Chỉ vì chủ quan nghĩ đây là căn bệnh vùng kín, chị Hoa cố chịu đựng dù búi trĩ lòi ra ngoài chảy cả máu. Mãi đến khi không chịu đựng được mới đến viện thì đã ở trong tình trạng thiếu máu cấp.
Trĩ là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam, các biểu hiện của bệnh bao gồm đi đại tiện ra máu tươi, đau tức vùng hậu môn, có khối bất thường (búi trĩ) lòi ra khỏi hậu môn. Dù những biểu hiện rất rõ ràng và dễ nhận ra, nhưng do chủ quan không ít người giấu bệnh hoặc do ngại ngùng nên không đi khám kịp thời.
Điển hình như trường hợp của chị Hoa (34 tuổi, ở Nam Định) có dấu hiệu trĩ từ năm 29 tuổi, nhưng không đi khám. Thời gian gần đây do thấy người xanh xao, đi đại tiện ra nhiều máu tươi, búi trĩ lòi hẳn ra ngoài mới đến viện kiểm tra, lúc này bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật.
Theo chia sẻ của chị Hoa, từ khi sinh xong đứa thứ 2 chị bắt đầu thấy có búi trĩ lòi ra ngoài hậu môn, thời điểm đầu mỗi khi rặn đại tiện là có máu tươi ra kèm. Tìm hiểu trên mạng biết mình mắc trĩ nhưng chị Hoa không đi khám mà tự mua thuốc cả đông - tây y điều trị.
Đi vệ sinh ra máu tươi là dấu hiệu của người mắc bệnh trĩ cần phải đi khám.
Khoảng giữa năm 2019, do thấy ngày nào đi tiểu cũng ra máu, búi trĩ cảm giác lòi ra ngoài nhiều hơn thì chị Hoa mới đến viện khám. Tại đây, bác sĩ cho biết chị mắc trĩ ở độ 4 và cần chỉ định phẫu thuật. Ngoài ra, khi kiểm tra, chị Hoa còn bị thiếu máu mãn tính, nguyên nhân có thể chính là do mất máu mỗi lần đi tiểu suốt thời gian dài. Hiện sau phẫu thuật được 5 tháng, chị Hoa đã ổn định sức khỏe, tăng cân và thoải mái hơn trong sinh hoạt hàng ngày.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng - GĐ Trung tâm phẫu thuật trực tràng - tầng sinh môn (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, những trường hợp bị biến chứng của bệnh trĩ không phải là hiếm gặp. Trĩ được chia ra làm hai loại đó là trĩ nội và trĩ ngoại.
Trĩ ngoại nằm bên ngoài hậu môn, phát triển ngay gần rìa hậu môn và được phủ bởi lớp da rất nhạy cảm của vùng rìa hậu môn. Nếu hình thành cục máu đông (trĩ tắc mạch) nó sẽ rất đau và tạo thành khối cứng chắc. Trĩ ngoại cũng có thể chảy máu nếu nó bị vỡ ra.
PGS Nguyễn Xuân Hùng cho biết, nhiều trường hợp bị trĩ biến chứng nặng chỉ vì chủ quan.
Còn trĩ nội nằm phía trong hậu môn, thường không đau. Triệu chứng của trĩ nội thường là chảy máu, thòi trĩ ra ngoài khi đại tiện là những triệu chứng thường xuất hiện. Tuy nhiên nó có thể rất đau nếu búi trĩ nội bị sa ra ngoài hoàn toàn, từ phía trong hậu môn thòi ra ngoài lỗ hậu môn và không thể ấn lại được vào trong.
Trĩ nội được chia làm 4 độ. Độ I: trĩ không sa ra ngoài; Độ II: trĩ sa ra ngoài và tự tụt vào trong hậu môn sau khi đại tiện; Độ III: trĩ sa ra ngoài và phải dùng tay để đẩy vào lại vào trong; Độ IV: trĩ sa ra ngoài và không thể đẩy lại vào trong.
PGS Hùng cho biết, dù nhiều người hiện đang mắc trĩ nhưng đã số vẫn chủ quan không đi khám nên xảy ra nhiều biến chứng xảy ra. “Trong quá trình điều trị, tôi đã gặp trường hợp bệnh nhân đắp thuốc điều trị nội khoa cho bệnh ở giai đoạn nặng, nhưng lại sử dụng thuốc đông y không kiểm soát gây hoại tử, ngộ độc, suy đa tạng phải hồi sức, nguy hiểm tính mạng.
Có những ca bệnh để lại di chứng nặng không thể đại tiện thông thường, phải làm hậu môn nhân tạo. Nhiều người bệnh có thể diễn biến dai dẳng gây ra biến chứng nặng nề như thiếu máu, viêm tấy lan tỏa tầng sinh môn, nhiễm trùng máu gây nguy hiểm đến tính mạng, làm cho người bệnh mất tự tin, giảm chất lượng cuộc sống”, PGS Hùng nói.