Nếu lượng đường trong máu quá cao thì phản ứng có thể nhanh nhưng không chính xác, như người nhanh nhảu rồ ga khi đèn chưa đổi.
Ngồi trước xe nước mía ngắm thiên hạ qua lại vào giờ tan sở đã từ lâu không còn là một trong các thú tiêu khiển đượm nét “Lão Trang” của người Sài Gòn. Không ai vui gì nếu phải hít bụi đường, vừa nghe tiếng chửi thề inh ỏi vì kẹt xe lại thêm ly nước mía đồng thanh tương ứng với vi khuẩn! Càng buồn hơn nữa khi quan sát phản ứng đa dạng của người lái xe ở chốt đèn xanh, đèn đỏ.
Vai trò quan trọng của khoáng tố crôm
Nếu diễn đạt bằng ngôn ngữ của thầy thuốc dưới góc nhìn nâng phần “đường huyết”, phản ứng trong từng trường hợp cá biệt tùy thuộc vào hàm lượng và vận tốc vận chuyển chất đường từ máu vào tế bào để biến đổi thành năng lượng cần thiết cho dẫn truyền thần kinh. Nói một cách tương đối, nếu lượng đường trong máu quá cao thì phản ứng có thể nhanh nhưng không chính xác, như người nhanh nhảu rồ ga khi đèn chưa đổi. Lâu dần thì phản ứng trở thành cường điệu, người bị tiểu đường vì thế có khuynh hướng hấp tấp với cử chỉ thái quá. Ngược lại, nếu lượng đường trong máu quá thấp thì phản ứng phải chậm chạp, đối tượng thường xuyên có lượng đường trong máu thấp hơn bình thường do đó hay bị chê vì chậm chạp ù lì, như người đợi đèn xanh rồi mới chậm rãi đeo… khẩu trang!
Như thế người có quyết định sáng suốt, có phản ứng kịp thời chẳng qua là người may mắn có lượng đường trong máu đúng với trị số lý tưởng cho dẫn truyền thần kinh. Khéo léo hay vụng về, nhanh trí hay chậm nghĩ, trên thực tế biết đâu chỉ gom về một vấn đề cơ bản. Đó là còn hay đã “hết đường ăn thua”!
Trên cơ sở vừa phân tích, có thể tái lập quân bình cho phản ứng nếu có cách nào kiểm soát vận tốc phân phối chất đường trên tuyến giao thông từ máu vào tế bào. Quy trình này chịu ảnh hưởng của một khoáng tố tuy có hàm lượng rất thấp trong cơ thể nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng của chiếc nến lửa trong động cơ máy nổ. Đó là khoáng tố crôm. Khả năng hấp thu khoáng tố crôm từ nguồn thực phẩm bị giảm thiểu rõ rệt từ tuổi 40. Đây chính là một trong các lý do tại sao bệnh tiểu đường có khuynh hướng bột phát vào lứa tuổi trung niên. Thêm vào đó, cuộc sống căng thẳng, chế độ dinh dưỡng đơn điệu thiếu hẳn rau trái tươi, khuynh hướng lạm dụng thực phẩm công nghệ như bánh kẹo, đường cát, bột ngọt… cũng là yếu tố gây thất thoát nguồn dự trữ khoáng tố crôm trong khi khoáng tố này có nhiều trong gạo lức, mè, hạt điều, đậu phộng, măng tây, a-ti-sô. Không khó để cơ thể đừng thiếu crôm nếu thỉnh thoảng lưu tâm hơn một chút đến khẩu phần ăn thường ngày.
Ăn nhiều rau trái tươi, kết hợp với nhiều dạng ngũ cốc nhằm đa dạng hóa khẩu phần thường ngày… chính là bí quyết để tự ổn định lượng đường trong máu.
Thay đổi thói quen ăn uống
Báo động về bệnh tiểu đường là điều rõ ràng quá đúng. Nhưng nếu tất cả trục giao thông đều là đường một chiều thì sẽ bất lợi không ít cho khách đi đường. Tình trạng lượng đường trong máu thấp hơn bình thường cũng cần được chú trọng như bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu nếu thấp sẽ là tiền đề dẫn đến nhiều thể dạng rối loạn biến dưỡng với hậu quả về lâu về dài cũng không kém phần trầm trọng. Tụt đường huyết vì thế cũng cần được quan tâm như bệnh tiểu đường.
Chuyện gì mù mờ cũng phức tạp. Lượng đường trong máu nếu quá cao hay quá thấp đều không tốt cho người bệnh nhưng lại đơn giản cho nhà điều trị. Tệ hơn nhiều là tình trạng lượng đường trong máu khi trồi khi sụt, lúc thì quá cao, khi lại quá thấp. Vì thế chế độ dinh dưỡng chú trọng đảm bảo nguồn cung ứng khoáng tố crôm chính là chìa khóa của vấn đề. Hình thức ăn uống đặt nặng vào rau trái tươi, lại biết kết hợp với nhiều dạng ngũ cốc nhằm đa dạng hóa khẩu phần thường ngày, quyết tâm sử dụng trong tiết độ các loại thực phẩm công nghệ trên tinh thần càng ít càng tốt khi đã bước qua tuổi tứ tuần, chính là bí quyết để tự ổn định lượng đường trong máu. Ngày nào vẫn còn người nêm đường vào ly cà phê như nấu chè thì các đại gia sản xuất thuốc tiểu đường sẽ tiếp tục yên tâm ăn ngon ngủ yên. Khẩu vị, như cuộc sống, chỉ là thói quen. Tập hoài sẽ quen.
Ý thức của bản thân
Vơ đũa cả nắm tất nhiên dễ hố. Trên đường phố Sài Gòn vẫn còn nhiều người tỉnh bơ rồ ga khi đèn đỏ. Tình trạng này không hẳn có liên quan đến khoáng tố crôm. Rất có thể các đối tượng đó chẳng may bị “bệnh loạn sắc có giai đoạn” nên lâm vào cảnh trông gà hóa cuốc, cứ thấy đèn đỏ thì chóa ra đèn xanh! Cũng có thể vì não bộ thiếu dưỡng chất hay thành phần nào đó nên hoạt động cường điệu khiến gia chủ nhìn đèn giao thông theo kiểu sắc sắc không không, có mà như không. Trong trường hợp này thì thuốc khoáng tố có uống bao nhiêu cũng vô dụng. Muốn điều trị tận gốc thì bên cạnh biện pháp răn đe cho công minh, cho đích đáng, chỉ còn nước trông cậy vào quyết tâm “tiên học lễ, hậu học văn” của ngành giáo dục.
Bên cạnh đó, cũng còn một số không ít người tuy mắc bệnh “đái đường” kinh niên nhưng lại không cần phải dùng thuốc hạ đường huyết. Với số đối tượng này thì thầy thuốc nhiều kinh nghiệm với cuộc sống chỉ cần khuyên bệnh nhân hai điều rất đơn giản. Đó là bớt uống nước dọc đường và ráng về đến… nhà!
Biết tả sao cho xiết ý nghĩa sống động nhưng đầy mâu thuẫn của cuộc sống ở một góc đèn đỏ, đèn xanh. Cuộc đời liệu còn phức tạp đến thế nào nếu không có đèn xanh, đèn đỏ? Nhưng cuộc đời có thể trở nên đơn giản biết bao nếu không cần đến đèn xanh, đèn đỏ?