Tối 5/7, gia đình nữ diva Coco Lee bất ngờ thông báo nữ ca sĩ đã qua đời. Trước đó, cô từng hé lộ với người hâm mộ việc sút cân, sức khỏe giảm sút.
Mới đây, thông tin nữ ca sĩ huyền thoại người Mỹ gốc Hong Kong (Trung Quốc), CoCo Lee qua đời không khỏi khiến nhiều người bàng hoàng.
Coco Lee bắt đầu sự nghiệp ca hát sau khi đoạt giải nhất một cuộc thi hát ở Hong Kong. Đầu thập niên 2000 là thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của nữ danh ca khi cô trở thành nghệ sĩ châu Á có album tiếng Anh phát hành trên toàn cầu, sở hữu nhiều bài hit trên bảng xếp hạng Billboard của Mỹ.
Đặc biệt, Coco Lee đã có cơ hội trình diễn ca khúc A love before time trong phim Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An tại lễ trao giải Oscar và trở thành nữ ca sĩ Hoa ngữ đầu tiên được biểu diễn tại lễ trao giải danh giá này.
Nữ ca sĩ Coco Lee đột ngột qua đời ở độ tuổi 48 vì căn bệnh trầm cảm.
Trong suốt 30 năm hoạt động nghệ thuật, CoCo Lee luôn mang đến cho mọi người ấn tượng rằng cô là người tươi vui, rạng rỡ nhưng không ngờ đến cuối cùng, cô lại chọn cách tự tử vì căn bệnh trầm cảm khiến người hâm mộ không khỏi xót xa.
Hai chị em gái của Lee cho biết: "Mặc dù Coco đã tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia và cố gắng hết sức để chống lại chứng trầm cảm, nhưng thật đáng buồn là con quỷ bên trong đã chiếm đoạt cô ấy".
Trầm cảm - "con quỷ" ẩn nấp bên trong ở ngay cả những người tích cực nhất
Việc Coco Lee tự tử vì trầm cảm đã thu hút sự chú ý, nhiều người không thể tin rằng một người luôn mang tới năng lượng tích cực, vui vẻ như nữ ca sĩ lại mắc chứng bệnh này.
Về vấn đề này, bác sĩ Ye Yaxin, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Tâm thần của Dong Foundation, Đài Loan cho biết theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm sẽ trở thành gánh nặng bệnh tật số 1 thế giới vào năm 2030. Cái chết đột ngột của Coco Lee cũng nhắc nhở mọi người cần có sự nhìn nhận chính xác về căn bệnh trầm cảm. Nó không phân biệt giới tính, tuổi tác, tính cách, địa vị giàu nghèo.
Trầm cảm là căn bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai dù bạn là người năng động, hoạt bát hay hướng nội. Bác sĩ Ye Yaxin cho biết, bệnh nhân trầm cảm sẽ không thể kiểm soát chứng bệnh của mình, không thể ngừng suy nghĩ tiêu cực, thậm chí họ chọn cách tự làm hại bản thân để giải quyết nỗi đau trong tâm hồn.
Coco Lee luôn thể hiện bản thân là người tích cực, vui vẻ và rạng rỡ.
Người mắc trầm cảm có thể bị mất ngủ, mất hứng thú với mọi thứ, chán ăn và thậm chí là suy sụp, có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi mạnh mẽ hoặc nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, ý định tự tử,... Hầu hết mọi người đều có thể hiểu những triệu chứng này nhưng vẫn có nhiều người trên mạng thảo luận rằng "Tại sao những người bị trầm cảm không thể kiểm soát suy nghĩ và sự bốc đồng của họ vậy?".
Trầm cảm không phải là một trạng thái cảm xúc, mà là một căn bệnh của não bộ, nên không có nghĩa là bạn sẽ ổn nếu bạn chỉ đơn giản nghĩ "dừng lại nào". Người bệnh không thể tự khỏi, họ cần những bác sĩ chuyên nghiệp hỗ trợ phán đoán, và họ cũng cần nhiều hơn nữa sự đồng cảm, đồng hành và lắng nghe.
Bác sĩ Ye Yaxin cũng dùng một phép ẩn dụ đơn giản để giải thích, giống như người bị đau dạ dày hay người bị huyết áp cao hoặc lượng đường trong máu cao, bạn không thể yêu cầu bản thân ngay lập tức dừng đau hay buộc huyết áp và đường huyết phải giảm xuống.
Để kiểm soát nó, bạn phải có liệu trình điều trị phù hợp dù là liệu pháp tâm lý hay thuốc và phải tuân theo nó mới có thể làm giảm hoặc kiểm soát các triệu chứng dần dần chứ không thể khiến nó biến mất ngay lập tức và vĩnh viễn. Nếu trong quá trình điều trị hoặc bạn chưa hoàn toàn hồi phục nhưng bệnh tình lại bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố bất ngờ có thể khiến bệnh tái phát.
Bệnh trầm cảm có thể xảy ra với bất cứ ai dù đó là người hướng ngoại hay hướng nội. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ tâm thần Liu Jiayi, tại Bệnh viện Chang Gung ở Đài Bắc, Đài Loan cũng nhấn mạnh rằng bệnh nhân trầm cảm thường tự tử không phải khi bệnh nặng nhất mà thường là trong "thời kỳ hồi phục", đây mới là thời điểm nguy cơ cao nhất.
Do đó, những người đồng hành cùng bệnh nhân trầm cảm càng cần chú ý tới người bệnh ngay cả khi họ có dấu hiệu hồi phục để kịp thời nhận ra một số biểu hiện bất thường. Bác sĩ Zhang Ziqiang, Chủ tịch Hiệp hội Phục hồi Tâm lý Xã hội Đài Loan cho biết có 6 hành vi chính có thể bộc lộ ý định tự tử ở bệnh nhân trầm cảm: Đột nhiên cho đi những thứ thân yêu hoặc quan trọng; Đột nhiên gửi tin nhắn cho những người bạn đã lâu không liên lạc; Đột nhiên nói chậm và không muốn giao tiếp với những người khác; Uống một lượng lớn chất kích thích cùng một lúc; Tìm kiếm vật sắc nhọn hoặc dao để cắt cổ tay, hoặc đọc và tìm kiếm thông tin về cái chết.
Khi người thân của bệnh nhân trầm cảm phát hiện họ có những biểu hiện như trên thì có thể lắng nghe, cùng hướng dẫn họ giải tỏa cảm xúc, rồi từ từ loại bỏ những đồ vật nguy hiểm như dao, kéo, dây thừng, mảnh thủy tinh… và chờ đợi họ bình tĩnh, đồng thời tìm kiếm điều trị y tế chuyên nghiệp.