Danh hài Chí Tài qua đời vì đột quỵ: Quy tắc nhận biết đột quỵ chỉ trong 1 phút

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 09/12/2020 17:33 PM (GMT+7)

Khi bị đột quỵ nếu nhận biết sớm, đưa bệnh nhân đến bệnh viện trong khoảng “thời gian vàng” thì cơ hội cứu sống rất cao.

Cảnh báo người già dễ bị đột quỵ vì tập thể dục quá sớm

Ngày 9/12, thông tin danh hài Chí Tài qua đời ở tuổi 62 khiến không ít fan vô cùng đau buồn, thương xót. Nguyên nhân khiến danh hài Chí Tài tử vong được cho là bị đột quỵ sau khi chạy bộ thể dục ở quanh khu chung cư.

Danh hài Chí Tài qua đời vì đột quỵ: Quy tắc nhận biết đột quỵ chỉ trong 1 phút - 1

Nghệ sĩ Chí Tài tử vong do đột quỵ khiến nhiều người xót thương.

Nghệ sĩ Chí Tài sinh năm 1958. Trước khi trở thành diễn viên hài, anh là một nhạc sĩ kiêm ca sĩ. Anh là bạn diễn ăn ý suốt 20 năm với Hoài Linh. Thời gian qua, Chí Tài điều trị bệnh tiểu đường. Dù vậy, anh vẫn khỏe mạnh, chăm chỉ tập thể dục. Chí Tài kết hôn với Phương Loan nhưng cả hai không có con. Bà xã nam danh hài hiện sống và làm việc ở Mỹ.

PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đột quỵ hiện đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Theo thống kê, mỗi năm có hơn 230.000 ca đột quỵ, hơn 50% trong số này bị tử vong, 90% các trường hợp bị đột quỵ còn sống để lại các biến chứng: Liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm nhận thức; trầm cảm hay rối loạn cảm xúc; rối loạn tiểu tiện.

Đối với việc đột quỵ khi tập thể dục, nhất là vào sáng sớm mùa đông, hàng năm Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận không ít trường hợp đến cấp cứu. Điển hình như một trường hợp nam giới 50 tuổi, bị đột quỵ khi đi tập thể dục quanh hồ Tây từ lúc 4 giờ sáng. Sau đó, bệnh nhân ngã quỵ trên vỉa hè, may mắn được người đi đường phát hiện nên gọi 115 chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Bạch Mai.

Danh hài Chí Tài qua đời vì đột quỵ: Quy tắc nhận biết đột quỵ chỉ trong 1 phút - 2

Người cao tuổi tập thể dục sớm vào mùa đông dễ bị đột quỵ.

PGS Mai Duy Tôn cho rằng, thói quen tập thể dục quá sớm vào trời lạnh rất phản khoa học, người dân nên thay đổi giờ tập thể dục từ 4-5h sáng thành khung giờ 7-9h. Khi tập, cần căn cứ theo sức chịu đựng, có thể vận động, tập trong nhà.

Những người có bệnh nền như tiểu đường, béo phì,... dễ đột quỵ

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não theo PGS Mai Duy Tôn là do liên quan đến sự hình thành các cục máu đông gây nên tắc nghẽn động mạch. Thời điểm mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp, mạch máu giảm tính đàn hồi dễ co lại và làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch từ đó dễ gây các biến chứng tắc, đứt mạch máu não.

Đột quỵ thường hay xảy ra với người cao tuổi là do cơ thể thích ứng chậm với thay đổi đột ngột của thời tiết, đặc biệt nếu trường hợp mắc các bệnh mãn tính khác như tăng huyết áp sẽ khiến thành mạch máu bị thoái hóa, ảnh hưởng đến tuần hoàn và càng dễ bị tắc nghẽn.

Những người có nguy cơ cao bị đột quỵ thường do mắc tăng huyết áp (chiếm 80% các ca đột quỵ), tiểu đường, loạn nhịp tim, béo phì, tiền sử gia đình có người bị đột quỵ… Đặc biệt, người đã đột quỵ lần một rất dễ bị tái phát với tỷ lệ lên tới 15-18% trong tuần đầu hoặc năm đầu tiên. Do đó những bệnh nhân đã bị đột quỵ cần phải có biện pháp dự phòng.

Danh hài Chí Tài qua đời vì đột quỵ: Quy tắc nhận biết đột quỵ chỉ trong 1 phút - 3

PGS Mai Duy Tôn hướng dẫn cách sơ cứu bệnh nhân đột quỵ.

Nhận biết bệnh nhân đột quỵ chỉ trong vòng 1 phút

Đối với bệnh nhân bị đột quỵ việc đưa đến cấp cứu trong giai đoạn “thời gian vàng” là vô cùng quan trọng để cứu sống và hạn chế những di chứng có thể xảy ra. Theo đó, giờ vàng điều trị đột quỵ khoảng từ 4,5 – 6 giờ kể từ khi phát hiện bị đột quỵ, nếu được đưa đến viện sớm hơn thì càng có giá trị trong điều trị.

PGS Mai Duy Tôn cho biết, chỉ cần thời gian khoảng 1 phút là có thể nhận biết được các dấu hiệu bệnh nhân mắc đột quỵ bằng việc áp dụng quy tắc F-A-S-T. Cụ thể:

- F (Face): Kiểm tra miệng bệnh nhân xem có bị méo không, có thể yêu cầu huýt sáo, nhe răng.

- A (Arm): Giơ 1 tay hoặc 2 tay lên hoặc giơ chân, nếu bệnh nhân không có khả năng hoặc tay, chân rơi xuống nhanh bất thường.

- S (Speech): Yêu cầu bệnh nhân nói những cụm từ đơn giản, nếu giọng méo, nói không trôi chảy là dấu hiệu bất thường.

- T (Time): Nếu có các dấu hiệu trên thì cần khẩn cấp đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Sơ cứu cho người mắc bệnh đột quỵ thế nào

PGS Mai Duy Tôn cho biết, khi phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ cần:

- Cho bệnh nhân nằm cao đầu;

- Nếu bệnh nhân có nôn, rối loạn ý thức cần cho bệnh nhân nằm nghiêng một bên tránh sặc chất nôn vào miệng họng

- Không cho bệnh nhân ăn, uống bất cứ loại thuốc gì, kể cả uống nước lọc. 

- Cố gắng đảm bảo thông thoáng đường thở cho bệnh nhân bằng cách tháo răng giả (nếu có), lau sạch chất nôn, đờm dãi, nới rộng vùng trên ngực để bệnh nhân thông thoáng đường hô hấp.

- Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. 

- Không thực hiện các phương pháp như xoa bóp, bấm huyết, chích nặn máu...

Tưởng bị đột quỵ do uống cà phê, người phụ nữ phát hiện âm mưu đáng sợ trong công ty
Một phụ nữ Ý gần đây đã bị kết án bốn năm tù sau khi cô thừa nhận đã pha thuốc an thần vào đồ uống của một đồng nghiệp làm việc, vì vậy cô sẽ làm việc...
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sao Việt lâm bạo bệnh