Gần đây, gương mặt cô Vương đột nhiên xuất hiện vệt đỏ dài bỏng rát kèm theo nổi mụn nước, mưng mủ khiến cô phải tới bệnh viện khám.
Thời tiết mùa hè nóng bức cũng là thời điểm các loài côn trùng, sâu bọ sinh sôi. Gần đây, cô Vương sống ở gần khu vực đồi núi đột nhiên thấy mặt sưng tấy lên thành một vệt dài, nổi mụn nước và hơi mưng mủ tưởng bị bỏng nên vội vàng tới khoa Da liễu của Bệnh viện số 3 tại thị trấn Dư Hàng (Trung Quốc).
Bác sĩ Trần Ba, phó khoa da liễu đã cẩn thận kiểm tra và nhận định vết đỏ trên khuôn mặt của bà Vương không phải là vết bỏng mà là viêm da cấp tính do tiếp xúc với côn trùng có nọc độc.
Lúc này cô Vương mới nhớ ít hôm trước khi đang rửa mặt, một con côn trùng lạ đã đậu lên má cô. Theo thói quen, cô Vương lấy tay đập chết con côn trùng khi vẫn còn đang đậu trên mặt. Sau khi rửa mặt, cô Vương cảm thấy da mặt đột nhiên trở nên nóng rát và có một vệt đỏ dài khoảng 10cm. Tuy nhiên khi đó cô chỉ nghĩ có thể do móng tay cào xước nên nhanh chóng bỏ qua.
Vài ngày sau, vết đỏ vẫn không biến mất mà ngày càng rõ hơn và cả má, mắt cô đều sưng vù. Lúc này, cô Vương mới vội vàng đi khám và được chẩn đoán nhiễm nọc độc từ côn trùng. Bác sĩ Chen nghi ngờ loại côn trùng gây nên tình trạng của cô Vương là kiến ba khoang.
Xem thêm: Cách đuổi kiến với chanh và bạc hà.
Nọc độc của kiến ba khoang mạnh gấp 15 lần nọc rắn
Cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng vì tiếp xúc với lượng nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
Nếu thấy chúng bám lên da, tốt nhất nên gạt nhanh chúng đi, tuyệt đối không được đập chết ngay trên da hay nghiền nát chúng sẽ vô tình khiến độc tố từ cơ thể chúng chảy ra bám dính vào da gây bỏng, viêm da.
Triệu chứng khi bị kiến ba khoang đốt
- Ban đầu da dát đỏ thành đám, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.
- Nếu thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
Biện pháp xử trí khi đã tiếp xúc với nọc độc kiến ba khoang
- Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác.
- Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng... Chú ý các biểu hiện để khám bác sĩ da liễu khi cần thiết.