ruột hoặc sau viêm đường hô hấp cũng có thể liên quan đến lồng ruột.
Nhiều giả thiết cho rằng đây là thời kỳ bé chuyển từ bú sữa sang ăn dặm nên ruột dễ co bóp bất thường. Thêm vào đó, do kích thước của các đoạn ruột ở trẻ em quá chênh lệch nhau nên dễ xảy ra lồng ruột.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, lồng ruột có liên quan đến các bất thường như u bướu, polype trong lòng ruột hay những đợt nhiễm bệnh gây rối loạn co bóp ruột.
Nhận biết trẻ bị lồng ruột - dễ hay khó?
Các bác sĩ cho biết, nên nghĩ đến bệnh lồng ruột nếu trẻ có triệu chứng đột ngột đau bụng dữ dội, quấy khóc từng cơn, bỏ bú, có thể kèm theo nôn ói nhiều lần.
Bệnh cảnh thường gặp là trẻ đang ăn uống bình thường bỗng khóc thét, bỏ bú, da tím tái, báo hiệu khúc ruột bắt đầu lồng vào nhau. Sau đó trẻ tạm thời nín khóc, thậm chí bú lại nhưng khi cơn đau tái phát, trẻ lại khóc từng cơn, ưỡn người, không bú được, nôn. Vài giờ sau, trẻ mệt lả, da xanh nhợt.
Khoảng 6-12 tiếng sau, trẻ đi cầu ra máu tươi có lẫn chút nhầy. Nhìn trẻ giảm sút rõ rệt: da tái, môi khô, mạch nhanh, người lạnh, mắt trũng. Nếu cứ trong tình trạng đó 24 giờ không xử trí gì trẻ sẽ bị nôn liên tục, bụng trướng dần lên, da toàn thân lạnh, nhợt nhạt, mạch nhanh, nhỏ, thở gấp nông, dấu hiệu ruột bắt đầu hoại tử.
Ngoài bệnh cảnh trên, đối với những trẻ đang bị sốt, ho, nhiễm siêu vi hay những trẻ đã từng bị lồng ruột thì việc trẻ đột ngột quấy khóc từng cơn cũng là một dấu hiệu nghi ngờ lồng ruột.
Cách xử trí khi trẻ bị lồng ruột
Do lồng ruột diễn biến rất nhanh nên ngay khi trẻ có biểu hiện khóc thét, bỏ bú và nôn, cần đưa ngay trẻ tới một cơ sở cấp cứu ngoại khoa. Các bác sĩ sẽ xác định bệnh qua thăm khám và siêu âm.
Nếu đúng là lồng ruột, trẻ sẽ được tháo lồng bằng hơi, nghĩa là bằng cách đặt một ống thông nhỏ vào lòng trực tràng. Dưới hướng dẫn của máy X-quang tại chỗ, các bác sĩ sẽ bơm hơi dần vào ruột già với một áp lực vừa phải cho đến khi khối lồng được tháo ra hoàn toàn.
Trẻ được chỉ định tháo lồng bằng hơi, là những bé có chẩn đoán xác định lồng ruột, dưới 2 tuổi, phát hiện sớm trước 72h, chưa có dấu hiệu thủng ruột.
Nếu trẻ được đưa đến quá muộn (thường trên 6 giờ) thì thường cần phải phẫu thuật để tháo khối ruột lồng. Trong trường hợp đến trễ hơn 24 giờ, đoạn ruột lồng đã chui sâu vào nhau gây sưng nề, tắc nghẽn mạch máu và hoại tử, các bác sĩ phải phẫu thuật để cắt đoạn ruột đó.
Tuy nhiên, việc chăm sóc và hồi sức sau mổ rất khó khăn và phức tạp, trẻ dễ tử vong do suy kiệt và viêm phổi nặng.
Chăm sóc trẻ sau tháo lồng bằng hơi tại nhà
ThS điều dưỡng viên Chu Thị Hoa – Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, lồng ruột sau khi tháo vẫn có thể bị tái lại ngay sau một vài giờ hoặc sau đó nhiều ngày. Vì vậy cha mẹ cần phát hiện sớm các triệu chứng để đưa trẻ quay lại viện kịp thời. Những trẻ đã từng bị bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh lần hai.
Cha mẹ không nên cho trẻ nhún nhảy quá nhiều sau tháo lồng, cho trẻ ăn ít một, uống thuốc theo đơn bác sỹ, theo dõi thêm các dấu hiệu lồng ruột tái phát: đau bụng đột ngột, xoắn vặn, khóc thét, nôn thức ăn… cần đưa trẻ đến viện khám ngay.
Trong trường hợp trẻ bị lồng ruột tái lại nhiều lần trẻ sẽ được chỉ định xét nghiệm kiểm tra xem có nguyên nhân thực thể: polyp, u hồi tràng, đại tràng. Nếu có nguyên nhân thực thể trẻ sẽ được phẫu thuật điều trị nguyên nhân.
Cùng đó, phải gữ ấm cơ thể cho trẻ, hạn chế viêm đường hô hấp vào mùa đông xuân, ăn uống vệ sinh tránh viêm hạch mạc treo dẫn đến lồng ruột.
Triệu chứng lâm sàng trẻ lồng ruột Đau bụng: Trẻ đau bụng cơn, biểu hiện bằng cơn khóc thét xuất hiện đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, cơn đau có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú. Nôn ra thức ăn ở giai đoạn đầu, ở giai đoạn muộn trẻ có thể nôn ra dịch xanh hoặc dịch vàng. Đi ngoài ra máu: có thể máu đỏ hoặc nâu, xuất hiện sớm ngay sau cơn đau hoặc xuất hiện muộn sau 24h. Xuất hiện 95 % ở trẻ còn bú. Đi ngoài máu cùng với nôn và thoát dịch vào lòng ruột là các yếu tố quan trọng góp phần làm giảm thể tích tuần hoàn. |