Ung thư tinh hoàn là bệnh xảy ra ở nam giới độ tuổi 20-40. Bệnh tiến triển thầm lặng nên nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi đã di căn.
Theo Bác sĩ Nguyễn Hoàng Sáng, khoa Ngoại Niệu, bệnh viện Nhân dân 115, tinh hoàn là một bộ phận trong cơ thể người đàn ông có chức năng sản xuất và dự trữ tinh trùng. Ngoài ra tinh hoàn còn có chức năng sản xuất hóc môn nam (testosterone).Tinh hoàn được một lớp da mỏng bao bọc bên ngoài gọi là bìu.
Theo bác sĩ Sáng, ở nam giới, người ta vẫn hay nhắc đến bệnh ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi,... nhưng hầu như ít nghe đến ung thư tinh hoàn.
"Đây là loại ung thư ít gặp ở nam giới, chiếm khoảng 1% tổng số ung thư ở nam. Bệnh thường gặp ở tuổi từ 15-34. Ung thư tinh hoàn xuất hiện khi những tế bào của tinh hoàn phát triển một cách không bình thường và không kiểm soát được. Ung thư tinh hoàn xảy ra trong tinh hoàn nằm bên trong bìu, túi da lỏng lẻo bên dưới dương vật. Bệnh tiến triển thầm lặng nên nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi đã di căn. Thời gian gần đây, bệnh đang có dấu hiệu gia tăng", bác sĩ Sáng nói.
Thời gian gần đây, bệnh đang có dấu hiệu gia tăng
Thống kê tại Bệnh viện Bình Dân cho thấy trong 2 năm 2017 và 2018, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 151 trường hợp ung thư tinh hoàn. Trong đó, năm 2017 là 73 ca, còn năm 2018 lên đến 78 ca. Điều đáng nói, phần lớn các ca ung thư tinh hoàn đều ở người trẻ tuổi, từ 15-35 tuổi.
Dù thời gian gần đây, bệnh có dấu hiệu gia tăng nhưng điều đáng mừng là ung thư tinh hoàn có khả năng chữa khỏi cao nếu được phát hiện và can thiệp sớm. Tính chung cho các giai đoạn, có thể chữa khỏi cho 90% số người bệnh. Tỷ lệ sống 5 năm ở các bệnh nhân ung thư tinh hoàn là lớn hơn 95%.
Nguyên nhân gây thư tinh hoàn hiện nay vẫn chưa được xác định rõ. Một số nghiên cứu cho thấy 90% ung thư tinh hoàn bắt đầu từ các tế bào mầm (những tế bào sản xuất tinh trùng chưa trưởng thành) và nguyên nhân khiến chúng phát triển bất thường vẫn chưa được biết rõ.
Yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn bao gồm:
- Tinh hoàn lạc chỗ (cryptorchidism). Tinh hoàn ở vùng bụng trong thời gian phát triển bào thai và thường rơi vào bìu trước khi sinh. Nam giới có một tinh hoàn không xuống có nguy cơ mắc bệnh ung thư tinh hoàn hơn là đàn ông có tinh hoàn xuống bình thường. Nguy cơ vẫn còn ngay cả khi tinh hoàn đã được phẫu thuật di chuyển đến bìu. Tuy nhiên, đa số những người đàn ông bị ung thư tinh hoàn không có một lịch sử của tinh hoàn lạc chỗ.
- Tinh hoàn phát triển bất thường. Điều kiện để gây ra phát triển tinh hoàn bất thường, chẳng hạn như hội chứng Klinefelter có thể làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn.
- Lịch sử gia đình. Nếu trong gia đình có thành viên bị ung thư tinh hoàn thì những thành viên còn lại có thể có nguy cơ cao.
-Tuổi tác. Ung thư tinh hoàn ảnh hưởng đến thanh thiếu niên và đàn ông trẻ tuổi, đặc biệt là giữa độ tuổi từ 15 và 34. Tuy nhiên, nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Các triệu chứng của ung thư tinh hoàn
- Một khối u không đau hoặc sưng trên một trong hai tinh hoàn. Nếu được phát hiện sớm, khối u chỉ có kích thước bằng hạt đậu, nhưng có thể sẽ phát triển lớn hơn nhiều.
- Đau, khó chịu hoặc tê ở tinh hoàn hoặc bìu, sưng hoặc không sưng.
- Cảm giác nặng nề ở bìu. Ví dụ, một tinh hoàn có thể trở nên cứng hơn so với tinh hoàn khác. Hoặc ung thư tinh hoàn có thể làm cho tinh hoàn phát triển lớn hơn hoặc nhỏ hơn.
- Đau âm ỉ ở bụng dưới hoặc háng
- Tích tụ dịch trong bìu
- Ngực mềm hoặc phát triển. Mặc dù hiếm gặp, một số khối u tinh hoàn tạo ra hormone gây đau ngực hoặc tăng trưởng mô ngực, một tình trạng gọi là cường tuyến vú nam.
- Đau lưng dưới, khó thở, đau ngực và đờm có máu có thể là triệu chứng của ung thư tinh hoàn giai đoạn sau.
- Sưng một hoặc cả hai chân hoặc khó thở do cục máu đông có thể là triệu chứng của ung thư tinh hoàn. Cục máu đông trong tĩnh mạch lớn được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu. Máu đông trong động mạch trong phổi được gọi là thuyên tắc phổi và gây khó thở. Đối với một số đàn ông trẻ hoặc trung niên, phát triển cục máu đông có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư tinh hoàn.
Tỷ lệ sống 5 năm ở các bệnh nhân ung thư tinh hoàn là lớn hơn 95%.
Cách tự kiểm tra để phát hiện ung thư tinh hoàn
"Cách tốt nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư tinh hoàn là tự kiểm tra. Hàng tháng nên tự kiểm tra tinh hoàn một lần, đơn giản nhất là sau mỗi lần tắm. Bởi lúc này lớp da bao bọc tinh hoàn (bìu) đang trong trạng thái giãn nở nhất, điều này sẽ làm cho việc kiểm tra của bạn dễ dàng hơn", bác sĩ Sáng nói.
Cách tự khám tinh hoàn được tiến hành như sau:
- Bạn kiểm tra từng tinh hoàn, dùng hai tay lăn nhẹ nhàng từng tinh hoàn đồng thời thực hiện thao tác ấn nhẹ bằng các ngón tay. Bạn đặt ngón tay cái ở phía trên tinh hoàn, tay trỏ và ngón tay giữa đặt ở phía dưới, sau đó bạn sẽ cuộn tinh hoàn giữa các ngón tay.
- Sau khi cuộn tinh hoàn giữa các ngón tay bạn sẽ cảm nhận mào tinh hoàn (là ống chứa tinh dịch). Mào tinh hoàn bình thường là khi sờ vào bạn thấy mềm, giống một chuỗi, lúc ấn vào thấy hơi đau, nằm cố định ở trên tinh hoàn và phần này hơi u lên.
- Nếu tinh hoàn bên phải lớn hơn so với bên còn lại đây cũng là dấu hiệu tinh hoàn bình thường.
1 phút tự kiểm tra tinh hoàn mỗi tháng có thể giúp nam giới tránh khỏi ung thư.
- Trong khi tự khám tinh hoàn, cần chú ý và cảm nhận xem có sự hiện diện của các cục u ở phía trước hoặc 2 bên tinh hoàn hay không.
Nếu khám tinh hoàn mà bạn thấy có sự xuất hiện của các cục u, tinh hoàn sưng, kích thước, màu sắc thay đổi hoặc bị đau ở vùng háng thì bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám.