Hai tuần trước khi sinh con gái thứ 2, diễn viên Thuý Anh đột nhiên đau đầu, gáy tê dần. Bác sĩ nói cô bị xuất huyết não. Căn bệnh này hiện đang trẻ hoá.
Nhiều người lo lắng trước thông tin diễn viên Thuý Anh bị xuất huyết não ở tuổi 27. Trước đó, tháng 9/2018, hai tuần trước khi sinh con gái thứ 2, cô đột nhiên đau đầu, gáy tê dần. Bác sĩ nói cô bị xuất huyết não nên mổ lấy em bé.
Diễn viên Thuý Anh trên phim trường lúc khỏe mạnh
Sau đó, cô hôn mê suốt hai tháng do cơ thể bị thêm chứng dị dạng mạch máu não. Khi tỉnh lại, nửa người bên trái của cô không cử động được. Chính bản thân nữ diễn viên trẻ cũng không biết từ đâu cơn bệnh ập đến. Hằng ngày, Thúy Anh được mẹ chở đi châm cứu, bấm huyệt, tập vật lý trị liệu… trong suốt nửa năm qua.
Nhờ kiên trì, tay trái của cô đã mở nắm được, chân trái chưa có dấu hiệu cử động. Cô vẫn ngồi xe lăn.
Thuý Anh bị xuất huyết não, hậu quả là bị liệt nửa người.
Theo các bác sĩ, xuất huyết não không chỉ là bệnh "dành riêng" cho người lớn tuổi mà đang dần trẻ hoá, một phần do chính những thói quen của người trẻ hiện nay.
Tháng 3/2019, anh L.H.N (28 tuổi, ở quận Bình Tân, TPHCM) khi đang đi ăn cùng vợ thì bất ngờ thấy đau đầu, nôn. Nghĩ chồng bị ngộ độc thực phẩm, vợ anh đưa anh N đi cấp cứu. Kết quả, anh được bác sĩ chẩn đoán xuất huyết não thái dương trái – não thất nghi do vỡ dị dạng mạch máu não.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước khi nhập viện, anh N đã phải đối mặt với nhiều căng thẳng, áp lực trong công việc. Dù anh không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia.
Cách đây không lâu, bệnh nhân P.T.T (25 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xuất hiện đau đầu không rõ nguyên nhân, đã uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ. Khi nhập viện trong tình trạng đau đầu đột ngột, lơ mơ, nôn nhiều, sau đó ý thức chậm dần, rơi vào tiền hôn mê, anh T được chụp CT sọ não thấy hình ảnh xuất huyết não hố sau.
TS. Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, chảy máu não (xuất huyết não) chiếm 10% - 15% trong tổng số khoảng 2 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó biến chứng chảy máu não thất chiếm khoảng 40% và làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh, TPHCM cho hay, lý do chính khiến người trẻ bị xuất huyết não là do dị dạng mạch máu. Ngoài ra, tăng huyết áp, tiền sử béo phì, ít vận động, cholesterol trong máu cao, áp lực cuộc sống cũng dẫn đến thực trạng dễ bị xuất huyết não ở người trẻ tuổi.
Cũng theo TS Chí Cường, vỡ dị dạng mạch máu (AVM) là tình trạng rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sự chi phối của não bộ lên hoạt động cơ thể, nếu phát hiện và điều trị muộn người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong.
Bệnh khởi phát rất đột ngột và dữ dội, có thể ngay sau lúc gắng sức về tâm lý và thể lực hoặc trong lúc đang làm việc, sinh hoạt bình thường mà đột ngột ngã gục xuống, hôn mê, liệt nửa người; thậm chí căn bệnh bộc phát ngay trong giấc ngủ hay khi vừa thức dậy.
Khi bị xuất huyết não, biểu hiện lâm sàng là đột qụy như: Đang đi hoặc đang làm gì đó bỗng nhiên nhức đầu dữ dội, thường lấy tay ôm đầu, bủn rủn chân tay và ngã chúi xuống một bên;
Tự nhiên nói khó hẳn đi hoặc cấm khẩu; Cả một tay và một chân cùng bên tự nhiên yếu hơn rồi bại dần hoặc nặng hơn thì liệt hẳn (bán thân bất toại) kèm theo liệt nửa mặt, vật vã, đái dầm, đại tiện không tự chủ, tăng tiết đờm dãi và mồ hôi (bên liệt), nhịp thở không đều, rối loạn nhịp tim và huyết áp, sốt.
Tri giác vẫn còn hoặc lú lẫn (bất tỉnh nhân sự) ở 50% hoặc hôn mê sâu ở 25%, hoặc xen kẽ lúc tỉnh lúc mê ở 25%. Còn nếu như hồi phục nhanh chóng hoặc hoàn toàn thì không phải xuất huyết não mà chỉ là co thắt mạch não - là hội chứng thiếu máu cục bộ não thoảng qua.
Theo ThS.BS Đỗ Quốc Phong, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E, đau đầu ở người trẻ có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do dị dạng mạch máu não. Vì vậy, khi xuất hiện những cơn đau đầu thường xuyên, người bệnh nên đến bệnh viện để được khám, chụp chiếu, chẩn đoán và điều trị sớm, tránh hệ lụy chảy máu não, thậm chí tử vong.