Dù đã trên 100 tuổi nhưng cụ ông người Brazil vẫn hàng ngày tự lái xe hơi đi làm, chăm sóc người vợ già mắc bệnh.
Bạn đã bao giờ tự hỏi mình có thể làm việc trong một công ty trong bao lâu hay bao nhiêu tuổi thì nghỉ hưu? Walter Orthmann, một cụ ông trăm tuổi người Brazil, đã phá vỡ tưởng tượng của hầu hết mọi người khi không chỉ tiếp tục lao động dù đã hơn 100 tuổi mà còn lập kỷ lục 85 năm làm việc trong một công ty, tính đến tháng 1/2023.
Cụ ông 101 tuổi vẫn làm việc ở một công ty suốt 85 năm
Walter Orthmann, một cụ ông trăm tuổi đến từ Santa Catarina, miền nam Brazil, đã làm việc trong một công ty dệt may hơn 80 năm. Ông thậm chí còn được ghi tên trong sách kỷ lục Guiness. Tháng 1/2023, công ty ông Walter làm việc cũng có bài viết khẳng định ông luôn hoàn thành mọi việc với tinh thần tốt.
Ông Walter Orthmann 101 tuổi đã làm việc tại cùng một công ty trong 85 năm.
Ông Walter xuất thân từ một gia đình nghèo khó, năm 14 tuổi, ông cùng mẹ xin việc ở một nhà máy dệt để kiếm sống. Ban đầu ông chỉ là một nhân viên vận chuyển, sau đó chuyển sang phòng tiếp thị. Trong tuần đầu tiên ở vị trí này, chàng trai trẻ Walter đã bán được đơn hàng lớn giúp nhà máy dệt có công việc kéo dài 3 tháng. Điều này cũng khiến ông muốn dành phần đời còn lại với công việc này. Với những thành tích xuất sắc trong công việc, ông đã được thăng chức thành giám đốc bán hàng.
Năm 1978, ông đã được công ty đề nghị nghỉ hưu nhưng sau đó mau chóng được tuyển dụng lại vì làm việc rất tốt. “Giám đốc điều hành của công ty vào thời điểm đó đã mời tôi làm việc lại và tiếp tục bán hàng,” ông Walter kể lại. “Đến giờ, tôi vẫn nhận được lương hưu và tiền lương".
Nhiều người sẽ cảm thấy thắc mắc về khả năng làm việc ở tuổi 100 của ông nhưng Walter cho biết ông luôn sẵn sàng làm việc với tinh thần chiến đấu cao nhất, chỉ cần thực sự yêu thích thì ông sẽ không cảm thấy chán.
Dù tuổi tác đã cao nhưng ông Watler vẫn có thể tự lái ô tô, tập thể dục hàng ngày và cũng chăm sóc người vợ kém ông 31 tuổi mắc bệnh Parkinson. Tất nhiên, cuộc đời của ông không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ông từng phải chịu nỗi đau mất người vợ đầu tiên năm 1978 và năm 2021, con trai ông đã qua đời vì mắc COVID-19. Năm 75 tuổi, ông phải cắt bỏ một quả thận vì không uống đủ nước.
Ông Walter vẫn tự lái ô tô đi làm và chăm sóc người vợ thứ hai đang bị bệnh.
Thế nhưng tất cả những điều đó không ngăn được ống tiếp tục cuộc sống. Trong một bài phỏng vấn, ông cho biết cuộc sống với một lịch trình đều đặn đã khiến ông có động lực để thức dậy mỗi ngày và công việc khiến ông hạnh phúc và khỏe mạnh.
Cách ăn uống để sống 100 tuổi: Không ăn thực phẩm hại đường ruột, ăn ít đường và muối
Walter Orthmann cho biết ông không ăn những thực phẩm có hại cho đường ruột, tránh muối, đường, đồ uống có ga và chỉ ăn những thực phẩm tốt cho cơ thể vì nghĩ rằng điều này có thể giúp cơ thể khỏe mạnh lâu dài. Ông đã duy trì thói quen ăn uống của mình trong hơn 60 năm, có nghĩa là ông đã chú ý đến sức khỏe của mình kể từ khi khoảng 40 tuổi.
Ngoài chức năng tiêu hóa, đường ruột còn là “cơ quan miễn dịch” quan trọng của cơ thể con người, 70% tế bào miễn dịch nằm trong đường ruột. Theo một nghiên cứu do Hiệp hội Tim mạch Mỹ công bố vào năm 2022, ăn quá nhiều thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn...) có thể khuyến khích vi khuẩn xấu trong ruột, sau đó tiết ra nhiều chất chuyển hóa của vi khuẩn có thể gây hại cho cơ thể con người và gây nguy hiểm cho sức khỏe tim mạch.
Ông Walter Orthmann với giấy chứng nhận Kỷ lục Guinness Thế giới. Ảnh: Kỷ lục Guinness thế giới
Huang Yuchun, bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng tại Bệnh viện Cơ đốc phục lâm Đài Loan, đã chỉ ra rằng ruột sẽ tương tác với não thông qua "trục não-ruột", do đó ảnh hưởng đến sức khỏe của não. Để duy trì đường ruột khỏe mạnh, ngoài việc bổ sung đầy đủ chất xơ, bạn cũng cần bổ sung các chất dinh dưỡng sau:
- Vitamin A: Duy trì sức khỏe của niêm mạc ruột và có thể được hấp thụ thông qua cà rốt, rau bina, bí ngô, cá hồi và các thực phẩm khác.
- Vitamin D: Điều chỉnh chức năng miễn dịch và có thể được hấp thụ qua cá hồi, nấm đen và trứng.
- Kẽm: Đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các tế bào miễn dịch và có thể được lấy từ rau bina và hạt bí ngô.
- Axit béo Omega-3: Chống viêm, duy trì cân bằng đường ruột, có thể lấy từ cá hồi, các loại hạt.
Ngoài ra, ăn ít muối, ít đường cũng rất quan trọng đối với người cao tuổi. Hai chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan Chen Manling và Yu Zhuqing từng cảnh báo rằng hấp thụ quá nhiều natri có thể gây ra huyết áp cao, không chỉ làm tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch vành... mà còn có thể gây hại cho thận.
Khuyến cáo mỗi người không nên tiêu thụ quá 2400mg natri (tương đương 6g hay 1 thìa cà phê muối) mỗi ngày. Lưu ý, natri không chỉ có trong muối, bột canh mà bạn nêm vào thức ăn mà còn có trong các loại gia vị, nước chấm và các thực phẩm khác như mì, thịt, rau...
Ngoài ra, nếu lượng đường trong chế độ ăn uống quá cao sẽ dễ gây biến động đường huyết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tổng lượng đường ăn vào của mỗi người không được vượt quá 10% tổng lượng calo trong một ngày. Ví dụ, một người trưởng thành cần tiêu thụ 2.000 calo, lượng đường ăn vào hàng ngày không được vượt quá 200 calo.
Đầu óc minh mẫn nhờ tập thể dục và làm việc mỗi ngày
Ngoài việc kiểm soát chế độ ăn uống, ông Walter Orthmann có tinh thần sảng khoái, đầu óc minh mẫn và trí nhớ tốt, một phần nhờ vào việc ông thường xuyên sử dụng trí não để làm việc và duy trì thói quen tập thể dục. Ở tuổi trên 100, ông không còn giữ chức giám đốc mà làm công việc xử lý hóa đơn hàng ngày, mọi công việc tính toán dù có máy tính hỗ trợ nhưng ông vẫn có thể tự nhẩm tính trong đầu.
"Cho đến tận ngày nay, tôi vẫn có thể tính toán nhanh trong đầu và cảm thấy thật kinh khủng khi đến một cửa hàng và thấy mọi người phân vân không biết họ phải đưa bao nhiêu tiền lẻ. Tôi đã giải quyết xong trước khi đưa hóa đơn cho họ", ông Walter chia sẻ.
Ông Walter trong dịp sinh nhật 100 tuổi.
Đối với ông Walter, làm việc là chìa khóa để tồn tại và kéo dài tuổi thọ. Ông cho rằng công việc là lý do để ông thức dậy mỗi sáng và giúp ông không ốm yếu hay mệt mỏi, chán chường. Walter cho biết hầu hết bạn bè của ông đã qua đời sau khi nghỉ hưu, và nếu họ không lấp đầy thời gian bằng một số việc nhất định, thì họ thực sự đang chờ chết. Lời khuyên của ông Walter là hãy tiếp tục làm việc khi có thể và làm trong lĩnh vực mà bạn yêu thích.
Ngoài ra, tập thể dục còn giúp ông duy trì đủ năng lượng và sức lực. Mỗi ngày, ông Walter dậy sớm tập thể dục một tiếng với các hoạt động nhữ giãn cơ, ngồi thiền, điều chỉnh hơi thở.
Theo dữ liệu giáo dục sức khỏe của Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, hoạt động thể chất vừa phải có thể làm giảm bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú. Đồng thời củng cố xương và cơ bắp, ngăn ngừa té ngã và đảm bảo khả năng sinh hoạt hàng ngày.
WHO khuyến nghị những người trên 65 tuổi nên tham gia ít nhất 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải hoặc 75 phút tập thể dục cường độ cao mỗi tuần thông qua đi bộ, khiêu vũ, bơi lội, yoga, thái cực quyền và các bài tập khác.
Về lợi ích của việc tập thể dục đối với não bộ, một nghiên cứu được công bố trên JAMA Neurology cho thấy đi bộ 3.800 bước mỗi ngày có thể giảm 25% nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và đi bộ 9.826 bước có thể giảm 50% nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.