Con sơ sinh ngủ nhiều, đi khám phát hiện nhịp tim 276 lần/phút: Những biểu hiện cần khám gấp

Ngày 23/06/2020 12:00 PM (GMT+7)

Sau khi trẻ có dấu hiệu bỏ bú, ngủ nhiều và li bì 3 ngày gia đình mới đưa đến viện khám, khi đó tình trạng bệnh nhi đã rất nguy kịch với nhịp tim lên đến 276 lần/phút.

Mới đây, khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc) vừa tiếp nhận một bệnh nhi gần 2 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch: nhịp tim nhanh, mệt nhiều, da nhợt nhạt, bỏ bú…

Theo thông tin từ gia đình bệnh nhân, trước khi vào viện 3 ngày trẻ có dấu hiệu mệt, ngủ nhiều, bú kém… nên gia đình đã đưa đến viện thăm khám. Tại bệnh viện, qua thăm khám bác sĩ nhận thấy trẻ có tình trạng sốc, tỉnh chậm, da tái, nhịp tim nhanh, refill kéo dài, mạch ngoại vi khó bắt.

Đặc biệt trên mornitoring nhịp tim rất nhanh với 276 lần/phút (trẻ từ 0 đến 5 tháng tuổi nhịp tim bình thường từ 90-150 lần/phút). Các bác sĩ cho biết, điện tim thể hiện cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất. Ngay sau đó trẻ đã được xử trí kiểm soát đường thở, đặt ống thở máy, an thần giảm đau rồi sốc điện.

Con sơ sinh ngủ nhiều, đi khám phát hiện nhịp tim 276 lần/phút: Những biểu hiện cần khám gấp - 1

Nhịp tim của bé gái khi mới vào viện rất nhanh.

Con sơ sinh ngủ nhiều, đi khám phát hiện nhịp tim 276 lần/phút: Những biểu hiện cần khám gấp - 2

Rất may mắn bé gái được xử lý kịp thời. Ảnh: BVCC.

Sau sốc điện nhịp về 150-160 lần/phút và tình trạng sốc cải thiện, mạch rõ hơn, tưới máu tốt hơn. Trẻ được thêm vận mạch đảm bảo chức năng tim, ổn định chuyển tuyến xuống Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp rất hiếm gặp, may mắn là được cấp cứu kịp thời nên thoát khỏi cơn sốc.

Những biểu hiện ở trẻ sơ sinh cần đặc biệt lưu ý

Từ trường hợp trên, bác sĩ chuyên khoa nhi Trần Thị Thu Thủy cho biết, trẻ càng nhỏ thì những diễn biến của bệnh càng nhanh và càng khó lường, do vậy khi trẻ bị ốm điều quan trọng là quan sát trẻ, theo dõi sát sao các biểu hiện của trẻ. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời làm giảm thiểu biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong ở trẻ.

Đặc biệt, đối với bé gái trên có 2 dấu hiệu cần phải đưa đến viện đó là mệt ngủ nhiều và bỏ bú. Theo đó, với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ khi cho bú cần quan sát sát xem trẻ có mút được khi cho bú mẹ? Nếu trẻ không thể mút hoặc nuốt được khi cho bú mẹ hoặc uống thì đó là dấu hiệu nặng cần cho trẻ đi khám cấp cứu ngay tại các cơ sở y tế.

Trường hợp, trẻ khó mút hoặc mút một chút rồi thôi thì cần xác định xem trẻ có bị tắc mũi không. Nếu trẻ bị tắc mũi cần làm sạch và thông mũi bằng nước muối sinh lý, nếu trẻ vẫn mút và bú được sau khi làm sạch thì trẻ không có dấu hiệu nguy hiểm.

Ngoài bỏ bú, một số dấu hiệu nguy hiểm khác ở trẻ sơ sinh như:

- Chân tay trẻ bị co cứng vì các cơ co rút ngắn lại, mắt trợn hoặc mất ý thức, trẻ có thể co giật từng cơn ngắn 10 phút, 20 phút nhưng cũng có thể kéo dài.

- Trẻ li bì, khó đánh thức đồng nghĩa với việc trẻ không tỉnh táo, không quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh, không nhìn mẹ, không nhìn vào người khám khi hỏi chuyện, không quan tâm đến bú mẹ hoặc ăn uống.

- Khi kích thích như gây đau trẻ có thể thức nhưng sau đó lại ngủ lịm khi ngừng kích thích, trẻ nhìn thẩn thơ, thờ ơ không chú ý đến ngoại cảnh gọi là ngủ gà.

- Trẻ khó đánh thức là trẻ không phản ứng khi chạm vào người, lay hoặc hỏi chuyện, không thể đánh thức được. Với trường hợp này cũng cần phải đưa đến viện để được thăm khám kịp thời.

Bé trai khỏe mạnh bỗng ọc máu, suy hô hấp vì bệnh hiểm, đừng chủ quan khi trẻ bỏ bú
Bệnh nhi sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh nhưng 5 ngày sau bắt đầu có biểu hiện quấy khóc, bỏ bú, ọc máu và suy hô hấp.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ nhỏ và bệnh thường gặp