Ngộ độc dưa muối là điều rất dễ xảy ra nếu bạn lơ là cảnh giác. Tuy nhiên, để "cai" món này là không cần thiết vì bản thân món này cũng có nhiều lợi ích cho sức khỏe khi dùng đúng cách.
Vừa qua, tại Đà Nẵng xảy vụ ngộ độc của một loạt du khách sau khi ăn thức ăn tại một quán cơm gà nổi tiếng. Nhóm du khách đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, chóng mặt, nôn mửa, đau đầu....
Theo kết quả báo cáo trong ngày 17/5, những người này đã bị ngộ độc do ăn phải món dưa chua chứa vi khuẩn E.Coli vượt mức cho phép.
Thực tế, hàng năm có nhiều trường hợp ngộ độc khi sử dụng món ăn dân dã này vì nhiều lý do khác nhau. Người bị ngộ độc, nhẹ thị đau bụng, tiêu chảy, nặng thì phải nhập viện điều trị như trường hợp ngộ độc tập thể trên đây.
Theo phương pháp truyền thống, món dưa muối được làm từ khá nhiều loại rau, củ tùy theo sở thích của từng người và từng vùng miền chẳng hạn như cải bẹ, cải xanh, củ cải, cà rốt, su hào, ngó sen… Có rất nhiều nguyên nhân cho sự ngộ độc khi dùng thực phẩm này như nguồn nguyên liệu bị tồn dư thuốc trừ sâu quá liều, không đảm bảo vệ sinh...
Mặc dù con bạn có thể thích một vài món dưa muối, nhưng hãy hạn chế cho bé ăn vì hệ tiêu hóa của bé còn chưa hoàn chỉnh. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, có khá nhiều cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận đã tận thu những loại rau, củ, quả bị dập, hư, nhiễm khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng hoặc kém chất lượng, với giá rẻ để chế biến món dưa muối rồi tung ra thị trường.
Hơn nữa, các dụng cụ chứa dưa muối không vệ sinh sạch sẽ sẽ là nguyên nhân gây vi khuẩn gây bệnh.
Những điều cần tránh khi ăn dưa muối
Là một món ăn truyền thống và rất ngon miệng nên việc “cai” là không cần thiết. Tuy nhiên, khi ăn cần lựa chọn dưa muối được ủ đúng cách như: dưa có màu vàng và trắng ngà, giòn, không hăng, tươi màu, không ăn dưa muối xổi, không ăn dưa muối trong thùng nhựa, xô nhựa không hợp vệ sinh….
Những loại dưa muối để lâu, xuất hiện nấm mốc trên bề mặt, hoặc dưa có mùi hôi khú cũng tuyệt đối không sử dụng.
Ngoài ra, một số đối tượng sau đây được khuyên nên hạn chế với món dưa muối:
Dưa muối đúng cách có màu vàng và trắng ngà, giòn, không hăng. (Ảnh minh họa)
- Những người bị đau dạ dày
Dưa chua chứa nhiều muối, tính a xít và có thể cay hoặc rất cay, như món kim chi chẳng hạn. Do vậy người đau dạ dày nên rất hạn chế ăn món dưa chua, mặc dù đó có thể là món khoái khẩu của bạn.
Ngay cả khi bạn chưa từng bị đau dạ dày, đừng ăn dưa chua lúc đói hoặc ngay đầu bữa ăn vì có thể làm cho dạ dày bạn cồn cào hoặc lấn át vị giác của các món ăn tiếp theo.
- Người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh gan
Dưa muối thường có nhiều muối và vị mặn, cay đặc trưng. Đó đều là những thứ các chuyên gia dinh dưỡng khuyên tránh dùng ở người bệnh tim, tăng huyết áp hoặc bệnh gan, thận vì muối và các gia vị kích thích có thể tăng những nguy cơ bất lợi cho sức khỏe.
- Người có bệnh về đường tiêu hóa
Về bản chất dưa muối có nhiều lợi khuẩn có thể rất tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, các loại dưa muối, nhất là dưa muối xổi, ngâm dấm nhanh có thể không đảm bảo loại trừ hoàn toàn được các loại vi sinh vật gây bệnh có sẵn trong thực phẩm, do vậy có thể làm đường tiêu hóa của bạn có vấn đề hơn.
- Phụ nữ mang thai
Khi mang thai, dường như đường tiêu hóa của mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn, nhất là khi nghén, trong khi dưa chua có thể trở thành một thực phẩm kích thích, làm tăng cảm giác đầy bụng, buồn nôn. Hơn nữa, bạn sẽ không chắc chắn về độ an toàn của các thực phẩm và các chất phụ gia có thể thêm vào dưa muối có ảnh hưởng như thế nào đến bạn và em bé trong bụng. Do vậy, lời khuyên của các chuyên gia là: Hãy tạm dừng món dưa muối khi bạn mang thai.
- Trẻ em
Mặc dù con bạn có thể thích một vài món dưa muối, nhưng hãy hạn chế cho bé ăn vì hệ tiêu hóa của bé còn chưa hoàn chỉnh. Bạn nên bổ sung các lợi khuẩn cho bé từ các sản phẩm khác tốt hơn như sữa chua, men tiêu hóa... hơn là cho bé ăn dưa chua.