Khi trẻ em bị ngộ độc nếu không xử lý nhanh và kịp thời sẽ rất nguy hiểm. Dưới đây là một số dấu hiệu và cách xử lý khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm.
Hiện nay thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường thực phẩm bẩn. Nếu vô tình ăn phải những loại thực phẩm bẩn thì có khả năng bị ngộ độc, nhất là với trẻ em vì sức đề kháng còn yếu.
Xử lý khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm
Theo bác sĩ Hồ Minh Thắng, khi phát hiện bé bị ngộ độc thì nên ngưng ngay các thực phẩm nghi ngờ làm trẻ bị ngộ độc. Thực phẩm tác nhân đó có thể là độc chất ta đã biết như cá nóc, hoặc thực phẩm quá hạn sử dụng, ôi thiu môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tăng sinh, tiết độc tố. Và đôi khi là thực phẩm mới, lạ với cơ thể bé được hấp thu với số lượng lớn. Sau khi ngừng thực phẩm đó ta nên tiếp tục theo dõi, bé sẽ có thể có các triệu chứng sau đây: sốt, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng,…..
Nếu vô tình ăn phải những loại thực phẩm bẩn thì có khả năng bị ngộ độc, nhất là với trẻ em vì sức đề kháng còn yếu. Ảnh: Internet
Với từng trường hợp cụ thể có các bước xử trí tương ứng: sốt ta có thể cho thuốc hạ sốt bằng đường uống hoặc nhét hậu môn nếu bé nôn, trong thời gian chờ đợi hạ sốt ta có thể lau mát bé thêm. Nôn ói ta có thể cho bé ngồi ói hoặc nằm nghiêng đầu để tránh hít sặc lên mũi gây cảm giác khó chịu hoặc xuống phổi gây viêm phổi, có thể kèm theo tiêu chảy hoặc đau bụng, trong thời gian này nên hạn chế ngăn cản bé nôn thức ăn không phù hợp ra ngoài cũng như đào thải phân.
Nhưng đây cũng là giai đoạn bé có thể mất nước và rối loạn điện giải do nôn ói và tiêu chảy nhiều nên cần phải bồi hoàn nhiều nhất có thể để tránh các biến chứng có thể xảy ra như sốc giảm thể tích, co giật,…. Đa phần ngộ độc thực phẩm nhẹ bé sẽ tự cầm sớm sau khi được bồi hoàn đầy đủ, nhưng với những trường hợp ngộ độc nặng hoặc có những triệu chứng nặng như mất nước, mắt trũng, nôn ói nhiều, mệt mỏi, lừ đừ, vật vã nên đưa bé đến cơ quan y tế gần nhất để có phương pháp xử trí kịp thời.
Phòng ngừa ngộ độc thức ăn cho trẻ
Cũng theo bác sĩ Thắng, chúng ta cần lưu ý từ khâu chọn thực phẩm nên sử dụng thực phẩm còn tươi mới, không nên sử dụng đồ đông lạnh.
Bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh để chung thực phẩm sống và thực phẩm chín cùng nơi, tránh để thức ăn bị hỏng, ôi thiu.
Khâu chế biến thực phẩm đặc biệt quan trọng, đảm bảo chế biến đồ ăn cho trẻ đã chín, không cho trẻ ăn thức ăn còn tái.
Chú ý vệ sinh trước khi tiếp xúc với trẻ, rửa tay sạch sẽ khi chế biến thức ăn cũng như lúc cho trẻ ăn.
Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nhà bếp và các dụng cụ nấu ăn.