Đi khám vì đau hông, nam thanh niên Hà Nội phát hiện bệnh ở chỗ hiểm

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 26/06/2021 21:11 PM (GMT+7)

Vì chủ quan, đi khám quá muộn không ít thanh niên gặp khó khăn trong điều trị ung thư, thậm chí ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống cũng như khả năng sinh sản sau này.

TS.BS.Nguyễn Đình Liên

Trưởng Khoa Ngoại Thận-Tiết niệu, Bệnh viện E

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Mất một bên tinh hoàn vì không đi khám sớm

TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu (Bệnh viện E) cho biết, thời gian gần đây khoa tiếp nhận nhiều thanh niên mắc ung thư tinh hoàn tế bào mầm, điều đáng nói các thanh niên này đều đến bệnh viện khám khi đã quá muộn, nguyên nhân là do tâm lý e ngại, tâm lý chủ quan.

“Việc bệnh nhân khám và phát hiện muộn ung thư tinh hoàn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sinh hoạt, thậm chí là tính mạng của người bệnh”, TS Liên cảnh báo. 

Mới đây nhất, TS Liên đã tiếp nhận một trường hợp thanh niên 19 tuổi, ở Hà Nội đến khám khi phát hiện vùng bìu phải có khối cứng và lớn dần nhưng ấn vào không đau. Do không bị đau nên nam thanh niên chủ quan không đi khám, chỉ khi thấy những cơn đau ở hông ngày càng nhiều, thanh niên này mới đến bệnh viện kiểm tra.

Tại đây, bác sĩ phát hiện có một khối u tinh hoàn ở bìu phải đã di căn. Khi được bác sĩ thông báo kết quả, thanh niên vô cùng lo lắng, thậm chí đề nghị kiểm tra lại. Tuy nhiên, kết quả đã quá rõ ràng nên các bác sĩ tư vấn hướng điều trị cho người bệnh.

Sau khi tư vấn cho bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một bên tinh hoàn cho nam thanh niên và làm giải phẫu bệnh, kết quả cho thấy, đây là u tinh hoàn ác tính. 

Ung thư tinh hoàn ít gặp nên nhiều người chủ quan. (Ảnh minh họa)

Ung thư tinh hoàn ít gặp nên nhiều người chủ quan. (Ảnh minh họa)

Bệnh ít gặp nhưng đừng chủ quan

Theo TS Liên, ung thư tinh hoàn là bệnh của nam giới, tỷ lệ ít gặp. Bệnh có tiên lượng điều trị khỏi cao, tăng thời gian sống nếu bệnh được chẩn đoán càng sớm càng tốt. Trường hợp nếu sờ thấy u cục ở tinh hoàn, bẹn bìu hay đau tinh hoàn kéo dài, hãy đến khám tại bệnh viên chuyên khoa hoặc khoa thận tiết niệu - nam học để được chẩn đoán, sàng lọc và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân chính gây bệnh này đó chính là tinh hoàn ẩn. Những người có tinh hoàn ẩn thì 80%-85% trong số họ bị ung thư ở chính tinh hoàn ẩn đó và 15%-20% xảy ra ở tinh hoàn đối bên. Những yếu tố khác gây bệnh ung thư tinh hoàn đó là tiền sử quai bị, tràn dịch màng tinh hoàn, thoát vị bẹn, tiền sử đã bị ung thư tinh hoàn.

Có thể tự khám để phát hiện sớm ung thư tinh hoàn

Thông thường người bị ung thư tinh hoàn có các dấu hiệu sau:

-  Bệnh nhân thường thấy tăng kích thước của bìu, có thể co kéo thừng tinh hoặc có cảm giác nặng bìu;

- Sờ thấy khối u tinh hoàn, không đau;

- Đau bụng đối với những trường hợp có tinh hoàn ẩn;

- Nổi hạch bất thường vùng bẹn, hạch cổ;

- Thăm khám tinh hoàn, so sánh hai bên.

TS Nguyễn Đình Liên cho biết, mọi nam giới có thể tự khám tinh hoàn bằng cách:

- Đứng trước gương xem có sưng ở vùng tinh hoàn không.

- Kiểm tra tinh hoàn bằng hai tay, ngón giữa ở dưới và ngón cái ở trên tinh hoàn.

- Nắn nhẹ nhàng hai bên tinh hoàn, đừng quá lo lắng nếu thấy tinh hoàn hai bên không đều nhau vì đó là bình thường.

- Kiểm tra mào tinh hoàn, đây là một ống mềm nằm phía sau tinh hoàn có nhiệm vụ chứa tinh trùng.

- Vị trí phổ biến nhất của u tinh hoàn là phía hai bên, cũng có thể ở phía trước.

- Có thể kiểm tra bất cứ lúc nào cảm thấy thuận lợi, đơn giản nhất là kiểm tra sau mỗi lần tắm.

- Nếu phát hiện điều gì bất thường thì nên đến bệnh viện chuyên khoa để khám phát hiện sớm ung thư, tránh để bệnh quá muộn. Đây là bệnh ung thư có thể chữa khỏi ở giai đoạn sớm.

Khi tự khám thấy có dấu hiệu bất thường người bệnh cần đến các thầy thuốc chuyên khoa khám để phát hiện bằng các phương tiện, kỹ thuật hiện đại, đặc biệt với người có tinh hoàn ẩn.

Nam sinh Hà Nội đặt tinh hoàn nhân tạo để tự tin với bạn gái
Khiếm khuyết ở vùng nhạy cảm vì bị cắt một bên tinh hoàn khiến Hùng trầm cảm, bác sĩ quyết định đặt tinh hoàn nhân tạo cho anh.

Ths.Bs.Nguyễn Đình LiênThs.Bs.Nguyễn Đình Liên

Trưởng Khoa Ngoại Thận-Tiết niệu, Bệnh viện E

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe sinh sản nam giới