Ngủ trưa có tốt không? Nên ngủ trưa trong bao lâu?

Khánh Hằng - Ngày 29/10/2020 16:15 PM (GMT+7)

Khoa học đã chứng minh rất nhiều lợi ích của việc ngủ trưa. Vậy bạn đã biết nên ngủ trưa trong bao lâu hay những điều cấm kỵ khi ngủ trưa?

Sau một buổi sáng làm việc mệt mỏi, một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa có thể giúp bạn phục hồi năng lượng, tiếp tục chiến đấu cho buổi chiều, không chỉ giúp nâng cao hiệu suất, tăng sự tỉnh táo mà còn cải thiện tâm trạng của bạn. Những lợi ích của việc ngủ trưa đã được khoa học chứng minh.

Lợi ích của ngủ trưa

1. Cải thiện hiệu suất công việc

Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng một giấc ngủ ngắn từ 10-30 phút vào buổi trưa sẽ giúp tăng hiệu suất và giúp bạn làm việc hiệu quả hơn nhiều. Một giấc ngủ trưa ngắn sẽ giúp cải thiện:

- Tốc độ tâm lý

- Thời gian phản ứng

- Sự tỉnh táo

2. Tập trung học tập

Ngủ trưa có tốt không? Nên ngủ trưa trong bao lâu? - 1

Ngủ trưa có tác dụng cải thiện kỹ năng học tập. Nó không chỉ giúp bạn cải thiện trí nhớ, nâng cao sự tập trung, lưu trữ thông tin mà còn giúp bạn tiếp nhận những thông tin mới một cách hiệu quả hơn sau một giấc ngủ trưa ngắn.

Những lợi ích của việc ngủ trưa liên quan đến học tập thường bắt đầu từ rất sớm, thậm chí là ở lứa tuổi sơ sinh. Do đó, ngủ trưa rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.

3. Hạ huyết áp

Nghiên cứu cho thấy một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa giúp giảm đáng kể huyết áp. Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu từ Trường Cao đẳng Tim mạch Hoa Kỳ năm 2019 cho thấy, một giấc ngủ vào buổi trưa có hiệu quả trong việc giảm huyết áp tương tự như việc thay đổi các lối sống khác, ví dụ như cắt giảm lượng muối hay không uống rượu.

Giấc ngủ ngắn vào buổi trưa có thể giảm huyết áp tới 5 mm Hg. Tác dụng này có thể so sánh với việc dùng thuốc giảm huyết áp liều thấp - thường giảm huyết áp từ 5 - 7 mm Hg.

Chỉ cần giảm 2 mm Hg huyết áp đã có thể giúp cơ thể bạn giảm nguy cơ đau tim tới 10%.

4. Tâm trạng tốt hơn

Một giấc ngủ trưa sẽ giúp bạn cải thiện tâm trạng vô cùng tuyệt vời. Giấc ngủ ngắn giúp tăng cường năng lượng, vượt qua sự uể oải buổi chiều. Nó cũng được chứng minh giúp tăng sự tích cực và tăng khả năng chịu đựng sự thất vọng, giảm bớt mệt mỏi và giảm sự cáu kỉnh.

Nên ngủ trưa trong bao lâu?

Để giúp bạn cảm thấy thoải mái và tỉnh táo hơn, một giấc ngủ trưa thường kéo dài trong khoảng 10-20 phút. Nếu ngủ quá ít hoặc quá nhiều, cơ thể bạn có thể cảm thấy uể oải, chệnh choạng và mệt mỏi hơn cả trước khi ngủ. Ngủ trưa quá lâu còn có thể ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ vào ban đêm, đặc biệt là đối với những người thường xuyên bị mất ngủ

Ngủ trưa có tốt không? Nên ngủ trưa trong bao lâu? - 2

Trẻ em và người lớn có nhu cầu ngủ khác nhau và nhu cầu này cũng thay đổi trong suốt cuộc đời mỗi người. Ở trẻ em, khuyến nghị thời gian ngủ trưa thay đổi theo độ tuổi như sau:

- 0-6 tháng: 2-3 giấc ngủ ngắn ban ngày kéo dài từ 30 phút đến 2h mỗi lần.

- 6-12 tháng: 2 giấc ngủ ngắn mỗi ngày, kéo dài từ 20 phút đến vài giờ.

- 1-3 tuổi: 1 giấc ngủ trưa kéo dài 1-3h.

- 3-5 tuổi: 1 giấc ngủ trưa kéo dài 1-2h.

- 5-12 tuổi: 1 giấc ngủ trưa kéo dài 10-20 phút hoặc không cần ngủ trưa nếu đã ngủ đủ 10-11h mỗi đêm.

Thời điểm tốt nhất để ngủ trưa phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như công việc hoặc độ tuổi của bạn. Tuy nhiên đối với hầu hết mọi đối tượng, thời gian ngủ trưa tốt nhất thường là vào đầu giờ chiều. Không nên ngủ trưa sau 3h chiều vì nó có thể gây phản tác dụng.

Những sai lầm khi ngủ trưa

1. Ăn quá nhiều trước khi ngủ trưa

Việc ăn quá nhiều trước khi ngủ trưa sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Cụ thể, việc này sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa. Khi dạ dày vừa lấp đầy thức ăn nhưng lại đi ngủ ngay, một lượng máu lớn sẽ chảy đến dạ dày, huyết áp giảm, oxy và chất dinh dưỡng trong não giảm, gây hại cho sức khỏe nói chung.

Khuyến cáo của nhiều nhà khoa học là sau khi ăn trưa, hãy nghỉ ngơi ít nhất 10 phút trước khi ngủ trưa.

Ngủ trưa có tốt không? Nên ngủ trưa trong bao lâu? - 3

2. Thời gian ngủ trưa quá dài

Ngủ trưa mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng việc ngủ trưa quá nhiều lại gây phản tác dụng. Một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa sẽ giúp bạn trở nên tỉnh táo, tập trung hơn vào buổi chiều. Tuy nhiên, nếu ngủ trưa quá lâu sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái khó thức dậy, từ đó khiến cơ thể mệt mỏi, căng thẳng, bộ não phải mất nhiều thời gian hơn để đưa cơ thể về trạng thái bình thường. Chưa kể, việc ngủ trưa quá nhiều còn có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ vào ban đêm.

3. Ngồi ngủ

Ngồi ngủ là thói quen của rất nhiều dân văn phòng vì nhiều lý do. Thực tế, việc ngồi ngủ gây ra rất nhiều tác hại cho sức khỏe.

Việc ngồi ngủ sẽ khiến nhịp tim chậm lại, thể tích mạch máu sẽ tăng lên và tốc độ lưu thông máu trong cơ thể cũng sẽ chậm lại tương đối. Nó có thể gây chóng mặt và mờ mắt sau khi thức dậy. Với người già và người có chức năng tim kém cần hết sức chú ý.

Tác hại khi ngủ quá nhiều hoặc quá ít

Ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều có thể có những tác động tiêu cực tới sức khỏe của bạn.

1. Tác hại của ngủ quá nhiều

Ngủ quá nhiều có thể khiến bạn có nguy cơ mắc một số bệnh như: bệnh tim, béo phì, bệnh tiểu đường loại 2, chết sớm...

2. Tác hại của thiếu ngủ

Ngủ quá ít cũng tác động tiêu cực tới sức khỏe của bạn. Nó sẽ gây ra cảm giác buồn ngủ, cáu kỉnh, căng thẳng và mất tập trung, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học tập, công việc và cuộc sống. Bên cạnh đó, việc thiếu ngủ còn có thể dẫn tới một số căn bệnh như: tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và huyết áp cao; tăng cân; suy giảm trí nhớ; mất tập trung...

Nguồn tham khảo: 

Everything You Need to Know About the Benefits of Napping - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 19/3/2019.

Gừng ngâm mật ong có tác dụng gì? Nên uống gừng ngâm mật ong vào lúc nào?
Cả mật ong và gừng đều có những lợi ích sức khỏe riêng biệt. Do đó, gừng ngâm mật ong đem lại rất nhiều tác dụng tuyệt vời.
Khánh Hằng (Dịch từ Healthline)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe