Theo bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em, các đồ vật ở những không gian chung như khăn tắm, nhíp, đồ cắt móng tay móng chân, bồn vệ sinh, tay nắm cửa… có thể chứa virus HPV nếu có người mang bệnh đã sử dụng. Các virus này sẽ truyền sang người lành thông qua vết thương hở.
Đừng nghĩ virus HPV chỉ gây ung thư cổ tử cung ở nữ
HPV là tên viết tắt của human papilloma virus - virus gây u nhú ở người. Có khoảng 100 loại HPV ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Khoảng 40 loại HPV có thể gây ra các bệnh về đường sinh dục bao gồm: âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, dương vật, bìu, cũng như trực tràng và hậu môn… Trong số đó, khoảng 15 loại được coi là có “nguy cơ cao” dẫn đến ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, ung thư hậu môn và ung thư hầu họng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus HPV không chỉ lây bệnh cho nữ mà còn cho cả nam giới. Thống kê của tổ chức này cho thấy, trong năm 2019 có khoảng gần 600 triệu người, gồm cả nam và nữ bị nhiễm virus HPV. Độ tuổi nhiễm bệnh thường là 18-30 tuổi.
BS.CKII Đoàn Văn Lợi Em đang khám cho một nam thanh niên mắc bệnh về đường tình dục. Ảnh: BVCC.
Mới đây, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã khám và điều trị cho anh Lâm Tuấn Kiệt (30 tuổi, ở TP Thủ Đức) bị nhiễm virus này. Anh cho biết, trước đó có "tình một đêm" với người phụ nữ quen qua ứng dụng hẹn hò. Sau quan hệ được 3 tháng, anh thấy “cậu nhỏ” có nốt đỏ kèm ngứa nhẹ nên lo lắng. Khi nghe bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm virus HPV, anh Kiệt bất ngờ, vì từng nghĩ loại virus này không lây bệnh cho nam giới.
Theo BS.CKII Đoàn Văn Lợi Em, Trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, virus HPV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Chính điều này đã khiến nhiều nam giới cho rằng, đây chỉ là bệnh của phụ nữ. “Virus HPV rất phổ biến và dễ lây lan. Bất cứ ai, ở độ tuổi nào cũng có thể nhiễm bệnh. Con đường lây virus này cho nam cũng thường qua bộ phận sinh dục, hậu môn và miệng khi “yêu” không an toàn”, bác sĩ Em cảnh báo.
Bác sĩ Lợi Em cho biết, nam giới nhiễm virus HPV có những biểu hiện khác nhau, điển hình là sùi mào gà. Biểu hiện ban đầu là xuất hiện những nốt sần sùi dạng súp lơ hoặc dạng phẳng ở vùng quy đầu, bao quy đầu, thân dương vật, bìu hoặc xung quanh hậu môn.
Khăn tắm là một trong những vật dụng dễ chứa virus HPV. Ảnh minh họa.
Trường hợp nhẹ, người bệnh chỉ có thể thấy ngứa nhẹ. Trường hợp nhiễm phải những dạng virus nguy cơ cao của HPV thì có thể dẫn đến bị ung thư dương vật, ung thư hậu môn và ung thư hầu họng. Biểu hiện lúc này thường là những khối sùi, tiến triển to dần theo thời gian.
Vì vậy, bác sĩ Lợi Em khuyến cáo, chúng ta nên tự phòng bệnh cho mình bằng cách chung thủy một vợ một chồng hoặc một bạn tình. Trong trường hợp “không may”, hãy sử dụng bao cao su để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
HPV là virus rất thích vết thương hở
Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, trưởng Khoa Ung bướu một bệnh viện tư ở Hà Nội, virus chủ yếu lây qua đường tình dục nhưng nó không lây truyền qua các chất dịch cơ thể như tinh dịch hoặc nước bọt, mà là do tiếp xúc da với da. Tức là, khi một người tiếp xúc với màng nhầy ở miệng, môi, hậu môn, các bộ phận của cơ quan sinh dục hoặc vết nứt trên da, chẳng hạn như vết rách âm đạo của người bệnh thì có nguy cơ cao nhiễm virus này.
Ngoài ra, virus HPV còn có thể xâm nhập vào cơ thể người lành thông qua vết thương hở trên da. Con đường này thường do người lành tiếp xúc với người đang mắc bệnh thông qua các vết thương hở, vết xước trên người hoặc lây truyền gián tiếp qua việc sử dụng các vật dụng chung với người mắc bệnh.
Để phòng virus HPV, tốt nhất hãy tiêm vắc xin phòng bệnh này. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Em cho biết, các vật dụng trong nhà là nơi có thể ẩn chứa virus HPV nếu trong gia đình có người đang mang loại virus này như như khăn tắm, đồ lót, kim bấm sinh thiết, đồ cắt móng tay móng chân, nhíp, tay nắm cửa nhà tắm, bồn vệ sinh… “Trẻ em hay người trong gia đình thường nhiễm HPV qua các con đường này nếu cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ đang mắc bệnh”, bác sĩ Em lưu ý.
Virus HPV cũng có thể trú ngụ nhiều trên các đồ dùng như khăn tắm, bồn cầu, tay nắm cửa ở nhà vệ sinh công cộng, bể bơi, phòng tập gym, nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở làm đẹp, tiệm làm móng… nếu người có virus sử dụng nhưng không được xử lý kỹ.
Bác sĩ Em khuyến cáo, tốt nhất chúng ta không nên sử dụng chung các đồ dùng dễ làm nơi trú ngụ cho virus HPV như khăn tắm, đồ cắt móng tay móng chân, nhíp, đồ lót… Khi đến những nơi công cộng, tốt nhất hãy sử dụng khăn tắm, đồ dùng của cá nhân mang theo. Trong trường hợp phải dùng khăn tắm của nhà nghỉ, phòng khách sạn… thì nên tìm hiểu xem nó đã được xử lý kỹ hay không.
Để phòng bệnh HPV hiệu quả nhất là cả nam và nữ nên tiêm vắc xin phòng ngừa virus này khi 11 tuổi và nên hoàn thành các mũi tiêm trước 26 tuổi.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.